Mang nông nghiệp công nghệ cao về quê hương

Với mong muốn tăng giá trị cho các loại rau xanh, anh Trương Minh Kiệt (SN 2002) thôn Ka Tư, xã Hương Phú, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế đã áp dụng thành công kỹ thuật trồng rau thủy canh trong nhà kính tại khu vườn của gia đình. Không dừng ở đó, mô hình hiệu quả này đang được tiếp tục chuyển giao đến các vườn rau lân cận.
0:00 / 0:00
0:00
Anh Kiệt kiểm tra lại chất lượng rau trước khi thu hoạch.
Anh Kiệt kiểm tra lại chất lượng rau trước khi thu hoạch.

Mỗi năm, trồng 12 vụ rau

Năm 2019, từ thực tế việc trồng rau xanh theo cách truyền thống của gia đình thường xuyên bị hư hại, năng suất thấp, dựa trên kinh nghiệm trồng trọt lâu năm, ông Trương Minh Hào (ba của Kiệt) gợi ý con trai theo học ngành Nông nghiệp công nghệ cao thuộc Trường đại học Nông Lâm - Đại học Huế để tìm kiếm kiến thức, áp dụng vào làm kinh tế lâu dài.

Năm 2020, khi vừa bước chân vào giảng đường đại học, sự nhạy bén của Kiệt thể hiện rõ khi anh kết nối, tìm kiếm những tư liệu và kiến thức làm nông nghiệp công nghệ cao mang về vườn rau của gia đình. “Để giảm bớt sức lao động cũng như tiết kiệm nước, tôi sử dụng hệ thống bơm tuần hoàn. Trong nguồn nước đó sẽ có đủ các chất cần thiết cho từng loại rau phát triển, bao gồm 16 nguyên tố đa lượng và vi lượng. Máy sẽ bơm 15 phút rồi dừng 15 phút, liên tục cả ngày. Hệ thống bơm nước dễ dàng điều khiển từ xa thông qua ứng dụng trên điện thoại. Việc của người theo dõi là chỉ cần kiểm tra nồng độ chất dinh dưỡng, độ pH, nhiệt độ trong nhà kính và thu hoạch khi cây rau đạt tiêu chuẩn”, Kiệt cho biết.

Hiện tại, với 400 m2 (tương đương 8.000 ô) trồng theo kỹ thuật thủy canh, Kiệt tập trung trồng các loại rau cải xanh, rau húng, rau muống, dưa lưới và xà lách. Trong đó, rau xà lách chủ yếu trồng trong 3 tháng cuối năm để cung cấp cho thị trường Tết. Cây rau được trồng trong hệ thống ống nhựa sẽ thuận tiện cho việc theo dõi, kiểm tra tình trạng phát triển và thời gian cũng được rút ngắn. Việc thu hoạch sẽ tiến hành liên tục, xoay vòng. Nhờ vậy, Kiệt trồng được khoảng 12 vụ rau/năm. Khi bám sát các tiêu chuẩn khắt khe, Kiệt nhận ra nếu sử dụng phân bón quá nhiều sẽ khiến cây rau không phát triển như bình thường. Đây cũng là kinh nghiệm quan trọng được Kiệt lưu ý khi chuyển giao công nghệ cho các vườn rau khác trong khu vực.

Tháng 8 vừa qua, dự án “Cung cấp các sản phẩm rau sạch trồng thủy canh, hữu cơ cho bữa ăn hằng ngày” của Trương Minh Kiệt trong khuôn khổ chương trình Techfest Edu 2024 - Hội nghị hệ sinh thái mở các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã được một đơn vị cam kết đầu tư 300 triệu đồng để phát triển lâu dài. Nhận được cam kết đầu tư khi vừa bảo vệ thành công khóa luận tốt nghiệp, Kiệt cho biết "đã phần nào hiện thực hóa giấc mơ làm giàu từ rau".

Ước mơ làm giàu từ rau xanh

Với giá bán rau húng từ 40 nghìn đến 60 nghìn đồng/kg, rau cải từ 25 nghìn đến 30 nghìn đồng/kg, mỗi năm, vườn rau cho doanh thu từ 350 đến 400 triệu đồng. Với kế hoạch chuyển giao công nghệ, mở rộng thêm mạng lưới nhà vườn cùng trồng rau theo kỹ thuật thủy canh, Kiệt cho rằng: “Nhu cầu về rau xanh chất lượng cao ngày càng tăng. Nếu muốn hợp tác với các siêu thị, tôi và các hộ nông dân cần bảo đảm cung cấp số lượng đủ lớn và thường xuyên. Ước mơ làm giàu trên chính quê hương là điều tôi luôn nghĩ đến. Nhìn sự cố gắng của các cô, chú nông dân đang làm cùng mình, tôi hiểu hành trình đi cùng cây rau của bản thân đang đúng hướng”.

Đến nay, anh Kiệt đã chuyển giao thành công mô hình trồng rau thủy canh cho một hộ gia đình và hai hợp tác xã gồm Hợp tác xã Thủy Tân và Hợp tác xã Thủy Châu (thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế) với tổng diện tích khoảng 2.000 m2. Cùng với đó, mô hình trồng dưa lưới chuyển giao tại huyện Phong Điền đã có những hiệu quả bước đầu.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao như mô hình của Kiệt đang làm không chỉ là việc nâng cao năng suất và chất lượng nông sản, phát triển ngành nông nghiệp tại xã Hương Phú mà còn tạo ra những cơ hội mới cho người nông dân. Bí thư Đoàn xã Hương Phú Võ Minh Trí cho biết: “Hy vọng từ sự dám nghĩ, dám làm của bạn Kiệt sẽ tạo nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ và các hộ nông dân trên địa bàn. Qua đó, bà con nông dân có thể học hỏi kinh nghiệm để chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại. Đồng thời, góp phần tích cực trong việc hỗ trợ thanh niên ở lại hoặc quay về địa phương sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng để làm kinh tế, khởi sự doanh nghiệp”.