Chung quanh đề xuất bỏ giấy chuyển tuyến với bệnh hiểm nghèo

Đề xuất bỏ giấy chuyển tuyến với bệnh hiểm nghèo là một trong những nội dung mà Bộ Y tế trình Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) đến Quốc hội đang nhận được sự quan tâm lớn của dư luận.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ Y tế đang có đề xuất cho bệnh nhân hiểm nghèo được chuyển tuyến khám, chữa bệnh. Ảnh: NAM HẢI
Bộ Y tế đang có đề xuất cho bệnh nhân hiểm nghèo được chuyển tuyến khám, chữa bệnh. Ảnh: NAM HẢI

Người bệnh ủng hộ bỏ giấy chuyển tuyến với bệnh hiểm nghèo

Sáng 24/10, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (BHYT). Sau 15 năm triển khai thi hành, Luật BHYT đã thật sự đi vào cuộc sống với 93,3 triệu người, tương ứng 93,35% dân số tham gia BHYT. Tuy nhiên, quá trình thực hiện luật đã phát sinh những vướng mắc, bất cập, hạn chế cần được điều chỉnh. Trong những vướng mắc, bất cập có quy định về thông tuyến, chuyển tuyến. Ngoài ra, những quy định về đối tượng tham gia BHYT, phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT; đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu; phương thức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh... cũng có một số bất cập, hạn chế.

Dự án luật lần này, theo bà Lan, sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định cần thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan, khắc phục các bất cập của luật hiện hành có tính cấp bách, có đầy đủ thông tin, dữ liệu, đạt được sự đồng thuận. Trong đó có các quy định về chuyển từ 4 tuyến khám bệnh, chữa bệnh sang 3 cấp chuyên môn kỹ thuật để kịp thời có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Cụ thể, dự luật sửa đổi quy định về khám bệnh, chữa bệnh đúng tuyến và không đúng tuyến (thông tuyến) được cập nhật theo cấp chuyên môn kỹ thuật của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023.

Bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cấp chuyên môn cao để giảm thủ tục, tạo thuận lợi, giảm chi tiền túi cho người dân, tiết kiệm chi phí cho quỹ. Theo đó, dự luật quy định người bệnh được tự đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc cấp chuyên môn kỹ thuật cơ bản hoặc chuyên sâu trong trường hợp chẩn đoán xác định, điều trị một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao theo danh mục bệnh, kỹ thuật quy định của bộ trưởng Bộ Y tế: thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT nội trú và ngoại trú theo tỷ lệ phần trăm mức hưởng quy định.

Tại khu nhà trọ mà các bệnh nhân ung thư từ các địa phương khác tá túc để lên Hà Nội trị bệnh được gọi là “xóm ung thư” nằm rải rác ở ngõ nhỏ trên đường Cầu Bươu, đối diện Bệnh viện (BV) K Tân Triều. Tiền ăn, tiền ở, tiền trị bệnh… hơn ai hết người nhà như chị Nguyễn Thị Thơm (Thái Bình) thấu hiểu sự nhọc nhằn hằng ngày. Để hưởng BHYT tuyến trên, họ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư từ tuyến dưới, phải được cấp giấy chuyển viện. Tuy nhiên, giấy chuyển viện có thời hạn, họ sẽ phải quay về để được cấp tiếp. Để cấp lại giấy chuyển viện, người bệnh cũng phải có mặt. Đối với người bệnh hiểm nghèo, việc đi lại không dễ dàng. Do vậy việc đề xuất bỏ giấy chuyển tuyến theo người nhà và người bệnh, đây là một đề xuất nhân văn.

Bệnh nhân Nguyễn Văn H. (Yên Bái) đang điều trị tại BV K Tân Triều chia sẻ: “Tôi bị ung thư dạ dày đã phẫu thuật và đang điều trị, tái khám tại cơ sở Tân Triều hơn ba năm nay. Thế nhưng mỗi đầu năm tôi đều bị buộc phải trở về bệnh viện tuyến huyện để xin giấy chuyển tuyến cho phù hợp với quy định. Điều này thật vô lý. Hiện năng lực tuyến y tế cơ sở chưa đáp ứng nhu cầu, kết quả điều trị hiệu quả không cao. Người dân đã phải chịu thiệt thòi về sức khỏe, tiền bạc. Do đó cần xem xét bệnh nào, tình trạng nào, điều kiện nào để cho phép chuyển tuyến”.

Bệnh nhân Lê Văn N. (Thanh Hóa) nói: “Bệnh nhân ung thư đã rất mệt mỏi, kiệt sức vì hóa trị, xạ trị. Mỗi lần đi xin giấy chuyển tuyến, bệnh nhân đều phải có mặt. Có những đợt xuống y tế tuyến dưới để lấy giấy, tôi chỉ ngồi gục với cơ thể mệt mỏi, còn người nhà phải lo chạy giúp thủ tục. Nếu bỏ chuyển tuyến thì vừa đỡ kinh phí và tiết kiệm thời gian cho người bệnh và gia đình”.

Để có tấm giấy chuyển viện, người bệnh phải vượt hàng chục, hàng trăm km để qua các tuyến. Trong khi đó, các bệnh hiểm nghèo điều trị tính bằng năm. Do vậy, việc bỏ bớt các thủ tục được người bệnh ủng hộ bởi khi mắc bệnh hiểm nghèo, họ đã chịu nhiều gánh nặng. Khi được hỏi, các bệnh nhân đang điều trị tại BV K Tân Triều có mặt tại xóm trọ đều chia sẻ về nỗi khổ mang tên giấy chuyển tuyến, họ đều có chung một mong muốn: Chúng tôi là những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo rồi, chữa bệnh đã rất mệt mỏi, chỉ mong sao các thủ tục đừng làm khổ bệnh nhân thêm nữa.

Chung quanh đề xuất bỏ giấy chuyển tuyến với bệnh hiểm nghèo ảnh 1

Khám nội soi cho bệnh nhân.Ảnh: AN NHƯ

Tránh “vỡ trận”

Hiện các BV chuyên khoa tuyến cuối điều trị các bệnh hiểm nghèo lúc nào cũng trong tình trạng quá tải. Việc bỏ chuyển tuyến cũng khiến nhiều chuyên gia lo ngại các bệnh viện sẽ gặp khó khăn.

Chiều 24/10, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, đại biểu Nguyễn Tri Thức, Thứ trưởng Y tế cho rằng, chủ trương hiện nay là thông tuyến toàn quốc cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu, nghĩa là bệnh nhân có quyền đi khám ban đầu tại bất kỳ cơ sở khám, chữa bệnh nào được quy định thông tuyến trên toàn quốc đều được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT theo quy định. Do đó, quy định phải đăng ký một cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu là hình thức tạo thêm thủ tục hành chính không đáng có.

Điều khiến đại biểu băn khoăn, lo ngại là có ý kiến đề xuất bỏ giấy chuyển tuyến trong BHYT, cho rằng điều này sẽ gây ra hai hệ lụy.

Một là, nếu bỏ giấy chuyển tuyến, trong bối cảnh giao thông thuận lợi, bệnh nhân sẽ không khám ở BV ban đầu mà đi thẳng lên BV T.Ư (cấp chuyên sâu). Như thế, chỉ 1 - 2 năm sẽ triệt tiêu hệ thống y tế cơ sở, đi ngược lại chủ trương phát triển, củng cố hệ thống y tế cơ sở. “Mình cứ nghĩ giấy chuyển tuyến phiền phức nhưng nó rất cần thiết trong ngành y. Nếu bỏ giấy chuyển tuyến thì bệnh nhân không khám ở trạm y tế và BV huyện nữa mà lên thẳng lên BV tuyến chuyên sâu như Chợ Rẫy, Bạch Mai, Việt Đức…”, đại biểu Thức nói. Theo ông, nếu làm như vậy thì hệ thống y tế cơ sở chỉ 1-2 năm là bị triệt tiêu và chủ trương phát triển, củng cố hệ thống y tế cơ sở không thực hiện được. Trong khi đó, dịch Covid-19 đã cho thấy hệ thống y tế cơ sở có vai trò quan trọng.

“Nhiều giám đốc BV cho rằng, chỉ nên bỏ giấy chuyển tuyến trong trường hợp khám ở cấp ban đầu và cấp cơ bản. Nhưng từ cấp cơ bản, hoặc cấp ban đầu mà lên cấp chuyên sâu thì cần phải có giấy chuyển tuyến. Đó là điều rất cần thiết trong ngành y, bởi nhìn vào đó, bác sĩ chuyên sâu sẽ biết quá trình diễn biến bệnh một cách tóm tắt”, đại biểu Nguyễn Tri Thức đề xuất.

Hai là, hiện nay, một bác sĩ mỗi ngày khám khoảng 20 bệnh nhân, giờ khoảng 200 bệnh nhân ngồi chờ thì không bác sĩ nào khám nổi. Hay một bác sĩ giỏi ở BV cấp T.Ư thường bị khống chế chỉ mổ một ca bệnh đặc biệt/ngày, do ca bệnh này thường kéo dài 6 - 8 giờ. Điều này nhằm bảo đảm sự an toàn, hiệu quả cho bệnh nhân cũng như chính bác sĩ. Nếu bỏ giấy chuyển tuyến, bệnh nhân sẽ đến thẳng BV chuyên sâu, với áp lực số lượng bệnh nhân như thế thì một bác sĩ sẽ không thể bảo đảm một ngày một ca mổ đặc biệt cũng như các ca phẫu thuật loại 1, 2, 3.

Các chuyên gia cũng đưa thêm ý kiến cần có thêm nhiều giải pháp để giảm tải cho tuyến trên nhằm tạo thuận lợi cho người bệnh. Các giải pháp là đầu tư thêm y tế tuyến cơ sở và có thể cấp phát thuốc BHYT dài hơn được các chuyên gia khuyến cáo. Một bác sĩ tại BV K Tân Triều đóng góp: “Nếu như bệnh nhân đến giai đoạn điều trị ổn định, chỉ cần 6 tháng đến 1 năm kiểm tra định kỳ một lần nếu không có dấu hiệu bất thường khác thì với những bệnh nhân này có thể kéo dài thời gian cấp thuốc khoảng 3 tháng thì bệnh nhân sẽ bớt thời gian đi lại”.

Hiện nay cũng có nhiều ứng dụng về sức khỏe phát triển như BHXH cũng có ứng dụng trên điện thoại. Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, công nghệ cũng là một giải pháp cần được tham khảo để có thể tiết kiệm chi phí và tiền bạc cho người bệnh.