Trương Hồng Liên (Quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh)
Những ngày qua, tình hình phức tạp của dịch Covid-19 ở nhiều tỉnh, thành phố đã khiến nhiều người lâm vào khó khăn, có trường hợp đã cầu cứu cộng đồng trên mạng xã hội. Đáng tiếc và đáng buồn là không ít kẻ lừa đảo bằng hình thức “từ thiện vặt” - đăng một dòng bình luận mở đầu bằng một số câu đại loại như “chồng em vừa mất do dịch bệnh, giờ chỉ còn hai mẹ con với một ít thức ăn” và kết thúc với đề nghị “dù chỉ cho 5 nghìn hay 10 nghìn, em cũng xin đội ơn suốt đời”. Để chắc thêm lòng tin với cộng đồng, người cầu cứu thường công khai địa chỉ, nơi ở chi tiết kèm theo tài khoản ngân hàng cá nhân. Không ít người đã động lòng trắc ẩn, lập tức chuyển khoản theo thông tin được cung cấp mà không hề kiểm chứng.
Tuần qua, mẹ tôi đã “hỗ trợ” ba “người cầu cứu” trên mạng xã hội. Lúc nghe bà kể lại, tôi đã kiểm tra thông tin thì thấy rằng họ đều đưa ra địa chỉ giả hoặc thay đổi một chút. Trong ba trường hợp, có một người cung cấp số điện thoại thì cũng là giả mạo, khi gọi đến thì đầu dây bên kia khẳng định nhầm máy. Cá biệt hơn, một trường hợp dù rất thống thiết giới thiệu “bị trầm cảm sau sinh nên chồng bỏ đi đã lâu”, nhưng ảnh đại diện lại là… đàn ông. Và tất nhiên, ít người để ý rằng, cả ba tài khoản ngân hàng do họ cung cấp đều có tên chủ sở hữu hoàn toàn khác thông tin đã nêu. ây không phải lần đầu, và cũng chưa chắc đã là lần cuối có những kẻ lợi dụng lòng trắc ẩn của người khác để trục lợi. Cách duy nhất để tránh tình cảnh “dở khóc dở cười” chỉ có thể là kiểm chứng thông tin kỹ lưỡng hơn. Cũng như để giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch, hãy liên hệ chính quyền các địa phương hoặc cơ quan có chức năng phù hợp.