Khuyến khích người dân, doanh nghiệp sản xuất điện mặt trời

Quy hoạch điện VIII khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) “tự sản, tự tiêu”, không giới hạn công suất. Tuy nhiên, nhiều khái niệm vẫn còn mơ hồ khiến người dân, nhà đầu tư và doanh nghiệp băn khoăn.
0:00 / 0:00
0:00
Lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà. Ảnh: EVN
Lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà. Ảnh: EVN

Người dân và doanh nghiệp đều quan tâm

Những ngày nóng bức này, ông Bùi Văn An (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đang suy tính việc lắp đặt ĐMTMN. “Tôi định bỏ ra 100 triệu đồng để lắp hệ thống này. Theo tính toán, mỗi ngày nắng nóng có thể thu được 30 số điện. Nếu ban ngày không dùng đến thì có thể tích trữ vào ắc-quy để buổi tối về dùng. Như vậy sẽ phần nào tránh được điện sinh hoạt chịu bậc giá cao”, ông An nhẩm tính.

Trước việc ngành điện đang lo thiếu điện, tần suất cắt điện cũng đang nhiều hơn, ông An tin rằng, lựa chọn này của mình là phù hợp.

Theo quy hoạch điện VIII vừa ban hành, ĐMTMN là loại hình năng lượng khuyến khích đầu tư. Quy hoạch này nêu rõ: Đối với việc phát triển điện mặt trời, sẽ ưu tiên phát triển ĐMTMN không giới hạn công suất, với điều kiện giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện sẵn có, không phải nâng cấp, nhất là các khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền bắc,…

Thực tế, sau khi chính sách ưu đãi cho điện mặt trời, trong đó có ĐMTMN kết thúc vào cuối năm 2020, phong trào đầu tư ĐMTMN bắt đầu chững lại. Song nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp vẫn tích cực tìm kiếm cơ hội lắp đặt ĐMTMN trên mái các công trình, nhà xưởng theo hình thức tự sản, tự tiêu hoặc nhà đầu tư thuê mái nhà xưởng rồi bán điện lại cho chính nhà máy sản xuất. Bởi lẽ, nhiều đối tác yêu cầu các nhà máy phải sử dụng năng lượng xanh trong sản xuất thì mới có đơn hàng.

Là doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm gỗ hàng đầu Việt Nam, ông Vũ Hải Bằng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Woodsland chia sẻ sản xuất xanh là yêu cầu bắt buộc của các đối tác. Nếu không đạt được những yếu tố này thì coi như không ký được hợp đồng, hợp tác gì nữa.

“Chúng tôi đang rất cố gắng để đạt các tiêu chí sản xuất xanh. Ngoài việc dùng nguyên liệu đạt chứng chỉ FSC (Chứng chỉ nhằm xác minh nguồn gốc gỗ, quy trình khai thác, sản xuất theo đúng pháp luật, đáp ứng tiêu chuẩn bảo vệ môi trường), chúng tôi cũng đầu tư phát triển điện mặt trời dùng cho sản xuất trên các mái nhà xưởng. Qua đó, chúng tôi tự túc được 20% điện sản xuất từ năng lượng mặt trời”, ông Vũ Hải Bằng nói.

Ông Trần Thanh Bình, Phó Trưởng ban Kinh doanh, EVN thừa nhận: ĐMTMN là một lĩnh vực rất có lợi cho chủ đầu tư, cho doanh nghiệp, người dân cũng như cả hệ thống điện. Đặc điểm của nó là nguồn phân tán sản xuất điện tại chỗ, không tốn nhiều chi phí truyền tải. Ngoài ra nó còn giúp tận dụng nguồn lực xã hội hóa.

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư khi lắp ĐMTMN còn chưa quan tâm đến các quy định về phòng cháy, chữa cháy (PCCC), môi trường, giấy phép hoạt động điện lực... Chính vì không nắm hết các quy định quản lý nên đã nảy sinh một số vấn đề phức tạp, như vi phạm đất đai, PCCC, an toàn công trình xây dựng…

Đó là lý do gần đây ngành điện phía nam đã ra “tối hậu thư” cho các nhà đầu tư ĐMTMN, khiến các nhà đầu tư này không khỏi lo lắng. Theo đó, nếu không hoàn thiện các thủ tục như giấy phép xây dựng, PCCC… thì sẽ bị ngừng mua điện.

Khuyến khích người dân, doanh nghiệp sản xuất điện mặt trời ảnh 1

Nhiều hộ dân đang có xu hướng lắp đặt và sử dụng điện mặt trời mái nhà.

Chờ thêm hướng dẫn rõ ràng

Chủ trương khuyến khích ĐMTMN, song người dân và doanh nghiệp cũng không khỏi lúng túng khi chưa có một hướng dẫn cụ thể hơn.

Ông Luyện Văn Hoạt, một hộ dân ở Bình Dương cho biết, ông đã đầu tư hệ thống ĐMTMN cho trang trại của mình gần hai năm nay, nhưng không những không bán được điện lên lưới mà muốn dùng cũng không được, vì điện lực địa phương bảo “chưa có hướng dẫn việc lắp công-tơ”.

Ông Nguyễn Hải Anh, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Shinec, chủ đầu tư KCN Sinh thái Nam Cầu Kiền cho biết: Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền là khu công nghiệp do Việt Nam đầu tư. Đây là khu công nghiệp sinh thái nên năng lượng xanh luôn được chú trọng. Các nhà đầu tư tại khu công nghiệp cũng rất quan tâm đến điện mặt trời áp mái. Quy hoạch điện VIII vừa mới ra đời đem đến nhiều tín hiệu tích cực, thế nhưng, các quy chế, định nghĩa khiến doanh nghiệp không khỏi băn khoăn về định nghĩa “tự sản tự tiêu”, quy trình xin phép… Vì vậy, chúng tôi rất mong các cơ quan quản lý sớm có hướng dẫn rõ ràng, những cơ chế cụ thể để nhà đầu tư có thể xây dựng kế hoạch phát triển.

Đánh giá việc dùng năng lượng xanh là cần thiết, giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp, song ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam kiến nghị: Cơ quan quản lý cũng cần tính đến phương án đưa phần điện dư thừa lên hệ thống lưới điện để tạo ra nguồn thu cho doanh nghiệp thực hiện lắp đặt năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, từ đó tạo ra nguồn thu đóng góp vào việc giảm chi phí giá thành, tăng tính cạnh tranh cho các sản phẩm của doanh nghiệp.

Nhấn mạnh cơ chế hướng dẫn cho các dự án ĐMTMN tự sản, tự tiêu không phát lên lưới là cần thiết, chuyên gia năng lượng Phan Công Tiến đánh giá: Mô hình này có lợi cho cả nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Ông lý giải, hiện giá điện bình quân sau khi tăng thêm 3% là 1.920 đồng/kWh, trong khi giá bình quân khu vực sản xuất công nghiệp khoảng 1.800 đồng/kWh. Tỷ trọng khu vực dân cư 35%, sản xuất 55%, như vậy khu vực dân cư đang gánh giá điện cho điện sản xuất, tức đang bù chéo giá điện từ dân và thương mại cho sản xuất.

“Rõ ràng khu vực sản xuất nếu tự lo được một phần năng lượng nhờ lắp ĐMTMN tự sản, tự tiêu sẽ giúp họ có lợi khi tiền điện thấp hơn, người dân cũng sẽ có lợi khi ít bị bù chéo hơn và ít tăng tiền điện hơn”, ông Tiến nói và cho biết thêm, lợi kép của doanh nghiệp là họ có được chứng chỉ xanh từ mô hình này - điều kiện tiên quyết cho xuất khẩu trong tương lai.

Do đó, theo chuyên gia này, cơ quan quản lý nên có định hướng và hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển xanh theo các mô hình tự nguyện theo nhu cầu của người sử dụng điện. Người sử dụng điện được quyền tiếp cận phát triển và sử dụng điện năng lượng tái tạo.

Trao đổi ý kiến với PV, một lãnh đạo của EVN cho biết, tập đoàn đã có nhiều văn bản gửi Bộ Công thương kiến nghị xử lý, giải quyết vướng mắc về ĐMTMN. Mới đây, EVN cũng kiến nghị Bộ sớm ban hành hướng dẫn phát triển nguồn điện này không phát lên lưới. Đây là một trong những nội dung phù hợp Quy hoạch điện VIII vừa được phê duyệt.

Ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công thương khẳng định: Trong quy hoạch điện VIII, ĐMTMN ưu tiên cho phép phát triển không giới hạn công suất với mô hình tự sản tự tiêu, không bán điện cho EVN. Hiện nay ở nhiều địa phương còn có cách hiểu khác nhau về ĐMTMN. Ông An cho rằng: Nếu hiểu đúng thì hệ thống điện mặt trời phục vụ nhu cầu chính họ, phục vụ dự án của họ, thì cho đấu nối là bình thường. Bởi lẽ Quy hoạch điện VIII đã ghi không giới hạn công suất. Một số cơ quan chức năng nói ĐMTMN thì chỉ cho phép dưới 1MW. Điều này không hẳn. Họ có thể lắp ĐMTMN, EVN kiểm tra từng dự án, nếu đáp ứng giấy phép xây dựng, an toàn PCCC thì cho phép đấu nối... Nếu hệ thống ĐMTMN nào không bán điện lên lưới điện quốc gia thì không lắp hệ thống phát ngược lên lưới điện.

“Với khu vực như miền bắc thì càng ưu tiên ĐMTMN. Đây là giải pháp quan trọng, giúp không phải truyền tải điện đi xa, giảm phát thải. Vừa qua, Sáng kiến toàn cầu RE100 cũng đã phát động chiến dịch với mục đích tập hợp các công ty trong danh sách Global Fortune 500 để cùng thực hiện cam kết sử dụng 100% năng lượng tái tạo trong khung thời gian ngắn nhất có thể. ĐMTMN sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp đạt mục tiêu này”, lãnh đạo Bộ Công thương chia sẻ.

Từ sau khi Quyết định số 11 và 13 của Thủ tướng Chính phủ, EVN đã phát triển được 113.000 hệ thống điện áp mái. Năm 2021-2022, hệ thống này đưa lên lưới điện 11,3 tỷ KWh. Năm 2022 hệ thống này chiếm khoảng 4,21% điện sản xuất và nhập khẩu của toàn hệ thống. Công suất phát điện quy đổi tương ứng khoảng 7.700 MW.