Khủng hoảng Chính phủ Hà Lan

Hà Lan đang rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng sau khi chính phủ theo đường lối trung hữu ở Hà Lan sụp đổ do những tranh cãi về các chính sách nhập cư. Theo kế hoạch, Hạ viện Hà Lan thảo luận về việc chính phủ từ chức trong ngày 10/7.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Mark Rutte trả lời báo giới sau khi chính phủ liên minh của ông sụp đổ. Ảnh: REUTERS
Thủ tướng Mark Rutte trả lời báo giới sau khi chính phủ liên minh của ông sụp đổ. Ảnh: REUTERS

Thảo luận về chính phủ tạm quyền

Chính phủ liên minh của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã sụp đổ do bất đồng không thể vượt qua về cách giải quyết vấn đề người di cư. Ông Rutte - vị lãnh đạo cầm quyền lâu nhất tại Hà Lan và một trong những chính khách kỳ cựu hàng đầu châu Âu, thông báo bốn đảng trong liên minh cầm quyền đã không thể đi đến thỏa thuận sau những ngày đàm phán căng thẳng.

Ngày 8/7, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã có cuộc thảo luận với Nhà vua Willem-Alexander về một chính phủ tạm quyền. Dự kiến, sau khi chính phủ sụp đổ thì bước tiếp theo sẽ là giải tán Quốc hội để tiến hành tổng tuyển cử. Tuy nhiên, cần có một cuộc thảo luận về việc Chính phủ Hà Lan từ chức tại Hạ viện trong ngày 10/7. Sau khi Quốc hội giải tán, một cuộc bầu cử mới dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới.

Liên minh cầm quyền vừa qua là liên minh thứ tư do ông Rutte lãnh đạo kể từ khi nhậm chức lần đầu vào năm 2010. Tuy nhiên, liên minh này chỉ mới lên nắm quyền từ tháng 1/2022, sau thời gian đàm phán kỷ lục là 271 ngày và vẫn chia rẽ sâu sắc trong nhiều vấn đề.

Hiện Hà Lan phải đối mặt một trong những chiến dịch tranh cử chia rẽ nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đảng mới Phong trào Công dân-Nông dân (BBB), do những người nông dân phản đối các quy định môi trường của chính phủ đứng đầu, sẽ tìm cách lặp lại thành công như trong cuộc bầu cử Thượng viện đầu năm nay. Chủ tịch đảng này, bà Caroline van der Plas đã từ chối tham gia liên minh với ông Rutte và không loại trừ khả năng đứng ra nhận chức Thủ tướng nếu đảng của bà giành nhiều ghế nhất trong cuộc tổng tuyển cử tới.

Bất đồng gay gắt về chính sách di cư

Thời gian qua, các đảng trong liên minh cầm quyền Hà Lan đã bất đồng về kế hoạch của ông Rutte siết chặt các biện pháp hạn chế đoàn tụ gia đình của người xin tị nạn, biện pháp vốn nhằm hạn chế số người di cư sau vụ bê bối hồi năm 2022 liên quan các trung tâm tị nạn quá tải khiến một em nhỏ thiệt mạng và hàng trăm người phải ngủ ngoài trời.

Hà Lan là một trong những nước châu Âu có chính sách nhập cư khó khăn nhất nhưng dưới áp lực của các đảng cánh hữu, ông Rutte trong nhiều tháng đã cố gắng tìm cách giảm hơn nữa dòng người xin tị nạn. Đơn xin tị nạn ở Hà Lan đã tăng một phần ba vào năm ngoái, lên hơn 46.000 đơn và chính phủ dự báo con số này có thể tăng lên hơn 70.000 trong năm nay, vượt qua mức cao nhất trước đó được ghi nhận vào năm 2015.

Bất đồng về vấn đề người di cư không phải là chuyện riêng của Hà Lan, mà đây là vấn đề chung của toàn khối khi số đơn xin tị nạn tại Liên minh châu Âu (EU) tăng lên mức kỷ lục. Cơ quan tị nạn EU (EUAA) vừa công bố báo cáo hằng năm cho hay, số đơn xin tị nạn ở liên minh này trong năm 2022 đạt gần 1 triệu đơn, mức cao nhất trong 6 năm qua. Các đơn xin tị nạn trên chủ yếu là của người Syria, Afghanistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Venezuela và Colombia.

Theo EUAA, tình hình này đang gây áp lực nghiêm trọng đối với các địa điểm tiếp nhận vốn đã quá tải ở nhiều quốc gia. Một số thành viên EU đang có lập trường ngày càng cứng rắn nhằm ngăn chặn tình trạng di cư trái phép. EU đang đàm phán cải cách các quy định về tị nạn và di cư, nhằm chia sẻ gánh nặng tiếp nhận ở các nước thành viên, loại bỏ những người ít phù hợp nhất, đồng thời thúc đẩy việc hồi hương những người di cư bị từ chối.

Dù Hội nghị cấp cao EU vừa qua không đạt được đồng thuận về vấn đề người di cư, song các nhà lãnh đạo các nước thành viên EU hy vọng liên minh có thể đi đến một thỏa thuận vào cuối năm nay, nhằm tìm cách xử lý hàng triệu người di cư đang hướng về châu lục này, xóa bỏ nạn buôn người và giải quyết tận gốc nguyên nhân dẫn tới di cư bất hợp pháp.