“Khúc nhạc” của rừng

Một ngày hè ngập nắng, chiếc phà nhỏ ngang qua sông Đồng Nai đưa tôi vào Vườn quốc gia Cát Tiên, khu rừng quý giá của vùng Đông Nam Bộ. Đây là một trong số ít khu bảo tồn thiên nhiên ở nước ta mà du khách có thể ngắm nhìn đời sống động vật hoang dã trong tự nhiên, bao gồm những loài chim, thú có tên trong Sách đỏ.
0:00 / 0:00
0:00
“Khúc nhạc” của rừng

Vườn quốc gia Cát Tiên trải rộng trên địa bàn năm huyện là Tân Phú, Vĩnh Cửu (Đồng Nai), Bảo Lộc (Lâm Đồng) và Bù Đăng (Bình Phước). Phần rừng nằm ở tỉnh Đồng Nai thường được gọi là Nam Cát Tiên và đón khách tham quan nhiều hơn cả. Để khám phá Vườn quốc gia Cát Tiên, bạn có thể lựa chọn hàng chục tour khác nhau, trong ngày hoặc vài ngày, đi xe đạp hoặc trekking, cắm trại ven sông Đồng Nai hoặc ngủ đêm trong Bàu Sấu. Mùa khô ở đây từ tháng 12 đến tháng 5, trong đó thời điểm lý tưởng cho du lịch là khoảng cuối tháng 4 và đầu tháng 5, khi bướm sinh sôi và muồng hoa đào Cát Tiên nở rộ.

Cái nóng như tan biến ngay khi tôi đặt chân vào dưới những tán cây xanh rì, rậm rạp. Thuê một chiếc xe đạp và dành một buổi chiều men theo đường mòn, tôi được chiêm ngưỡng các đại thụ khổng lồ nổi tiếng của rừng: cây tùng 400 năm tuổi, cây gõ đỏ 700 năm tuổi, cây bằng lăng 5 ngọn, cây đa 6 thân. Nhưng có lẽ ấn tượng mạnh mẽ nhất trong chuyến đi là buổi “tắm rừng” sớm hôm sau, khi tôi may mắn được đồng hành với một số chuyên gia về muông thú, chim chóc. Giữa bốn bề xanh biếc, tiếng bầy vượn hú chào ngày mới lanh lảnh như tiếng hát, tiếng khỉ gọi nhau lại có vẻ chí chóe hơn. Gà rừng gáy vang, chim hót khi líu lo khi rúc rích, vang vọng theo từng tầng của tán rừng: chim hỏa tiễn, chim thanh tước, chim vàng anh, chim hoành hoạch, chim trà tiên, chim hồng hoàng. Đôi lúc, bản hòa ca ấy còn xen vào cả tiếng ve râm ran, tiếng kêu của côn trùng lạ, tiếng xào xạc của vòm lá khi thoảng cơn gió mạnh. Nếu dừng chân, im lặng, lắng nghe kỹ hơn, tôi còn có thể thấy tiếng róc rách của dòng suối hay ghềnh thác nào đó rất gần. Tất cả những thanh âm rất khác nhau đã hợp thành một “bản nhạc” của đại ngàn thật dễ nghe và căng tràn sức sống. Giai điệu ấy không thể ghi âm, sao chép lại được, nhưng sẽ lưu lại trong tâm trí tôi thật lâu, nhắc tôi về chuyến phiêu lưu kỳ thú trong rừng.