Sáng sớm, trên Quốc lộ 9, con đường huyết mạch dẫn qua Khe Sanh, mỗi góc dừng chân đều là một khung cảnh sương mờ, mây lững lờ đồi núi. Xa tầm mắt bên sườn núi cao, mây kéo dài như tấm khăn trắng nhắc nhở ký ức về nơi cha anh từng dâng hiến tuổi thanh xuân cho hòa bình, độc lập của đất nước.
Mùa đông sương mờ mây trắng bao phủ cùng cơn mưa nhẹ rơi ẩm ướt dịu dàng như một chiếc chăn mỏng bọc lấy cảnh vật nơi đây. Trong mưa lạnh này, thưởng thức một tách cà-phê Arabica đặc sản của vùng, nhìn mây trôi qua trước mắt còn điều gì tuyệt hơn. Hương thơm nồng nàn, đậm đà của cà-phê hòa quyện với sự tĩnh lặng của thiên nhiên, làm cho những câu chuyện bên bếp lửa thêm phần ấm áp.
Con đường 9 của sự phát triển và hội nhập, những đoàn khách du lịch dập dìu qua đây mang theo nguồn cảm hứng mới cho vùng biên cương từng là nơi nghèo khó. Cũng trên con đường ấy, những đổi thay về kinh tế - xã hội đang diễn ra rõ nét. Bên những khúc quanh, thấp thoáng những chiếc quạt điện gió trong màn sương khiến ta như lạc vào một vùng miền nào đó đầy lạ lẫm. Huyện miền núi Hướng Hóa mấy năm trở lại xuất hiện cánh đồng điện gió ở các xã Hướng Linh, Hướng Tân, Hướng Phùng cùng với thiên nhiên, đã tạo nên cảnh sắc đẹp, đặc biệt là biển mây mỗi sáng sớm.
Khe Sanh không chỉ đẹp bởi mây và mưa, mà còn bởi những con người chân chất, hiền hòa của vùng đất Hướng Hóa. Những buổi chiều đông, trẻ con vùng cao tụ tập dưới mái nhà, cười đùa, tay sưởi ấm quanh bếp lửa. Người lớn chuẩn bị những món ăn truyền thống như cơm lam, thịt nướng để mời du khách cùng thưởng thức. Tiếng khèn, tiếng đàn, lễ hội của người Vân Kiều, Pa Kô hòa cùng nhịp sống hiện đại, làm nên một bức tranh văn hóa phong phú của vùng đất này.
Mỗi mùa đông đi qua, Khe Sanh để lại trong lòng những người ghé thăm một nỗi nhớ dịu dàng, vừa vời vợi vừa ấm áp. Cảnh sắc sương mù, mưa phùn và sự mộc mạc của con người nơi đây như níu bước chân những ai từng đặt chân tới, khiến họ chỉ muốn quay lại một lần nữa để được lạc vào miền ký ức tuyệt đẹp này.