1/Hiện, tiểu học là bậc học làm quen với chương trình mới nhiều nhất. Lớp 1, 2, 3 đã thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới. Năm đầu tiên dạy lớp 1 theo chương trình mới, cô Hoàng Thị T., giáo viên tiểu học thuộc quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) và các đồng nghiệp rất bối rối. “Sách giáo khoa mới nên chúng tôi phải chăm chỉ nghiên cứu tài liệu tập huấn, học hỏi từ các đơn vị bạn. Ngày xưa thầy giáo là trung tâm và học sinh là người lĩnh hội thụ động kiến thức nhưng bây giờ chúng tôi bắt buộc phải đổi mới, lấy học sinh làm trung tâm. Khi đổi mới, bản thân giáo viên thấy nhàn hơn, đỡ áp lực hơn và học sinh được khám phá nhiều hơn”, cô T. chia sẻ.
2/Tại bậc THCS, cái khó khi dạy những môn học tích hợp là giáo viên phải học thêm kiến thức của những môn khác. Thí dụ như trước đây, chương trình chúng ta có môn Vật lý, môn Hóa và môn Sinh thì giờ đây trong chương trình mới, tích hợp lại là môn Khoa học tự nhiên. Trước đây, các môn Lịch sử, Địa lý riêng thì tích hợp lại thành một là môn Lịch sử-Địa lý.
Giờ học khoa học tự nhiên của các em học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn (Cầu Giấy, Hà Nội), các học sinh đang tìm hiểu về phân tử đơn chất, hợp chất gồm kiến thức của môn Sinh học, Hóa học và cả một phần nhỏ kiến thức Vật lý. Đó là điểm mới của việc dạy tích hợp và cũng là thách thức với giáo viên. Một cô giáo dạy bậc THCS trên địa bàn quận Hoàn Kiếm cho biết: “Tôi là giáo viên chuyên dạy môn Sinh. Tôi chỉ nhìn góc độ theo môn Sinh học. Giờ nhìn tổng thể phải có kiến thức Vật lý, Hóa học, cũng rất khó khăn cho chúng tôi dạy môn này. Do đó, trước mỗi tiết học tích hợp, cả tổ khoa học tự nhiên của nhà trường phải ngồi với nhau. Giáo viên nhận dạy tiết nào sẽ phải trình bày mục đích, cách thực hiện và lấy ý kiến chuyên môn của các đồng nghiệp. Vì giáo viên Hóa thì lại không biết về Vật lý hay giáo viên Vật lý lại không nắm được kiến thức Sinh học”.
Nhiều giáo viên lo lắng, hiện ở trình độ lớp 6, lớp 7, các thầy cô có thể tự tìm hiểu kiến thức và dạy học sinh nhưng lên đến lớp 8, lớp 9 thì khó mà đáp ứng được yêu cầu. Để “gỡ khó”, hiện các địa phương đang triển khai các lớp đào tạo ngắn hạn cho giáo viên dạy môn tích hợp. Trong vài tháng, giáo viên sẽ học thêm kiến thức của các môn còn lại để dạy tích hợp nhưng giải pháp này cũng chưa bảo đảm hoàn toàn rằng giáo viên có thể dạy tốt môn tích hợp.
3/Với các giáo viên lớp 10, năm nay là năm đầu tiên họ làm quen với chương trình mới. Học sinh sẽ không học tất cả các môn giống nhau như trước đây. Điểm khác biệt lớn nhất là các em sẽ lựa chọn môn học để phục vụ cho các môn thi đại học sau này. Để phục vụ được nhu cầu này của học sinh thì nhà trường, giáo viên đã phải thay đổi rất nhiều để dần bắt kịp chương trình mới.
Cô giáo Đào Thị Thúy Hằng, giáo viên tiếng Anh Trường THPT Lý Thái Tổ, Hà Nội chia sẻ: “Chương trình mới đòi hỏi phải cho học sinh được bộc lộ, phát huy khả năng của bản thân. Giáo viên buộc phải tìm tòi và buộc phải sáng tạo hơn nên nếu giáo viên không chủ động tìm tòi sáng tạo thì giáo viên sẽ bị thua so học sinh và không thể đứng lớp được”. Toán cũng là môn dạy theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Thầy Trịnh Hào Quang, giáo viên Toán, Trường THPT Lý Thái Tổ cho biết: “Bộ sách giáo khoa vừa mới đưa ra và những tài liệu tham khảo vẫn chưa nhiều. Đa số giáo viên Trường Lý Thái Tổ phải tìm hiểu thêm tài liệu Toán-Tiếng Anh để giới thiệu cho học sinh”.
Cho đến thời điểm này, Trường THPT Lý Thái Tổ xây dựng được tám tổ hợp môn học. Đây là một nỗ lực rất lớn vì khi cho học sinh lựa chọn môn học theo yêu cầu mới, nhà trường sẽ bị xáo trộn toàn bộ thời khóa biểu, giáo viên. Từng giáo viên phải thay đổi và cả nhà trường cũng phải thay đổi để từng bước thích ứng với chương trình giáo dục phổ thông mới. Năm nay cũng là năm đầu tiên, các môn tự chọn như Âm nhạc, Mỹ thuật được đưa vào giảng dạy cho học sinh lớp 10. Thế nhưng, trường Lý Thái Tổ cũng như hầu hết Trường THPT trên cả nước vẫn chưa tổ chức được vì thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất.
Mục tiêu thì tốt đẹp nhưng để thực hiện được chương trình giáo dục phổ thông mới vẫn sẽ còn phải chờ thời gian.