Khó khăn giữ gìn bảo vật, hiện vật quý

Các di sản văn hóa góp phần quan trọng vào việc lưu giữ lịch sử và vun đắp truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát huy các giá trị đó trong đời sống vẫn luôn đặt ra những bài toán thiếu có lời giải. Không ít bảo tàng vẫn trong tình trạng “thiếu sức người và sức của”.
Tác phẩm “Gặt ở Việt Bắc” của họa sĩ Phan Kế An bị oxy hóa đen phần dát bạc (người gặt lúa) và có nhiều vết nứt.
Tác phẩm “Gặt ở Việt Bắc” của họa sĩ Phan Kế An bị oxy hóa đen phần dát bạc (người gặt lúa) và có nhiều vết nứt.

1/Nâng cao năng lực cho các họa sĩ, chuyên gia có thể được coi là khâu then chôt để bảo tồn các di sản văn hóa. Bởi chỉ khi những nghệ nhân này am hiểu giá trị văn hóa và có tay nghề cao mới có thể gìn giữ những giá trị vốn có của nó. Từ năm 2012 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã 11 lần quyết định công nhận 265 hiện vật, nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia, được lưu giữ tại các bảo tàng, bộ sưu tập tư nhân, khu di tích trên khắp cả nước; bên cạnh đó là hàng trăm nghìn di vật, bảo vật cổ có giá trị lịch sử, văn hóa vô cùng to lớn. Bên cạnh việc tuyên truyền về giá trị của bảo vật quốc gia, các ban, ngành cũng được định hướng dành ngân sách để bảo tồn cho các hiện vật quý rải rác trong các bảo tàng, bộ sưu tập trên khắp cả nước. Thế nhưng, quá trình thực hiện điều này đang diễn ra không hề dễ dàng.

Anh Nguyễn Văn An, quản lý bảo tàng tỉnh Bắc Ninh cho biết, bảo tàng có diện tích khá lớn, hơn 22 nghìn m2, cùng với vị trí đắc địa nằm giữa trung tâm tỉnh Bắc Ninh, vậy mà từ khi chính thức đưa vào hoạt động từ năm 2007, bảo tàng Bắc Ninh chỉ có 2 lần tu sửa vào năm 2014-2015 và gần nhất là năm 2023, sau khi được người dân phản ánh. Năm 2023, bảo tàng đón 60 nghìn lượt khách, chủ yếu là học sinh, sinh viên đến tham quan, bảo tàng cũng nỗ lực trưng bày các di vật ứng với các ngày kỷ niệm lớn của đất nước như: Chuyên đề 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, trải nghiệm thực tế Tết Trung thu cho thiếu nhi, nhằm thu hút thêm khách đến tham quan. “Nhưng vẫn còn nhiều khó khăn lắm, bảo tàng tuy rộng lớn nhưng không có mấy ai đến xem, việc trùng tu các hạng mục thì đã được giải quyết xong, nhưng làm thế nào để bảo quản lại là một vấn đề khó giải quyết khác”, anh An chia sẻ.

Khó khăn giữ gìn bảo vật, hiện vật quý ảnh 1

Hiện vật khánh đá, tạo tác thời Nguyễn xuống cấp sau nhiều năm phơi nắng, phơi mưa.

2/Bảo tàng Bắc Ninh vẫn đang chật vật trong khâu bảo quản di vật, qua nhiều năm phơi nắng, dầm mưa, nhiều hạng mục đã xuống cấp và phai mầu, tổn hại tới di vật như với hiện vật về pháo Đồng Kỵ. Thiếu trang thiết bị, công nghệ bảo quản, nên hầu hết các cổ vật làm bằng gỗ đều bị mối, mọt... Còn tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vẫn có tình trạng nứt, phai mầu sơn tác phẩm sơn mài, thậm chí là “sửa hỏng”. Thạc sĩ, họa sĩ Trần Hoàng Sơn, phó khoa Hội họa, Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, khác với sơn dầu sẽ dễ bị vàng giấy nếu để lâu, hay tranh lụa qua năm tháng sẽ sờn mòn lớp bồi biểu, thì tranh sơn mài, với ngôn ngữ tranh mạnh mẽ và bền bỉ, thì để càng lâu sẽ càng đẹp. Vậy nhưng, thay vì thuê những họa sĩ sơn mài lành nghề phục hồi những tác phẩm được bảo quản, thì có những bảo tàng hiện nay vẫn dùng một đội ngũ vệ sinh, hoặc người làm sơn mài mỹ nghệ - vốn không đủ kiến thức và trình độ phục hồi tranh. Bên cạnh đó, không phải bảo tàng nào cũng đủ kinh phí chi trả cho nguyên vật liệu, công nghệ bảo quản tranh…

“Đối với các cổ vật gốm, đồng hay sắt, nỗi lo lớn nhất chỉ có mất cắp, hoặc để ngoài nắng mưa mà hao mòn đi, nhưng riêng đối với các thể loại tranh, tôi nghĩ nên lấy sự việc đau lòng năm 2019 với bảo vật quốc gia “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của cụ Nguyễn Gia Trí làm tấm gương, để các cơ quan, ban, ngành nhận thức được việc cần phải có sự chỉn chu, nghiêm túc trong việc bảo vệ các tác phẩm hội họa này. Cùng với những chính sách về bảo tồn, các địa phương cũng cần có chương trình bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chuyên môn cho cán bộ có nhiệm vụ trùng tu, bảo quản di sản văn hóa”, họa sĩ Trần Hoàng Sơn đề xuất.

“Chúng tôi rất mong được chính quyền quan tâm để bảo tàng có thêm nguồn ngân sách, ngoài được tu sửa cơ sở vật chất, còn được tạo điều kiện đầu tư trang thiết bị bảo quản và trùng tu mỗi khi di vật bị xuống cấp”, anh An mong mỏi.

3/Theo Luật Di sản văn hóa, bảo vật quốc gia sau khi được công nhận phải đi liền với chế độ “bảo quản đặc biệt”. Nhưng bên cạnh thực trạng trên, có những bảo vật quốc gia phải cất kỹ, khóa chặt, không phục vụ cho tham quan vì không có diện tích trưng bày và lo sợ mất cắp. Được biết, hiện nay trên thế giới đã phát triển nhiều công nghệ bảo quản, phục hồi tranh. Ở các nước phương tây, nhiều kiệt tác được vẽ từ thế kỷ 14-15 nhưng đến nay vẫn giữ được nét đẹp mà không bị “sửa hỏng” qua nhiều lần trùng tu. Họa sĩ Sơn cho biết, ở Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam hằng năm cũng có trên dưới 5 suất học bổng cho sinh viên đi Nhật, Australia để học chuyên về trùng tu tranh, “nhưng cũng rất khó nói, khi mà không phải bảo tàng nào cũng đủ kinh phí chi trả cho nguyên vật liệu, công nghệ bảo quản tranh, họ có tiền mua tranh về trưng cũng đã rất chật vật, vậy việc vệ sinh, bảo quản với chi phí khổng lồ quả là một ý nghĩ xa vời”.