Dùng tư liệu sắc phong trên cơ sở pháp luật

Mới đây, trên địa bàn huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định có sự việc liên quan đến phủ Vân Cát, thuộc xã Kim Thái. Theo đó, thủ nhang của phủ có đơn đề nghị UBND huyện, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện và UBND xã về việc tổ chức kỷ niệm ngày đản sinh đức thánh Mẫu vào ngày 15/8 âm lịch và đón nhận sắc phong thác bản, bản dịch các văn bia của phủ Vân Cát. Đại diện lãnh đạo xã cũng ký xác nhận chuyển cấp có thẩm quyền xem xét.

Ngày 16/9, Cục Di sản văn hóa (DSVH) vừa có công văn gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Nam Định, cho ý kiến về việc tiếp nhận bản phục hồi sắc phong tại phủ Vân Cát. Trước đó, Sở đã có văn bản đề nghị Cục cho ý kiến về việc này, kèm theo một số văn bản liên quan của UBND huyện Vụ Bản và xã Kim Thái.

Công văn do Cục trưởng Lê Thị Thu Hiền ký thể hiện thái độ hoan nghênh người dân và chính quyền địa phương trong việc tìm tư liệu, hiện vật nhằm củng cố giá trị khoa học liên quan đến di tích, tuy nhiên cần tuân thủ quy định pháp luật về DSVH. Với trường hợp di tích quốc gia phủ Vân Cát, bản thống kê hiện vật của phủ không có các sắc phong. Qua phân tích trên cơ sở Luật DSVH, Cục khẳng định: Việc làm bản sao chỉ được thực hiện khi có bản gốc và có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về VHTT&DL. Việc làm mới các sắc phong để phục vụ, bảo vệ, phát huy giá trị di tích khi không tuân thủ quy định của Luật DSVH, có thể vi phạm vào hành vi bị nghiêm cấm. Qua đó, Cục đề nghị Sở VHTT&DL tỉnh Nam Định dừng phối hợp trong việc làm mới các sắc phong nêu trên; chỉ đạo cơ quan chức năng hướng dẫn chính quyền địa phương không tổ chức tiếp nhận các hiện vật làm mới này vào di tích, hoặc sử dụng vì mục đích bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Cùng với đó, Sở có thể đề nghị cơ quan nghiên cứu cung cấp bản sao tài liệu có đóng dấu sao y bản chính để lưu giữ, tham khảo. Việc sử dụng các tư liệu này nhằm bảo vệ, phát huy giá trị di tích phải được thẩm định tính xác thực bằng văn bản của các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học có liên quan và phải có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền.

Sự việc trên sẽ còn tiếp tục nhận được mối quan tâm, ý kiến của các cơ quan quản lý và nghiên cứu liên quan, cùng chính quyền địa phương. Qua đây cũng cho thấy, cần đòi hỏi cao về sự cẩn trọng trong hợp tác; sự cần thiết trong phối hợp, tham khảo ý kiến giữa các bên liên quan trên cơ sở pháp luật. Cùng với đó, cần phát huy tốt hơn vai trò của ngành văn hóa và chính quyền cơ sở trong việc tuyên truyền, hướng dẫn các ban quản lý di tích và người dân, tránh để xảy ra sai sót, vội vã khi bảo tồn, phát huy giá trị di sản.