Khi Trung Quốc loại bỏ chính sách Zero-Covid

Việc Trung Quốc loại bỏ chính sách Zero-Covid sẽ giúp các kênh cung ứng của doanh nghiệp hoạt động trơn tru hơn, đồng thời đưa ngành du lịch Việt Nam khởi sắc trở lại… Tuy nhiên, nó cũng đem lại một số điểm bất lợi với nền kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00
Sản phẩm dệt may của nhiều doanh nghiệp Việt Nam có nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Ảnh: NGUYỆT ANH
Sản phẩm dệt may của nhiều doanh nghiệp Việt Nam có nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Ảnh: NGUYỆT ANH

Hiện tại, ngành sản xuất của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào việc lắp ráp hàng hóa, sản phẩm. Nhiều bộ phận và nguyên liệu thô được sử dụng trong hàng xuất khẩu của Việt Nam được nhập khẩu. Năm 2018, Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản cho biết, Việt Nam có tỷ lệ nội địa hóa chỉ 34% đối với phụ tùng, linh kiện và vật liệu. Ngược lại, con số đó là 68% đối với Trung Quốc và 57% đối với Thailand. Do đó, ngành công nghiệp Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc.

Trên thực tế thì Trung Quốc vẫn đang là thị trường có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam. Năm 2021, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 100 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc. Con số này bao gồm nguyên liệu thô cho ngành dệt may, da giày với trị giá 13,7 tỷ USD.

Nhưng thương mại xuyên biên giới hai nước đã gặp một số khó khăn vì chính sách Zero-Covid của Trung Quốc. Các nhà máy trong nước không chỉ gặp khó khăn trong khâu sản xuất các bộ phận và vật liệu, mà việc vận chuyển sản phẩm qua biên giới cũng gặp nhiều khó khăn. Vào tháng 3 năm nay, một số công ty thông báo rằng, các chuyến hàng từ Trung Quốc đến Việt Nam bị chậm từ hai đến bốn tuần. Điều này đã ảnh hưởng đáng kể đến một số doanh nghiệp khi họ phải chờ đợi các bộ phận quan trọng cho khâu sản xuất. Hàng hóa xuất khẩu từ

Việt Nam sang Trung Quốc cũng bị chậm trễ kéo dài. Cuối năm 2021 có tới 6.000 xe tải bị mắc kẹt ở biên giới chờ sang Trung Quốc trong khi hải quan nước này chỉ làm việc với công suất từ 20-25%. Khi Zero- Covid kết thúc, những bất cập trên cũng sẽ được giải quyết.

Tiếp theo, ngành du lịch sẽ nhận được một cú huých đáng kể khi các hạn chế đi lại được nới lỏng. Từ ngày 9/12, Vietnam Airlines đã mở lại một số đường bay thường lệ đầu tiên giữa Việt Nam và Trung Quốc sau ba năm, để phục vụ nhu cầu đi lại. Đây là tin tức rất đáng mừng cho ngành du lịch. Vì trước đại dịch, Trung Quốc là thị trường khách du lịch lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á. Trong đó, Việt Nam đứng thứ hai về đón khách Trung Quốc với hơn 5,8 triệu lượt năm 2019, chiếm 32,7% tổng số khách quốc tế và gần 5 triệu lượt trong năm 2018 (32%). Doanh thu từ thị trường Trung Quốc năm 2018 là 94.700 tỷ đồng (24,7% tổng doanh thu du lịch của cả nước). Ngược lại, theo số liệu của Tổng cục Du lịch, trong 11 tháng đầu năm 2022, Việt Nam chỉ đón 54.000 lượt khách từ Trung Quốc. Với việc nới lỏng các hạn chế về biên giới, ngành kinh doanh du lịch và khách sạn tại các điểm nóng du lịch trọng điểm của Việt Nam có thể nhanh chóng phát triển trở lại.

Tuy nhiên, ngoài những lợi ích trên thì việc Trung Quốc loại bỏ Zero-Covid cũng có thể khiến thu hút vốn FDI chậm lại. Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 11 tháng đầu năm nay, Việt Nam có tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần đạt hơn 25,1 tỷ USD, bằng 95% so với cùng kỳ năm 2021, tăng 0,4% so với

10 tháng và tăng 10,3% so với chín tháng. Việc vốn điều chỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng là tín hiệu khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế, môi trường đầu tư của Việt Nam. Đồng thời, điều này cũng phản ánh những thay đổi trong chính sách của các doanh nghiệp nước ngoài đối với thị trường Trung Quốc.

Sự trưởng thành của nền kinh tế Trung Quốc đồng nghĩa với việc nền kinh tế này đang mất dần đi những lợi thế để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp phương Tây, cụ thể như sẽ không còn là thị trường lao động rẻ nhất châu Á; các chính sách khuyến khích đầu tư liên quan đến thuế cho các doanh nghiệp phương Tây bị xóa bỏ hoặc ưu đãi giảm dần; cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc... Tình hình này buộc các công ty đa quốc gia phải thực hiện chính sách “Trung Quốc + 1”, tìm cách di chuyển cơ sở sản xuất của mình sang các nước châu Á khác, trong đó có Việt Nam, Indonesia, Thailand và Myanmar... Và trước khi đại dịch xảy ra, đã có nhiều công ty đa dạng hóa chuỗi cung ứng nhằm tránh phụ thuộc vào nguồn cung duy nhất là Trung Quốc.

Zero-Covid càng làm trầm trọng thêm tâm lý nêu trên khi nhiều công ty đa quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi chính sách này. Khi áp lực sản xuất ở Trung Quốc gia tăng, ngay cả các công ty nội địa của Trung Quốc cũng nhận thấy lợi ích khi di dời. Chẳng hạn, Xiaomi đã chuyển một phần sản xuất sang nhà máy trị giá 80 triệu USD ở tỉnh Thái Nguyên do chi phí vận chuyển và hậu cần cao hơn vì đại dịch. Foxconn cũng đang trong quá trình chuyển một số hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Tập đoàn này đã thông báo vào tháng 8 rằng, họ sẽ chi thêm 300 triệu USD để tăng cường sản xuất tại Việt Nam.

Một cuộc khảo sát của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam vào đầu năm nay cho thấy, 17% số công ty được hỏi đã chuyển ít nhất một phần hoạt động của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam. Nhưng chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các công ty đa quốc gia có thể giảm tốc khi chính sách Zero-Covid kết thúc. Điều này cũng có thể khiến dòng vốn FDI vào Việt Nam chậm lại.