Hướng đi bền vững cho hồng Đà Lạt

Cây hồng xuất hiện ở Đà Lạt từ năm 1889, khi người Pháp mang sang và lập thử vườn trồng tỉa tại khu vực Dankia. Trải qua hơn một thế kỷ với nhiều thăng trầm, hồng đã trở thành cây bản địa và vẫn đang gắn bó với người nông dân ở xứ sở sương mù.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất hồng treo gió theo công nghệ Nhật Bản.
Sản xuất hồng treo gió theo công nghệ Nhật Bản.

Hồi sinh những vườn hồng

Cây hồng được đưa từ rất nhiều nguồn về ươm trồng thử và sinh trưởng tốt ở Đà Lạt. Người Đà Lạt xưa thích trồng hồng vì ngoài khả năng sống lâu, ít bệnh thì loại cây này còn tạo ra mỹ cảnh nhiều cảm xúc cho mảnh đất lãng mạn này.

Trước mỗi mùa trái, cây hồng thường ra mùa hoa thơm ngát. Và rồi đúng độ thu về, những vườn hồng ở Đà Lạt bắt đầu lúc lỉu quả vàng chín rộ, cứ thế ngút ngàn trong làn sương mờ ảo. Hồng là một loài cây có sức sống lạ kỳ, không cần nhiều công chăm bón nhưng tới mùa lại trổ hoa trĩu cành, ra trái sum suê. Thu tới, trái hồng từ xanh, ngả vàng sang đỏ cho đến khi lá rụng chỉ còn cành khô thì những quả đỏ mọng như lồng đèn vẫn treo lơ lửng, gợi khung cảnh rất nên thơ. Và xuân sang, mầm vẫn nảy từ thân cây trơ trụi. Với người dân Đà Lạt, cây hồng có một đời sống đặc biệt gắn bó qua nhiều thăng trầm của tháng năm.

Theo chân những người nông dân ở xã Trạm Hành, TP Đà Lạt qua những triền đồi dốc uốn lượn, từ xa vườn hồng đã hấp dẫn chúng tôi bởi một mầu vàng rực. Thời điểm này là cuối thu nên những cây hồng ở đây đã rũ bỏ gần hết lá xanh, chỉ còn trơ cành khẳng khiu gồng mình nâng đỡ những chùm quả vàng trĩu nặng. Với hơn 30 năm gắn bó cùng cây hồng, ông Lê Văn Khải, người dân thôn Trạm Hành 1 (xã Trạm Hành, TP Đà Lạt) cho biết: Vườn nhà tôi có hơn 300 cây hồng nhưng trước đây do giá trị kinh tế thấp, giá bán chỉ được 2.000-3.000 đồng/kg nên không chú tâm chăm sóc. Giai đoạn khó khăn đó, nhiều hộ dân trong vùng đã quyết định chặt bỏ không trồng cây hồng nữa. Tuy nhiên, từ ngày có công nghệ chế biến hồng sấy khô, hồng xắt lát, hồng treo gió…, giá trị của quả hồng được gia tăng lên nhiều lần. “Cây hồng có nhiều gắn bó, không chỉ nuôi sống mình mà cả thế hệ con cháu mình, vì vậy tôi đang tìm hiểu khoa học kỹ thuật để cải tạo vườn, nâng cao năng suất, chất lượng, hướng tới phát triển bền vững”, ông Khải chia sẻ.

Không chỉ mình lão nông Lê Văn Khải nghĩ như vậy mà rất nhiều hộ nông dân ở xã Trạm Hành đã chú tâm vào việc phát triển cây hồng. Đây là vùng nguyên liệu dồi dào cho các cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm từ trái hồng. Chị Trần Kim Anh, chủ xưởng sản xuất hồng treo gió ở thôn Trạm Hành 1 cho biết: Trung bình mỗi năm tôi thu mua từ 100-150 tấn hồng cho bà con nông dân với giá 17.000- 20.000 đồng/kg để sản xuất hồng treo gió theo công nghệ Nhật Bản. Xưởng sản xuất của tôi đã hoạt động được 5 năm, doanh thu bình quân đạt khoảng 2,7 tỷ đồng/vụ. Thu nhập gia tăng thì mình cũng tăng giá thu mua nguyên liệu cho bà con nông dân có động lực gìn giữ và phát triển cây hồng cổ.

Phải thành chuỗi giá trị liên kết

Sâu sát với người nông dân trong việc phát triển kinh tế, từ nhiều năm nay, ông Phạm Đa, Bí thư Chi bộ thôn Trạm Hành 1 đã vận động bà con trồng và phát triển lại cây hồng. Chia sẻ về loại cây có nhiều gắn bó với người dân địa phương, ông Phạm Đa cho biết: Thôn Trạm Hành có 415 hộ, gần 2.000 nhân khẩu, địa bàn dân cư chia thành tám tổ nhân dân. Ở đây, gần như nhà nào cũng gắn bó với cây hồng suốt nhiều thập kỷ vì vậy khi hồng gia tăng giá trị kinh tế, bà con rất phấn khởi. Hiện, chúng tôi đang khuyến khích bà con tiếp tục thâm canh, tăng năng suất cây trồng để không chỉ sống được mà còn làm giàu được từ cây hồng.

Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị liên kết luôn là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp. Chị Nguyễn Thị Minh Hiếu, trưởng thôn Trạm Hành 1 cho biết: Trái hồng không chỉ ủ hơi ăn theo cách truyền thống mà đang được đưa vào sản xuất thành các sản phẩm hồng sấy, hồng treo gió công nghệ Nhật Bản có quy mô lớn, được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu để có thể phục vụ khách hàng cả trong và ngoài nước. Để phát triển vùng nguyên liệu bền vững, chúng tôi đang dần triển khai mô hình hợp tác xã, vận động người dân tham gia. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang hướng tới liên kết với các doanh nghiệp sản xuất để tạo đầu ra ổn định cho người nông dân.

Đến Đà Lạt, ghé vào bất kỳ hàng quán nào cũng có thể ngồi nhâm nhi tách trà nóng và thưởng thức những sản phẩm từ trái hồng. Đi bất kỳ nơi đâu cũng rất dễ bắt gặp một góc sống ảo đặc trưng với cây hồng. Không chỉ phát triển sản xuất, cây hồng còn trở thành biểu tượng của du lịch Đà Lạt. Để rồi khung cảnh nên thơ, vị ngọt thơm “kết tinh từ đất lành” của những vườn hồng còn mãi lưu luyến du khách khi đã rời xa thành phố mộng mơ này.