Hợp tác phát huy giá trị khu dự trữ sinh quyển

Quản lý hiệu quả các khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) đóng vai trò quan trọng trong thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) ở Việt Nam. Đây cũng là nội dung quan trọng tại Hội thảo khoa học về “Phát huy giá trị các khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam phục vụ phát triển bền vững”, diễn ra mới đây tại Hà Nội.
0:00 / 0:00
0:00
Quần đảo Cát Bà là một trong những khu dự trữ sinh quyển có hệ sinh thái đa dạng. Ảnh: VIETNAM PLUS
Quần đảo Cát Bà là một trong những khu dự trữ sinh quyển có hệ sinh thái đa dạng. Ảnh: VIETNAM PLUS

Thông qua việc thúc đẩy các sáng kiến mới để phát triển kinh tế, đồng thời bảo đảm tính bền vững về mặt xã hội, văn hóa và môi trường, công tác quản lý các KDTSQ cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc đạt được các SDG. Phát biểu ý kiến tại hội thảo, bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) chia sẻ một số chính sách và khung pháp lý để tăng cường hơn nữa việc quản lý các KDTSQ thế giới ở Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh Bộ TNMT đang nỗ lực xây dựng khung chính sách để quản lý có hiệu quả các KDTSQ.

Đại diện Bộ TNMT chỉ ra nhiều sáng kiến, mô hình và thành công trong việc bảo tồn đa dạng sinh học và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên được triển khai và nhân rộng trên khắp các KDTSQ thế giới tại Việt Nam. Ở cấp quốc gia, KDTSQ đóng vai trò như những “khu vực học tập” nhằm khám phá và trình diễn các phương pháp tiếp cận trong bảo tồn và phát triển bền vững, rút ra các bài học có thể áp dụng cho các nơi khác.

Việt Nam đã có 11 KDTSQ được thế giới công nhận, chỉ đứng sau Indonesia về số lượng tại khu vực Đông Nam Á. Theo Chương trình phát triển LHQ (UNDP), kết cấu sinh thái của các KDTSQ này là điều kiện không thể thiếu đối với cuộc sống của không chỉ hàng triệu người dân Việt Nam mà còn của vô số các loài động thực vật đặc hữu. Việc thúc đẩy vai trò và giá trị của chúng trong việc điều hòa khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học và sự chung sống hài hòa giữa con người và thiên nhiên có tầm quan trọng đặc biệt trong hoạch định chính sách quốc gia. Đồng thời, hợp tác trong quản lý mạng lưới này là yếu tố tiên quyết để phát huy các tiềm năng, giá trị.

Tại Việt Nam, mạng lưới các KDTSQ thế giới đã và đang đóng góp tích cực vào việc đạt được các SDG. Theo GS, TS Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chương trình con người và sinh quyển Việt Nam (MAB Việt Nam), hội nghị là dịp để ban quản lý các KDTSQ, các nhà khoa học, cơ quan hữu quan của Việt Nam tổng kết sau mỗi năm hoạt động, đồng thời có thể rút ra những bài học kinh nghiệm cũng như cùng nhau định hướng hoạt động cho giai đoạn tiếp theo.

Năm 1971, Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của LHQ (UNESCO) đưa ra khái niệm KDTSQ nhằm công nhận và thiết lập các khu vực rộng lớn có cảnh quan thiên nhiên, giá trị đa dạng sinh học, văn hóa cao bao gồm trong đó các hệ sinh thái quan trọng trên cạn, vùng đất ngập nước, biển, ven biển... Trong hơn 50 năm qua, các KDTSQ thế giới đã trở thành “nơi học tập để phát triển bền vững”, thử nghiệm các phương pháp tiếp cận liên ngành để tìm hiểu và quản lý những thay đổi cũng như các tương tác giữa các hệ thống sinh thái và xã hội, bao gồm việc ngăn ngừa xung đột trong công tác quản lý đa dạng sinh học. Đây là một mô hình về sự chung sống hài hòa giữa con người và thiên nhiên, trong đó việc bảo tồn thiên nhiên đi đôi với phát triển đời sống kinh tế-xã hội bền vững cho cộng đồng địa phương.

Chủ tịch MAB Việt Nam đã nêu ra một số kế hoạch trong những năm tới: Mạng lưới các KDTSQ thế giới của Việt Nam định hướng xây dựng khung cơ cấu quản lý thống nhất, phát triển nhãn sinh thái KDTSQ thế giới, thúc đẩy du lịch sinh thái, kinh tế xanh và phát triển sinh kế cho người dân địa phương nhằm góp phần giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hội thảo diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị thường niên Mạng lưới các KDTSQ thế giới của Việt Nam do MAB Việt Nam và Bộ TNMT phối hợp UNDP Việt Nam tổ chức.