Học cách xếp hàng

Tôi không nói về “văn hóa xếp hàng” nữa, mà là “học cách xếp hàng”. Bởi lẽ, để tạo thành một nếp văn hóa đòi hỏi có thời gian, nó trang trọng, nó ý thức, nó ở tầm cao và để có văn hóa ta phải học cách xếp hàng trước.
0:00 / 0:00
0:00

Anh bạn thân của vợ chồng tôi hay đến nhà uống trà, trò chuyện và nhận xét: “Cách dạy con của em rất hay, nhưng, để con em đứng xếp hàng mua được vé vào sân vận động xem một trận cầu hay thì đã hết trận đấu”. Anh hay ví von về sự thiếu đồng bộ, thiếu môi trường thực hành trong hoàn cảnh hiện nay, khi có nhiều người có ý thức dạy con theo tiêu chuẩn của một xã hội văn minh, hiện đại, biết nhường nhịn, chia sẻ, kiên nhẫn nhưng môi trường ngoài kia nhiều người thích chen lấn, không phù hợp khiến con không có môi trường thực hành, bị lạc lõng và khó thích nghi.

Một bạn khác, vừa trở về từ Pháp. Ngày đầu tiên đến cửa hàng làm dịch vụ viễn thông anh đã níu tay vợ khi chị nhoài người tới trước nộp hồ sơ. Anh khẽ nhắc, “có vạch kẻ xếp hàng kìa em, sao lại chen ngang”. Vợ anh nghe lời chồng, nhưng chỉ được mười lăm phút xếp hàng thì mọi người đều chen trước mặt. Vợ chỉ ra thí dụ trực quan, anh mới gật gù, hỏi nhân viên sao không nhắc nhở mọi người, để lộn xộn như vậy.

Bản thân tôi, mùa hè, tôi có nhận dạy kỹ năng sống cho một đơn vị. Bữa trưa, các em học sinh phải đứng xếp hàng, chờ đến lượt ăn cơm. Tôi đứng quan sát các em thực hành rất tốt, cho đến khi giáo viên của trường tan giờ làm, chen ngang vô, có người còn nói cô ơi, tôi xin lỗi, tôi cần ăn trước để làm việc này, việc kia…

Tuy nhiên, chúng ta đi đến sân bay, đến rạp chiếu phim, không khó để gặp hình ảnh người dân sẵn sàng xếp hàng đợi đến lượt, nhích từng bước một.

Ở thế hệ chúng tôi, ba mươi năm trước, khi học lớp một, bài học đầu tiên là xếp hàng và hết cấp một, đến cấp hai, vẫn thế. Tôi vẫn cứ tưởng các con hiện nay đang thực hành xếp hàng theo tổ như chúng tôi. Nó ít nhất cũng tạo ra được thói quen cho một hành vi mà mình sẽ thích ứng. Tôi vẫn nghĩ, các trường vẫn duy trì thói quen xếp hàng cho học sinh trước khi vào lớp nhưng nhiều khi không phải.

Để tạo lập hành vi cho mọi người không khó, hình thành hành vi, luyện tập thường xuyên sẽ tạo thành thói quen, thói quen làm nhiều lần sẽ trở thành tính cách. Chúng ta hay ngưỡng mộ người dân Nhật Bản vì tính cách nhẫn nại, kiên nhẫn trong xếp hàng mà trong khi chúng ta, ai cũng biết rằng, đó là việc dễ dàng học được và làm được. Môi trường giáo dục đầu tiên là gia đình, bố mẹ, đóng vai trò hướng dẫn con cái, nhà trường chú ý giáo dục thêm và xã hội cần tạo môi trường thường xuyên rèn luyện, nhắc nhở. Người ta nói nhiều về đất nước kia, họ có thói quen như bây giờ là đã xác lập cả trăm năm. Vậy thì ắt hẳn nhiều người cũng không quên người Việt đã từng xếp hàng dài tem phiếu, học sinh đặt tay lên vai bạn giữ đều khoảng cách và ngay ngắn trước khi bước vào lớp học.

Vậy thì bây giờ, chúng ta chọn bắt đầu học lại hay phải đợi thêm vài ba chục năm nữa, mới xếp…