Hoàn thiện khung pháp lý cho hình thức PPP

Trong bối cảnh nguồn ngân sách còn hạn hẹp, việc kêu gọi vốn tư nhân là một trong những giải pháp nhằm gia tăng nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng (CSHT). Tuy nhiên, tính đến nay, Việt Nam mới thu hút được khoảng 150 dự án (DA) đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), không tính các công trình đầu tư theo hình thức BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao), với tổng mức đầu tư hơn 1 triệu tỷ đồng (khoảng 50 tỷ USD).

Dự thảo Luật PPP có nhiều điểm mới để gỡ vướng trong thu hút vốn tư nhân vào phát triển hạ tầng, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: LAM ANH
Dự thảo Luật PPP có nhiều điểm mới để gỡ vướng trong thu hút vốn tư nhân vào phát triển hạ tầng, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: LAM ANH

Theo Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017 - 2018 do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố, Việt Nam xếp thứ 79 trong số 137 quốc gia về chất lượng CSHT nói chung. Chỉ có 20% đường bộ của Việt Nam được trải nhựa, thấp hơn nhiều so các quốc gia khác như Malaysia, Ấn Độ và Indonesia. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính, nhu cầu đầu tư CSHT của Việt Nam sẽ vào khoảng 480 tỷ USD trong giai đoạn 2017 - 2030.

Tại Tọa đàm: Phương thức đầu tư PPP - kinh nghiệm quốc tế và ý nghĩa chính sách đối với quản lý tài chính, ngân sách tại Việt Nam, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, Việt Nam hiện nay rất khó huy động vốn cho các DA CSHT, nên ngân sách nhà nước (NSNN) phải dành 5,7% GDP để đầu tư CSHT, cao nhất ở Đông - Nam Á và cao hơn Ấn Độ. Việt Nam cần có những giải pháp thu hút đầu tư tư nhân nhằm thu hẹp khoảng cách về CSHT với các quốc gia khác.

Tuy nhiên, hiện nay, nguồn vốn dành cho các DA đầu tư CSHT chủ yếu sử dụng NSNN. Trong khi quy mô nền kinh tế còn chưa lớn, khả năng tích lũy hạn chế dẫn đến việc duy trì đầu tư ở mức độ cao cho kết cấu hạ tầng (KCHT) ảnh hưởng đến bảo đảm cân đối vĩ mô và phát triển chung của toàn nền kinh tế. Đồng thời, việc đầu tư lớn cho KCHT dẫn đến gây áp lực đối với trần nợ công cao; việc tiếp cận các nguồn vốn vay giá rẻ như ODA giảm cũng gây áp lực lên vấn đề nợ công. Do đó, các chuyên gia cho rằng, sử dụng hình thức PPP được xem là giải pháp hiệu quả để phát triển CSHT cũng như trong các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, văn hóa - thể thao... trong bối cảnh nguồn NS còn hạn hẹp hiện nay.

Thực tế, thời gian qua, Việt Nam cũng đã “mở cửa” kêu gọi vốn đầu tư tư nhân vào các DA CSHT. Tuy nhiên, việc gọi vốn vẫn còn hạn chế. Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), đến nay, Việt Nam mới thu hút được khoảng 150 DA đầu tư theo hình thức PPP, không tính các công trình đầu tư theo hình thức BT, với tổng mức đầu tư hơn 1 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 50 tỷ USD). Do đó, việc cải cách thủ tục hành chính để cải thiện môi trường đầu tư, thu hút nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng vẫn đang là một thách thức lớn đối với các cơ quan Chính phủ.

Thứ trưởng KH&ĐT Vũ Đại Thắng nhận định, bên cạnh việc ưu tiên sử dụng nguồn NSNN, Chính phủ đã quan tâm thúc đẩy và thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân, đặc biệt là thông qua phương thức đầu tư PPP. Những DA với nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân quan trọng này đã góp phần cải thiện rõ rệt chất lượng CSHT ở Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua.

Là địa phương làm khá tốt việc thúc đẩy các DA PPP lớn trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, 1 đồng NS bỏ ra có thể huy động được từ 8 - 9 đồng từ khối tư nhân tham gia đầu tư vào DA CSHT ở Quảng Ninh. Nhiều công trình trọng điểm đầu tư theo phương thức PPP đã hoàn thành và phát huy được hiệu quả sau đầu tư như: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cầu Bạch Đằng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn… Đây là một trong những động lực quan trọng giúp tỉnh Quảng Ninh có bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua.

Theo các chuyên gia WB, nhiều thị trường mới nổi đã sử dụng PPP để thực hiện những DA đầu tư CSHT. PPP huy động vốn từ khu vực tư nhân và mang lại nhiều lợi ích. PPP cho phép các chính phủ đầu tư hình thành các tài sản khu vực công, đồng thời tránh được những khoản chi NS lớn, trả trước. Cơ hội đầu tư vào các DA PPP có thể khuyến khích và phát triển thị trường tài chính Việt Nam, cả bằng vốn vay ngân hàng và sử dụng tiềm năng thị trường vốn, thông qua việc thu hút các nguồn vốn đầu tư khác nhau, tận dụng chuyên môn về tài chính và khuyến khích đổi mới, sáng tạo tại Việt Nam.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, hầu hết các DA được thực hiện kiểm toán đều áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn nhà đầu tư (NĐT), tiềm ẩn rủi ro lãng phí, thất thoát và chọn NĐT không có đủ năng lực thực hiện DA. Công tác giám sát trong quá trình thực hiện hợp đồng còn lỏng lẻo. Riêng lĩnh vực giao thông, các chính sách phí chưa hoàn thiện, chưa có mức phí hoàn vốn cho đường cao tốc, đường thủy nội địa, đường sắt, hàng hải, hàng không, được cho là những trở ngại lớn. Theo đó, các chuyên gia kiến nghị bên cạnh việc phải nâng cao được vai trò của Nhà nước, cần có cơ chế hỗ trợ của Chính phủ giúp thúc đẩy các hình thức đối tác tham gia.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Quản lý đấu thầu, Bộ KH&ĐT khẳng định, việc nâng cấp quy định về PPP từ nghị định lên cấp luật là một bước quan trọng tiếp theo, đặc biệt để hoàn thiện khung pháp lý về PPP tại Việt Nam. Qua đó, giải quyết được những vướng mắc hiện tại do chồng chéo giữa các luật, đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng NĐT trong, ngoài nước, giúp điều hành thống nhất, ổn định hoạt động đầu tư theo phương thức PPP, mở ra nhiều cơ hội mới để thu hút vốn tư nhân đầu tư vào KCHT quốc gia trong thời gian tới.