Đề xuất các giải pháp ứng phó để hóa giải nỗi lo thuế tối thiểu toàn cầu

Khi áp thuế tối thiểu toàn cầu, dự kiến từ năm 2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc bày tỏ lo lắng: “Các biện pháp ưu đãi thuế của Việt Nam sẽ không còn nhiều tác dụng, từ đó đặt ra thách thức không nhỏ đối với việc duy trì tính cạnh tranh về môi trường đầu tư của Việt Nam”. Vậy, cách nào giúp Việt Nam thích ứng với chính sách mới này.
0:00 / 0:00
0:00
Có hơn 70 doanh nghiệp FDI thuộc đối tượng áp thuế tối thiểu toàn cầu vào năm 2024. Ảnh: BẮC SƠN
Có hơn 70 doanh nghiệp FDI thuộc đối tượng áp thuế tối thiểu toàn cầu vào năm 2024. Ảnh: BẮC SƠN

Tác động trực tiếp đến thu ngân sách

Phát biểu ý kiến tại Hội thảo “Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu: Kinh nghiệm áp dụng của các quốc gia, dự kiến tác động và khuyến nghị giải pháp cho Việt Nam”, diễn ra sáng 18/4, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong số 1.015 doanh nghiệp FDI thuộc đối tượng áp thuế tối thiểu toàn cầu, có hơn 70 doanh nghiệp có khả năng chịu ảnh hưởng của thuế từ năm 2024. Nếu các quốc gia có công ty mẹ đều thực thi thuế tối thiểu toàn cầu thì các quốc gia này sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 ước tính khoảng hơn 12 nghìn tỷ đồng. Như vậy, các biện pháp ưu đãi thuế sẽ không còn nhiều tác dụng, từ đó đặt ra thách thức không nhỏ đối với việc duy trì tính cạnh tranh về môi trường đầu tư của Việt Nam.

Đến nay, hầu hết các nước thuộc Liên minh châu Âu; Thụy Sĩ, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Indonesia, Australia... đã xác nhận sẽ áp dụng quy tắc thuế suất tối thiểu 15%, bắt đầu từ năm 2024. Trong đó, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản... có số vốn đầu tư nước ngoài lớn vào

Việt Nam và là các nước có nhiều doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu.

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế khẳng định: Nếu không có những giải pháp ứng phó kịp thời, những lợi ích mang lại từ các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp mà các dự án được hưởng tại Việt Nam sẽ không còn, ảnh hưởng đến tính hấp dẫn dẫn đến mất lợi thế cạnh tranh của thị trường Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài và ảnh hưởng tới kế hoạch mở rộng đầu tư của các dự án.

Dẫn chứng về số thu ngân sách nhà nước (NSNN) giai đoạn 2020-2022, tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) khoảng 18-21% tổng số thu ngân sách nội địa; số thu thuế TNDN từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khoảng 7,5-8,5% tổng số thu ngân sách nội địa; số thu thuế TNDN từ khu vực doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 39-41% tổng số thu thuế TNDN... ông Minh cho rằng, nếu Việt Nam không áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì số thu NSNN về thuế TNDN không bị ảnh hưởng. Còn nếu áp dụng Quy định thuế tối thiểu nội địa đạt chuẩn, Việt Nam sẽ có quyền đánh thuế bổ sung đối với những doanh nghiệp FDI đang được hưởng thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu 15%, từ đó tăng thu NSNN. Trường hợp Việt Nam không thu thuế TNDN bổ sung thì toàn bộ số thu được ưu đãi cho các doanh nghiệp hiện tại sẽ được các nước phát triển có doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam thu về ngân sách của các nước đó…

Bài học từ các “ông lớn” ngoại

Trước thực tế đó, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, trước mắt, dự kiến sẽ đưa mức thuế tối thiểu 15% đối với các doanh nghiệp và các tập đoàn chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu theo khung của OECD. Tiếp theo là ban hành các quy định, quy chế về khấu trừ thuế tại nguồn tại Việt Nam. Về trung hạn, kiến nghị sửa đổi các ưu đãi thuế bảo vệ nguồn thu trong nước; ban hành thuế tối thiểu 15%; ban hành ưu đãi thuế theo hướng hỗ trợ các chi phí đầu tư, đào tạo lao động; hỗ trợ cho tăng trưởng xanh và bảo vệ môi trường…

Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp, hiệp hội cũng đã có gợi ý để Việt Nam thích ứng với chính sách mới này. Theo đại diện Samsung Việt Nam, Việt Nam cần xây dựng các cơ chế về khoản hỗ trợ nhằm bổ sung hoàn thiện cho phần ưu đãi bị sụt giảm của các doanh nghiệp FDI khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Tuy nhiên, phương án triển khai các khoản hỗ trợ bằng tiền này sẽ được xây dựng tiêu chuẩn áp dụng tùy theo đặc tính của từng loại hình doanh nghiệp.

“Ngoài ra, xin được nhấn mạnh chi tiết để có được nguồn tài chính cho các khoản hỗ trợ bằng tiền, cần bảo đảm quyền đánh thuế bằng cách áp dụng cơ chế Nội luật hóa quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu (QDMTT)”, đại diện Samsung Việt Nam nói thêm, hiện tại các nền kinh tế như Singapore, Hồng Công (Trung Quốc), Malaysia... cũng đang chuẩn bị để áp dụng QDMTT.

Còn Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đề xuất các biện pháp khuyến khích đầu tư, bao gồm miễn thuế nhập khẩu, kéo dài thời gian miễn thuế đất và ưu đãi dựa trên chi phí, đặc biệt là chi phí nghiên cứu và phát triển. Hiện tại, các chính sách ưu đãi thuế TNDN chủ yếu là hình thức ưu đãi trên thu nhập, tức là chỉ khi doanh nghiệp kinh doanh có lãi, có thu nhập chịu thuế thì khi ấy mới có thể hưởng các lợi ích từ ưu đãi thuế. Trong khi đó, các hình thức ưu đãi trực tiếp về mặt chi phí chưa phổ biến theo quy định tại Việt Nam.

Các doanh nghiệp thường chưa có lãi trong các năm đầu hoạt động do chi phí cố định phát sinh lớn đối với các dự án đầu tư về cơ sở hạ tầng, công nghệ, nghiên cứu phát triển. Theo đó, những doanh nghiệp này sẽ cần các hình thức ưu đãi trực tiếp hơn, như ưu đãi hỗ trợ về mặt chi phí, như hỗ trợ chi phí đối với các khoản đầu tư vào hạ tầng, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hoặc chuyển giao công nghệ, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện nhiều hơn các hoạt động đầu tư, nghiên cứu phát triển, cũng như chuyển giao công nghệ tại Việt Nam.

Phía đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) khuyến nghị, Việt Nam cần cải thiện môi trường đầu tư, bảo vệ quyền đánh thuế của mình, điều này rất cấp thiết. Một số giải pháp được đại diện Kocham đề xuất là ưu đãi dựa trên chi phí đầu tư phù hợp với tình hình Việt Nam hiện tại. Điểm mạnh của chính sách này sẽ ngăn chặn chuyển giá, chuyển lợi nhuận, giúp khuyến khích đầu tư thực chất vào Việt Nam, giúp doanh nghiệp đưa ra phương án đầu tư dài hạn tại Việt Nam. Hình thức ưu đãi dựa trên chi phí đầu tư đang được nhiều quốc gia áp dụng, Việt Nam tham gia vào sân chơi chung của quốc tế thì nên áp dụng luật chơi chung…

Sáng kiến chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) đã được OECD khởi xướng và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) thông qua.

Triển khai các hành động của BEPS, tháng 7/2021, Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương của G20 đã thống nhất về nguyên tắc Khung giải pháp Hai trụ cột nhằm giải quyết các thách thức về thuế phát sinh trong quá trình số hóa nền kinh tế (gọi tắt là Thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu). Trong đó, trụ cột thứ hai đặt ra mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia nhằm ngăn các công ty này chuyển lợi nhuận sang quốc gia có thuế suất thấp để tránh thuế.

Đến nay, Khung giải pháp Hai trụ cột đã nhận được sự đồng thuận của 142/142 nước thành viên, trong đó có Việt Nam.