Rừng không tự cháy
Ngày 22/3/2025, một vụ cháy rừng dữ dội bùng phát tại huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Từ tàn lửa nhỏ, hàng chục ha rừng bị thiêu rụi, một người thiệt mạng. Cách đây chưa đầy một năm, vụ cháy tại dãy Tây Côn Lĩnh (Hà Giang) cũng khiến 4 người tử vong, trong đó có hai cán bộ kiểm lâm. Những năm gần đây, cháy rừng đã trở thành câu chuyện “đến hẹn lại lên” vào mùa khô. Theo thống kê, năm 2020, cả nước có 179 vụ cháy rừng; đến năm 2023, con số này tăng lên 310 vụ, thiêu rụi hơn 674 ha rừng. Năm 2024, gần 300 vụ cháy được ghi nhận…
Dù nhiều văn bản đã quy định rõ trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, nhưng thực tế ở nhiều nơi vẫn còn bị động. Lực lượng tại chỗ mỏng, phương tiện thiếu, cơ chế phản ứng nhanh chưa đầy đủ. Việc chữa cháy chủ yếu dựa vào bộ đội, kiểm lâm, công an, cán bộ xã và người dân địa phương - những người không có đủ trang bị bảo hộ hay kỹ thuật nghiệp vụ, nhưng vẫn phải đối mặt với khói độc, lửa lớn và địa hình hiểm trở. Có nơi, cháy xảy ra ngay sát cơ quan chức năng nhưng vẫn xử lý chậm. Đó không chỉ là vấn đề kỹ thuật, mà là câu chuyện của nhận thức, tổ chức và sự chủ động từ sớm. Ông Dương Văn Xy, Phó Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang nhấn mạnh: “Không thể chỉ dựa vào kiểm lâm. Phòng cháy là trách nhiệm chung. Cần tuyên truyền sâu, thiết bị đủ, tổ chức chặt chẽ”.
Hàng loạt thảm họa cháy rừng xảy ra tiếp tục dấy lên hồi chuông cảnh báo về ý thức, trách nhiệm của con người với thiên nhiên. Những hành vi tưởng nhỏ nhặt như đốt nương, xử lý thực bì không đúng cách, vứt tàn thuốc lá, nấu ăn trong rừng… đều có thể dẫn đến thảm họa. Ông Lê Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang cho biết: “Công tác phòng cháy, chữa cháy dù đã được chỉ đạo sát sao nhưng điều then chốt vẫn là ý thức mỗi người dân. Nếu không ngăn từ sớm, hậu quả sẽ khó lường”.
Vực dậy sau mất mát
Những nơi cháy rừng đã quét qua, người ta không nói về phòng cháy, chữa cháy như điều gì xa xôi, mà bước chân qua rừng mỗi ngày, họ hiểu: giữ rừng là giữ chính mình. Cũng tại Tuyên Quang, cách Yên Sơn không xa, thôn Cao Ngỗi, xã Đông Lợi, huyện Sơn Dương là minh chứng điển hình cho sự thay đổi trong nhận thức và hành động. Nay người dân Cao Ngỗi đã thành lập tổ bảo vệ rừng với sự tham gia của toàn bộ hộ gia đình trong thôn. Các tổ tuần tra rừng hoạt động thường xuyên, kịp thời phát hiện và ngăn chặn nguy cơ cháy rừng. Nhà nước hỗ trợ tiền khoán bảo vệ rừng, cán bộ khuyến nông hướng dẫn người dân vay vốn, phát triển các mô hình kinh tế bền vững. Thay vì phá rừng, bà con sống nhờ rừng một cách hài hòa: nuôi ong dưới tán cây, trồng dược liệu, chăn nuôi bò, dê, phát triển du lịch sinh thái. Các lớp tập huấn phòng cháy, chữa cháy rừng được triển khai thường xuyên giúp người dân nâng cao ý thức, bảo vệ rừng một cách chủ động.
Nhờ sự thay đổi trong tư duy và cách làm, chỉ sau vài năm, Cao Ngỗi đã có bước chuyển mình rõ rệt và trở thành điểm sáng trong công tác bảo vệ rừng ở huyện Sơn Dương. Hơn 200 ha rừng đặc dụng và rừng tự nhiên được bảo vệ nghiêm ngặt, trong khi 400 ha rừng sản xuất tiếp tục phát triển. Thu nhập bình quân của người dân tăng lên 42 triệu đồng/năm, nhiều hộ thoát nghèo, đường giao thông được nâng cấp, nhà văn hóa thôn được xây dựng.
Thực tế ở Cao Ngỗi cho thấy, để giảm thiểu nguy cơ cháy rừng, cần có sự vào cuộc đồng bộ từ nhiều phía với những giải pháp cụ thể và phù hợp. Ông Hoàng Ngọc Phan, Phó Đội trưởng Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy, chữa cháy rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang nhận định: “Là tỉnh có diện tích rừng lớn, địa hình phức tạp, nguy cơ cháy cao. Khi cháy xảy ra, việc tiếp cận và dập lửa rất khó. Vì vậy, phải phòng từ gốc - từ ý thức người dân, sự chủ động của chính quyền và ngành chức năng".
Nhắc lại bài học sau vụ cháy rừng, ông Hoàng Nhị Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hà Giang cũng cho rằng: “Phòng là chính. Phải gắn bảo vệ rừng với sinh kế, hỗ trợ kỹ thuật, tạo điều kiện để người dân sống được từ rừng, đồng thời xử lý nghiêm hành vi vi phạm”.
Sau mỗi vụ cháy, nỗi đau không chỉ ở sự mất mát về con người, diện tích rừng, mà còn ở hoa màu, vật nuôi bị thiêu rụi. Bà con mất mùa, mất nguồn nước, nhiều nơi rơi vào khó khăn kép. Có những cánh rừng bị thiêu rụi chỉ trong vài giờ, nhưng để phục hồi lại cần tới vài chục năm, thậm chí là không thể trở lại như ban đầu. Nếu con người không thay đổi, không nâng cao ý thức, thì hậu quả cuối cùng không chỉ là mất rừng, mà còn là mất đi môi trường sống của chính chúng ta.