Tiêm được nhiều, vẫn lo mắc sởi

Theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay, tỷ lệ tiêm chủng trong chiến dịch phòng sởi của hầu hết các địa phương đã đạt hơn 95%. Tuy nhiên, ghi nhận tại nhiều nơi cho thấy, số ca mắc sởi vẫn cao và được cảnh báo sẽ tiếp tục gia tăng.
0:00 / 0:00
0:00
Điều trị trẻ mắc sởi tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội).
Điều trị trẻ mắc sởi tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội).

Tăng ca mắc, tăng biến chứng

Sốt cao gần 39 độ C, em H.G.B. (12 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) được đưa vào Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông trong tình trạng phát ban khắp cơ thể, thêm biến chứng viêm kết mạc khiến mắt sưng đỏ, chảy nước mắt. Trẻ đã tiêm phòng sởi được 1 mũi nhưng gia đình quên không cho tiêm nhắc lại mũi thứ 2...

H.G.B. chỉ là 1 trong nhiều bệnh nhi nhập viện do bệnh sởi bùng phát. Bác sĩ Trần Thị Kim Anh, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới cho biết, trong 3 tháng đầu năm, đơn vị đã tiếp nhận điều trị nội trú hơn 80 bệnh nhân mắc và nghi mắc sởi với các dấu hiệu điển hình, tăng so cùng kỳ năm ngoái cũng như thời điểm cuối năm 2024. 2 tuần gần đây, số ca mắc tăng mạnh. Trung bình mỗi ngày, Khoa tiếp nhận 6-8 trẻ, có ngày lên tới 14 trẻ, hầu hết mắc sởi chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ số mũi vaccine phòng sởi.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 28/3 đến 4/4), toàn thành phố ghi nhận 206 trường hợp mắc sởi, tăng 17 ca so tuần trước đó. Cộng dồn từ đầu năm 2025 đến nay, thành phố ghi nhận 1.453 trường hợp mắc sởi và 1 ca tử vong. CDC Hà Nội nhận định, số ca mắc sởi trong tuần tiếp tục tăng so tuần trước, chủ yếu ở người chưa được tiêm chủng.

Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận gần 2.000 ca mắc sởi, tăng gấp 2 lần tổng số ca mắc của cả năm trước. Riêng trong tháng 3, bệnh viện đã tiếp nhận gần 1.000 ca. Theo các bác sĩ, bệnh nhi mắc sởi năm nay không chỉ tăng về số lượng mà còn có nhiều ca biến chứng nặng, sốc nhiễm trùng, suy đa tạng phải thở máy, lọc máu.

Đừng chỉ quản lý tiêm chủng trên sổ sách

Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi năm 2025 đợt 2 với mục tiêu bao phủ trên 95%, triển khai tại 54 tỉnh, thành phố (trừ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cà Mau, Kon Tum, Long An, Sóc Trăng, Bến Tre, Kiên Giang và Bạc Liêu đã hoàn thành kế hoạch tiêm chủng năm 2024 và đợt 1 năm 2025). Vừa qua, tính đến hết ngày 3/4, có 53/54 tỉnh đã triển khai tiêm chủng cho hơn 762 nghìn đối tượng, đạt 95,2% theo kế hoạch.

Đến hết tháng 3, Hà Nội đã triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng sởi cho trẻ từ 6-9 tháng tuổi với tỷ lệ đạt 97%. Đồng thời, thành phố thực hiện tiêm bù, tiêm vét cho hơn 6.200 trẻ từ 1-10 tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine. Dù vậy, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội dự báo, dịch sởi vẫn phức tạp và số ca mắc có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.

PGS, TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay, tỷ lệ tiêm chủng của các địa phương đã đạt tỷ lệ cao, từ 95-97%. Tuy nhiên, ông lưu ý, đây chỉ là các con số “quản” trên sổ sách, hệ thống tiêm chủng của địa phương. Đáng lo ngại nhất vẫn là các trường hợp chưa được thống kê đầy đủ, hầu hết là những đối tượng thuộc diện di dân, các gia đình từ tỉnh ngoài đến cư trú tại Thủ đô.

Câu chuyện của TP Hồ Chí Minh là điển hình. Tháng 10/2024, tỷ lệ tiêm vaccine sởi đạt 95% nhưng số ca bệnh không giảm như kỳ vọng. Cuối năm 2024, thành phố tiếp tục tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 6-9 tháng tuổi. Đến hiện tại, số ca mắc sởi giảm, nhưng vẫn đang “neo” ở mức cao. Chỉ riêng Bệnh viện Nhi đồng I trong 3 tháng đầu năm đã ghi nhận 1.250 ca bệnh điều trị nội trú. Trong đó, cư trú ở thành phố có 473 trường hợp, còn lại là ở các tỉnh, thành phố lân cận. Trong số trẻ mắc sởi nặng, có tới 79,8% trẻ ngoại tỉnh và 83,8% trẻ chưa được tiêm vaccine.

Trong khi đó, bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng Khoa Nhiễm (Bệnh viện Nhi đồng I) cho biết, tới nay, vẫn còn phụ huynh băn khoăn việc trẻ 6 tháng tuổi có nên tiêm phòng vaccine hay không, tiêm chủng sớm có gây ảnh hưởng sức khỏe của trẻ không. Về vấn đề này, ông khẳng định, tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 6-9 tháng tuổi là cấp bách trong bối cảnh số ca mắc trong cộng đồng cao. Khi dịch sởi xảy ra, đây là đối tượng có nguy cơ cao nhiễm bệnh, dễ gặp biến chứng nặng. Do đó, khi con tới độ tuổi tiêm chủng, các bậc phụ huynh cần cho con tiêm phòng sởi ngay, tránh nguy cơ tạo “lỗ hổng miễn dịch” để dịch bùng phát.

PGS, TS Trần Đắc Phu đề xuất, các địa phương phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để bảo đảm bao phủ tiêm chủng vaccine, kiểm soát dịch hiệu quả.