Hiến đất để cùng sáng, xanh, sạch, đẹp

Đường làng, ngõ, xóm được mở rộng, hoa trồng dọc hai bên, điện đèn chiếu sáng, những bức tường rêu mốc sau sơn sửa khoác lên mình loạt bích họa… Sau hai năm phát động phong trào “Xây dựng và giữ gìn thôn, xóm, ngõ sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”, diện mạo nông thôn ở Ba Vì (Hà Nội) đã có nhiều khởi sắc.
0:00 / 0:00
0:00
Bí thư Đảng ủy xã Đông Quang Đặng Quyết Thắng (ngoài cùng bên phải) vận động nhân dân triển khai phong trào.
Bí thư Đảng ủy xã Đông Quang Đặng Quyết Thắng (ngoài cùng bên phải) vận động nhân dân triển khai phong trào.

Hài hòa lợi ích chung - riêng

Ba Vì là địa bàn bán sơn địa có diện tích tự nhiên lớn nhất Thủ đô Hà Nội với 428 km2, gồm 7 xã miền núi và 24 xã, thị trấn vùng đồng bằng. Những năm trước, nhiều khu dân cư chưa có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt; rác, vật liệu xây dựng vứt bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị...

Cuối tháng 3/2022, Ba Vì phát động phong trào, tổ chức cuộc thi “Xây dựng và giữ gìn thôn, xóm, ngõ sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”. Tại xã Minh Quang, nhờ sự đồng thuận của đảng bộ, chính quyền và nhân dân nên đến nay nút thắt giao thông tại xã miền núi có tỷ lệ hộ nghèo đông nhất huyện đã được tháo gỡ. Hàng loạt tuyến đường đất và đường giải cấp phối được bê-tông hóa, mở rộng, trong đó, sự đóng góp của người dân là vô cùng quan trọng.

Khi biết tuyến đường mở rộng của thôn sẽ chạy trọn vẹn qua 45 m chiều dài khu đất của gia đình, chị Đinh Thị Hạnh (người dân thôn Lặt, xã Minh Quang) đã không ngần ngại tháo dỡ tường rào, lùi đất bàn giao cho dự án. “Đường trước kia nhỏ hẹp, nay được Nhà nước quan tâm đầu tư, vui mừng lắm chứ! Đất của gia đình là đất thổ cư nhưng đường vào đến đâu, chúng tôi sẵn sàng bàn giao tới đó. Bà con trong xóm thấy gia đình tôi dỡ tường cũng nhất loạt làm theo. Tất cả vì lợi ích chung thì quê hương mới nhanh chóng phát triển, cuộc sống của gia đình mình cũng được đổi thay theo”, chị Hạnh chia sẻ.

Những năm qua, xã Minh Quang đã vận động nhân dân hiến trên 10 ha đất làm đường. Hai năm trở lại đây, mặc dù giá đất tăng cao nhưng bà con vẫn tiếp tục hiến thêm hơn 2 ha đất để kiện toàn hệ thống giao thông nông thôn. Ông Nguyễn Mạnh Thước, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Quang cho biết: Thời điểm đầu, bà con cũng trăn trở về việc hỗ trợ bồi thường nhưng sau khi được cán bộ từ xã đến thôn kiên trì giải thích, bà con nhanh chóng đồng thuận chung tay cùng Nhà nước kiện toàn hệ thống giao thông. Nhờ đó mà năm 2019 khi xã mới về đích nông thôn mới, thu nhập của người dân mới đạt hơn 48 triệu đồng/người/năm nhưng đến nay đã tăng lên hơn 69 triệu đồng/người/năm.

Theo ông Nguyễn Văn Minh, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND xã Minh Quang, thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy Ba Vì, tháng 4/2022, chúng tôi đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về việc thực hiện phong trào xây dựng và giữ gìn thôn, ngõ, xóm sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn. Người dân đóng góp nhưng cũng là đối tượng được thụ hưởng nên rất hào hứng tham gia.

Vai trò của các đoàn thể được phát huy tối đa trong triển khai phong trào. Chị Vũ Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Minh Quang cho biết: Hiện cả 15 thôn trong xã đều có tuyến đường phụ nữ nở hoa tự quản, khuôn viên nhà văn hóa được chị em chung tay làm sạch. Chúng tôi đã triển khai được mô hình phân loại rác thải tại nguồn, tại hộ gia đình trong đó có mô hình ngôi nhà xanh thu gom phế thải tái chế. Toàn bộ số tiền thu được từ ngôi nhà xanh được dành để giúp đỡ chị em có hoàn cảnh khó khăn và các cháu mồ côi vươn lên học giỏi.

Hiến đất để cùng sáng, xanh, sạch, đẹp ảnh 1

Nhiều tuyến đường hoa được trồng mới ở Ba Vì.

Nhân lên những đường xanh và bích họa

Từ một xã nằm cuối bảng, Đông Quang đã dần vươn lên thành điểm sáng của Ba Vì trong phong trào “Xây dựng và giữ gìn thôn, ngõ, xóm sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”. Ông Đặng Quyết Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Đông Quang chia sẻ: Muốn nhân dân vào cuộc thì cán bộ phải gương mẫu đi đầu trong mọi việc, không chỉ trực tiếp làm mà còn phải “đến sớm nhất, nghỉ muộn nhất”. Đơn cử như thời gian đầu làm lại tường bao, do cần nguồn kinh phí lớn nên người dân cũng có phần e ngại. Chúng tôi họp bàn phân công cho cán bộ xã về khu dân cư tự tập kết vật liệu xây dựng sơn sửa, vẽ tranh tường. Công việc hoàn thành đến đâu, cảnh quan thay đổi đến đó. Ngày đầu chỉ có vài ba hộ dân theo nhưng dần dần cả thôn, cả xóm cùng vào cuộc đua nhau ủng hộ sức người, sức của.

“Bài học lớn nhất chúng tôi rút ra được là sức mạnh đoàn kết thống nhất từ cấp ủy, chính quyền lan tỏa tới nhân dân. Thứ hai là nêu cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thứ ba là tầm quan trọng của công tác tuyên truyền vận động nhân dân. Chủ trương đã đúng thì phải kiên trì giải thích cho bà con hiểu và đồng thuận theo”, ông Đặng Quyết Thắng cho biết.

Bước qua con đường bích họa sáng bừng ngõ xóm, cụ bà Nguyễn Thị Cân (83 tuổi) người dân xã Đông Quang phấn khởi ngắm nhìn: Cuộc sống vui tươi, đẹp đẽ như vậy, bà con ai cũng phấn khởi bảo ban nhau cùng giữ gìn. Còn ông Nguyễn Văn Lân, một đảng viên cao tuổi sau khi nghỉ hưu về sinh hoạt trong cộng đồng tâm đắc nhận xét: Phong trào đã khơi gợi được sức mạnh đoàn kết và tạo nên nếp sống mới trong dân. Trước đây đường làng, ngõ xóm chật hẹp lắm, tường cũng chỉ là bờ rào hoặc đắp đất. Để triển khai chương trình, chúng tôi đã cùng nhau hiến đất mở rộng đường rồi xây dựng lại toàn bộ tường bao, sơn và tổ chức vẽ tranh bích họa. Bây giờ cứ 5 giờ chiều, bà con lại hồ hởi huy động nhau ra quét dọn vệ sinh để giữ gìn cảnh quan chung”.

Trong năm 2023, Ba Vì đã huy động được hơn 66 tỷ đồng do nhân dân và các doanh nghiệp chung sức cho cuộc thi “Xây dựng và giữ gìn thôn, xóm, ngõ sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”. Phong trào hiến đất lan tỏa sâu rộng, hiệu quả thiết thực với 1.323 hộ dân hiến 45.105 m2 đất mở rộng đường giao thông nông thôn.

Nhiều địa phương khác ở Ba Vì cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tự chỉnh trang khuôn viên gia đình, thực hiện phân loại rác thải tại nguồn; đồng thời tích cực đóng góp kinh phí, ngày công lao động, tự nguyện hiến đất, tháo dỡ các công trình phụ trợ để mở rộng đường giao thông nông thôn, trồng cây xanh, trồng hoa, vẽ tranh bích họa, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng. Định kỳ hằng tháng, hằng tuần, các tổ dân cư trong thôn duy trì tổ chức dọn vệ sinh, bảo đảm nhà sạch, vườn xanh, đường không có rác thải. Nhiều thôn đã vận động thành lập được các tổ tự quản, tổ liên gia bảo đảm trật tự an toàn xã hội, lắp đặt hệ thống camera an ninh, góp phần phát huy sức mạnh toàn dân vào nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự tại địa phương, xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc ngay tại cơ sở…

Có nhiều cách làm mới, sáng tạo được cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong huyện triển khai như: “Cựu chiến binh thực hiện ngõ sáng, xanh, sạch, đẹp”; tuyến đường hoa của hội phụ nữ; đoạn đường thanh niên tự quản; đoạn đường nông dân tự quản... Các xã, thị trấn cũng vận dụng linh hoạt theo thực tế địa phương bằng cách thành lập tổ xung kích môi trường, duy trì tổ tự quản, tổ chăm sóc các tuyến đường có hoa, “Biến điểm rác thành đường hoa”… Đáng chú ý, phát động phong trào này, Ba Vì đã thu hút được nguồn xã hội hóa rất lớn từ nhân dân.

Ông Nguyễn Đức Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì đánh giá: Phong trào đã từng bước lan tỏa những giá trị tích cực tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ trong nếp sống, nếp nghĩ của người dân. Huyện đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể phải coi phong trào và cuộc thi này là nhiệm vụ chính trị quan trọng; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc theo hướng sâu sát, cụ thể, đi cơ sở nắm bắt hoạt động thực tế để có chỉ đạo kịp thời... Đối với các địa phương mà hiệu quả phong trào chưa cao, cần nghiêm túc kiểm điểm, đưa ra giải pháp thực hiện nâng cao chất lượng môi trường sống nơi chính làng quê mình.