Nhà văn Phùng Văn Khai:

Hãy đổi mới dạy văn về lịch sử dân tộc

Những bất cập của việc dạy và học lịch sử trong nhà trường thời gian qua rất được dư luận quan tâm, bàn luận. Cùng với đó là những băn khoăn về việc dạy văn đề tài lịch sử, kết nối nhà trường, học sinh với tác phẩm văn học đề tài lịch sử. Nhân dịp đầu năm học mới, Thời Nay có cuộc phỏng vấn nhà văn Phùng Văn Khai, hiện công tác tại tạp chí Văn nghệ quân đội, tác giả của nhiều tiểu thuyết lịch sử thời gian qua như “Phùng Vương”, “Nam Đế Vạn Xuân”, “Triệu Vương phục quốc”, “Lý Đào Lang Vương”, “Ngô Vương”. 

Một tiết học được tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Ảnh: LÊ MINH
Một tiết học được tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Ảnh: LÊ MINH
Hãy đổi mới dạy văn về lịch sử dân tộc -0
 

Phóng viên (PV): Tâm huyết với đề tài lịch sử dân tộc, cũng cùng với đó mà tìm hiểu mối quan tâm của xã hội, của nhà trường, học sinh với lịch sử, anh có thể chia sẻ vài nhận xét của mình?

Nhà văn Phùng Văn Khai (PVK): Những năm gần đây, vấn đề nghiên cứu và giảng dạy văn học về đề tài lịch sử dân tộc đang ngày càng trở nên bức thiết. Đây thật sự là con đường góp phần bồi dưỡng cho các em học sinh sự hiểu biết về lịch sử một cách có hệ thống từ lăng kính văn học. Trong khi đó, một bộ phận không nhỏ lớp trẻ hiện nay khá hẫng hụt về kiến thức lịch sử. Thậm chí có không ít nhầm lẫn tai hại. Nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn đã lên tiếng về thực trạng này, nhưng sự khắc phục xem ra còn chậm chạp. Năm học mới lại đến, chúng ta cần có trách nhiệm đặt ra, giải quyết vấn đề này. 

Theo tôi, ngoài một số hạn chế trong chương trình giáo dục, trong việc biên soạn sách giáo khoa về lịch sử, thì có thể thấy, các loại sách đọc thêm để giúp học sinh củng cố bài học và mở rộng kiến thức lịch sử còn hiếm. Các tác phẩm văn học lịch sử nghiêm túc viết về các giai đoạn lịch sử, các triều đại và các nhân vật lịch sử, góp phần giúp mọi người trong xã hội tìm hiểu về lịch sử còn ở mức chưa tương xứng với yêu cầu của thực tiễn. Bên cạnh đó, sự đầu tư cho các loại sách về lịch sử, trong đó có tiểu thuyết lịch sử còn bị xem nhẹ, thiếu sự kết nối của nhà văn và nhà trường trong việc đưa tác phẩm tới bạn đọc trong môi trường học đường.

PV: Sự tham gia của văn học vào giáo dục lịch sử một cách mềm mại, gợi mở qua lăng kính nghệ thuật là điều rất đáng được thúc đẩy. Là người cầm bút, anh có gợi ý gì cho quá trình này?

PVK: Với môn lịch sử đang dạy ở các cấp học, cần đề cao hơn nữa vị trí quan trọng của nó. Việc biên soạn các giáo trình dạy lịch sử phải được thực hiện nghiêm túc và nghiêm khắc trên tinh thần khoa học và đổi mới. Cần đầu tư có chiều sâu cho các nhà nghiên cứu lịch sử, các nhà văn viết đề tài lịch sử; quảng bá và hỗ trợ việc đưa các tác phẩm văn học đề tài lịch sử tới hệ thống nhà trường giáo dục một cách sâu rộng và bền vững. 

Văn học viết về đề tài lịch sử dân tộc đã và đang có xu hướng vận động mới, nhận được nhiều sự quan tâm của giới cầm bút. Đây là thuận lợi để việc nghiên cứu và giảng dạy văn học về đề tài lịch sử dân tộc được thực hiện có hệ thống và có chất lượng. Điều này đặt ra đòi hỏi tư duy mới, khoa học, tâm và tầm của những người làm công tác quản lý ở tầm vĩ mô.

PV: Từ những suy nghĩ của anh, có thể thấy rằng, nên tìm, chọn tác phẩm văn học lịch sử để giới thiệu đến nhà trường, thầy cô giáo, học sinh, cũng như gợi mở cho các em tìm đọc trong sinh hoạt văn hóa đời thường. Anh có “danh sách” nào cho việc này?

PVK: Từ đầu thế kỷ 20 đến nay, đã có một số tác giả quan tâm đến lịch sử, viết về lịch sử như cụ Phan Bội Châu viết “Trùng Quang tâm sử”; Đào Trinh Nhất viết “Phan Đình Phùng”, “Ngục trung thư”; Nguyễn Triệu Luật viết “Bà Chúa Chè”, “Loạn kiêu binh”, “Ngược đường Trường Thi”; Trần Thanh Mại viết “Tuy Lý Vương”, “Ngô Vương Quyền”; Ngô Văn Triện viết “Hùng Vương diễn nghĩa”, “Mai Thúc Loan”, “Cao Bá Quát”, “Nguyễn Trãi”, “Trần Thủ Độ”; Nguyễn Huy Tưởng viết “An Tư công chúa”, “Đêm hội Long Trì”, “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”; Chu Thiên viết “Lê Thái Tổ”, “Bóng nước hồ Gươm”; Hà Ân với “Người Thăng Long”; Nguyễn Xuân Khánh có “Hồ Quý Ly”, “Mẫu Thượng ngàn”, “Đội gạo lên chùa”; Hoàng Quốc Hải thì có “Bão táp triều Trần” và “Tám triều vua Lý”; Nguyễn Mộng Giác với “Sông Côn mùa lũ”; Lưu Sơn Minh với “Trần Khánh Dư”... Theo thời gian, tác giả viết tiểu thuyết lịch sử ở Việt Nam đã dần đông đảo. Đây chính là nền tảng và nguyên liệu tốt cho việc nghiên cứu và giảng dạy văn học về đề tài lịch sử dân tộc.

PV: Xin cảm ơn anh!

Nhà văn Phùng Văn Khai: Nhìn rộng ra, tôi cho rằng, phải chấn chỉnh tình trạng khai thác thương mại hóa, bóp méo, giải thiêng các giá trị văn hóa, lịch sử tại các danh thắng, công trình lịch sử. Bởi trong xu thế đổi mới giáo dục, đây cũng là một trong những “ngôi trường” quan trọng để nhà trường tổ chức cho học sinh tìm hiểu về lịch sử đất nước, lịch sử địa phương.