Lặng lẽ những bước chân
Một ngày giữa tháng 8, Sài Gòn nóng như “đổ lửa”. Đúng 10 giờ sáng, chiếc xe chở Đội công tác đặc biệt của Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh rời Nhà tang lễ thành phố đến Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân), bắt đầu hành trình đưa tro cốt nạn nhân qua đời do đại dịch Covid-19 về với gia đình, người thân. Chiến sĩ Nguyễn Trường Giang nói, khoảng ba tuần nay, mỗi sáng anh đều cùng đồng đội dậy từ sớm, đứng trước bàn thờ các nạn nhân tử vong vì Covid-19 tại Nhà tang lễ TP Hồ Chí Minh thắp nén hương, khấn vái rồi bắt đầu các phần việc được phân công. “Ban đầu khi nhận nhiệm vụ thực lòng tôi cũng hơi sợ. Nhưng nỗi sợ chỉ thoáng qua. Anh em chúng tôi luôn động viên nhau, giúp được gì cho người dân trong hoàn cảnh này đều phải làm bằng cả tấm lòng”, chiến sĩ Giang chia sẻ.
Xe chậm rãi vào cổng Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa rồi dừng hẳn. Mọi người lặng lẽ xuống xe, tiến vào trong, đồng hồ điểm đúng 10 giờ 30 phút. Các thông tin được kiểm tra cẩn thận.
“Buồn quá, hôm nay lại có thêm mấy phần tro cốt của nạn nhân ở tỉnh. Vậy là đường về nhà của họ kéo dài hơn rồi”, chiến sĩ Giang tâm sự trong khi miết nhẹ đôi tay lên lớp băng keo vừa dán lại trên nắp hộp giấy đựng hũ tro cốt. Mỗi hộp đựng tro cốt sau đó được các chiến sĩ nhẹ nhàng đưa ra ngoài, đặt lên xe, ngay ngắn. Gần 12 giờ, khi phần việc bàn giao xong xuôi, tổ công tác rời Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa, đưa các phần tro cốt về Nhà tang lễ TP Hồ Chí Minh. Xong nhiệm vụ buổi sáng, lần lượt từng chiến sĩ ghé lại bàn thờ thắp hương. Họ có gần hai tiếng để cơm nước, nghỉ ngơi trước khi bước vào đợt làm việc thứ hai trong ngày cho đến tận 22, 23 giờ.
Cả ngày, điện thoại Đại úy Long lại liên tục đổ chuông. Có cuộc gọi cấp trên hỏi thăm tình hình công việc, có cuộc gọi người dân thắc mắc về hành trình bàn giao tro cốt, có cuộc gọi từ quận/huyện… mọi thứ diễn ra liên tục như chẳng có điểm dừng. Đại úy Long kể, từ ngày nhận nhiệm vụ này, anh thấy bản thân dễ xúc động hơn. Có lẽ vì nghe quá nhiều chuyện buồn, nhiều hoàn cảnh thương tâm. Không ít lần nước mắt anh rơi vì đồng cảm với những mất mát, đau thương của đồng bào. Trong khả năng có thể, các anh tìm mọi cách đưa tro cốt người mất trở về sớm nhất để họ được ấm áp trong hương khói tình thâm. Có không ít trường hợp phần địa chỉ trong giấy báo tử chỉ vỏn vẹn tên tỉnh, các chiến sĩ phải tìm đủ cách liên hệ để sớm xác nhận được địa chỉ, đưa tro cốt về gia đình lo hậu sự.
Gặp Thiếu tá Hồ Nhựt Tấn, Trợ lý chính sách Ban Chỉ huy quân sự huyện Cần Giờ cùng hai đồng đội đến Nhà tang lễ TP Hồ Chí Minh từ sớm để nhận bàn giao một phần tro cốt của người dân trên địa bàn, anh nói khẽ: “Chúng tôi lên đây đưa bà con về với gia đình. Đến giờ rồi, tôi đưa “chú ấy” về, kẻo người nhà trông”.
Chuyến xe 0 đồng đặc biệt
Chị Giang Thị Kim Cúc cùng bạn bè cũng nhận gánh một phần hỗ trợ hành trình cuối của những bệnh nhân tử vong do Covid-19. Tháng 7, trong khi đang chạy xe cứu thương “0 đồng”, Giang Thị Kim Cúc tiếp xúc gần với năm F0, buộc phải vào cách ly tập trung tại tỉnh Bình Phước. “Tôi chịu tang bà ngoại ngay trong khu cách ly, tụng kinh qua điện thoại cùng người thân”, chị Cúc bần thần nhớ lại. Hoàn thành cách ly, trở về thành phố, bốn số hotline của nhóm vẫn reo liên hồi khiến tâm trí người nghe mệt nhoài vì toàn chuyện mất mát. “Mẹ em bị Covid-19 mất rồi chị ơi! Cứu em với!”, “Cha tôi mất rồi mà cả nhà phải đi cách ly tập trung, trời ơi!”, “Anh chị ơi, hàng xóm tôi có người vừa mất do bị Covid-19. Họ nghèo lắm”… Cứ thế, những cuộc gọi, tin nhắn chuyển về khiến Cúc xót xa. Mấy ngày sau, đội Mai táng “0 đồng” ra đời với gần 20 tình nguyện viên.
Một ngày của nhóm Cúc bắt đầu từ 5 giờ sáng tại chùa Pháp Minh, huyện Bình Chánh, nơi cho các tình nguyện viên ăn ở miễn phí trong giai đoạn hỗ trợ người nhiễm Covid-19 lo hậu sự. Công việc liên tục: “Có những ngôi nhà khuất tận hẻm sâu, có nơi chật hẹp vô cùng, cửa vào chỉ tầm 1 m, chật vật lắm mới hỗ trợ đưa thi hài ra được. Có trường hợp nhóm phải dùng tới dàn giáo vì người mất ở trên gác xép, nhỏ xíu, nhìn thương đứt ruột. Mỗi ngày tụi mình chia thành ba ca, đi các nơi giúp bà con lo hậu sự. Nhiều người mất mà chẳng ai cạnh bên, nhóm sẽ là người thân, tiễn họ một đoạn trên chặng đường này. Thương nhất là anh em làm ca đêm, hoàn tất các khâu tại nhà người dân là trời vừa sáng, lật đật quay về chùa chuẩn bị những phần việc khác”, chị Cúc chia sẻ.
Người có công ty, người kinh doanh tự do, người bán mỹ phẩm, người làm tiếp viên hàng không… lại gặp nhau trong một hoạt động thiện nguyện mà chẳng ai có kinh nghiệm: Mai táng “0 đồng”. Đọc mấy dòng tuyển tình nguyện viên “Khỏe mạnh, không sợ ma” của Cúc trên mạng xã hội, nhiều người chẳng tin. Bản thân chị cũng đâu hay có ngày mình làm việc này dù đã rất quen với các hoạt động thiện nguyện nhiều năm qua. Nhưng đó là sự thật.
Các tình nguyện viên mặc bảo hộ cấp bốn, đeo khẩu trang kín mít, xịt khuẩn liên tục, đôi lúc ngột ngạt đến khó thở. Mấy ngày đầu về ám ảnh, không ngủ được. Nhưng “Người dân cần giúp mình phải cố. Chỉ mong TP Hồ Chí Minh mau ổn để cả nhóm thất nghiệp, chuyển sang hoạt động khác”.
Lái chiếc xe 0 đồng, tình nguyện viên Nguyễn Hoài Thuận (27 tuổi) đã hai, ba ngày nay không về nhà. Mới hai tháng trước, Thuận còn chở nhiều người nhiễm, nghi nhiễm Covid-19 đi cách ly, đâu ngờ giờ chuyển sang làm công việc này. Hỏi suốt ngày ngồi cạnh áo quan rồi đợi thiêu tại Bình Hưng Hòa, có sợ không, Thuận chẳng cần suy nghĩ, trả lời gọn “Không”. Đó chẳng phải công việc mới mà trước kia, thi thoảng anh cũng giúp những người khó khăn, công nhân xa quê không may qua đời được tẩm liệm, hỏa táng, cầu siêu.
Thuận mong, hành trình thiện nguyện này của nhóm mau kết thúc, chờ ngày Sài Gòn lại vui: “Mình muốn chở hàng từ thiện, muốn nhìn thấy nụ cười của người khó hơn. Nhưng, đã nhận trách nhiệm các gia đình cậy nhờ mình phải làm cho tròn để người mất sớm được an nghỉ, vợ chồng, anh em, con cái họ cũng phần nào bớt lo”.
Yên lòng người ở lại
Hôm rồi khi nhận phần tro cốt bàn giao của một người dân qua đời vì Covid-19 tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (quận Bình Thạnh), Thiếu tá Lê Trung Chánh, Trưởng ban Hậu cần - Kỹ thuật, Ban Chỉ huy quân sự quận Bình Thạnh lặng người khi biết được người mất nhà tận tỉnh Đồng Tháp. Thông qua bệnh viện, anh liên lạc được với người nhà. “Đúng là con tôi rồi chú ơi! Nó lên Sài Gòn làm mướn cho người ta, không may bị nhiễm bệnh. Bữa nó đi cách ly, tôi còn liên lạc được, về sau bặt tăm. Tôi nghe báo con mất, sốt ruột, muốn lên đưa con về nhà mà không biết đi bằng cách nào. Giờ mấy chú làm ơn tìm cách đưa con về giúp tôi với. Tôi mong nó từng ngày”, đầu dây bên kia là tiếng nấc nghẹn của người cha mất con.
Với những trường hợp như vậy, Ban Chỉ huy quân sự quận Bình Thạnh tìm mọi cách kết nối để sớm đưa tro cốt về địa phương. Còn với các trường hợp tử vong tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định thuộc các quận, huyện khác trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, các chiến sĩ trong tổ bàn giao tro cốt của anh Chánh sẽ liên hệ gấp hoặc hỗ trợ vận chuyển đến nơi.
Phòng họp lớn của Ban Chỉ huy quân sự quận từ ngày 7/8 đến nay được sửa sang, bố trí thêm vật dụng cần thiết để thành nơi thờ cúng cho những người dân trên địa bàn không may qua đời vì dịch Covid-19. Có phần tro cốt vừa về tới, vài tiếng sau đã được bàn giao tận tay gia đình. Nhưng cũng có phần tro cốt phải ở lại gian thờ này nhiều ngày liền, chờ người nhà hoàn thành đợt cách ly tập trung về nhận. “Mỗi ngày chúng tôi cùng nhau thắp hương, khấn vái cho người đã khuất. Mình cố gắng mang chút ấm áp để họ bớt lạnh lẽo. Khi giao nhiệm vụ cho cấp dưới đi làm, tôi luôn động viên anh em đây là nhiệm vụ mới của người lính, phải làm hết tinh thần trách nhiệm. Cứ coi những người tử vong đó là người thân thì mình sẽ không còn sợ và làm mọi thứ bằng cả trái tim. Làm từ tâm thì mọi việc hết sức cẩn thận, từ khâu nhận bàn giao đến vận chuyển rồi đưa đến nhà dân”, Thượng tá Lê Xuân Hưng, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự quận Bình Thạnh cho hay.
Đưa những người không may mắn về nhà, trên một hành trình cuối cùng, tất cả đều mong những chuyến đi này sớm dừng lại. Đối diện với mất mát càng lớn, lòng người lại càng phủ đầy thương yêu.