Hạn chế về các biện pháp phòng vệ thương mại

Hàng hóa nước ngoài tràn vào Việt Nam ngày càng nhiều theo các hiệp định thương mại tự do, khiến cho hàng sản xuất trong nước nhiều phen điêu đứng. Thế nhưng, các biện pháp phòng vệ thương mại lại được áp dụng rất hạn chế.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều ngành hàng của Việt Nam đã phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ hàng hóa nhập khẩu. Ảnh: NGUYỆT ANH
Nhiều ngành hàng của Việt Nam đã phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ hàng hóa nhập khẩu. Ảnh: NGUYỆT ANH

Chi tỷ USD nhập hàng trong nước sản xuất được

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính chung sáu tháng đầu năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 152,2 tỷ USD, giảm 18,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong sáu tháng đầu năm 2023 có 28 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá hơn 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 84,4% tổng kim ngạch nhập khẩu (có hai mặt hàng nhập khẩu hơn 10 tỷ USD, chiếm 38,1%).

Nhiều mặt hàng trong nước sản xuất được chịu sức ép lớn từ hàng nhập khẩu. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu thép năm 2022 đạt 11,7 triệu tấn, tương đương 11,9 tỷ USD, giảm 5,6% về lượng và tăng 3% về giá trị so với năm 2021.

Năm 2022 cả nước nhập khẩu 1,84 triệu tấn đậu tương, trị giá gần 1,28 tỷ USD. Nhập khẩu ngô các loại trong năm 2022 đạt hơn 9,57 triệu tấn, trị giá gần 3,33 tỷ USD. Nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu về Việt Nam trong năm 2022 đạt gần 5,6 tỷ USD…

Từ đầu năm đến nay, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, Hiệp hội Điều Việt Nam, Hiệp hội Thép Việt Nam cũng đã gửi văn bản đến Thủ tướng Chính phủ kiến nghị các biện pháp bảo vệ hàng sản xuất trong nước trước sức ép từ hàng nhập khẩu.

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, trước đây, Việt Nam từng xuất khẩu sang Ấn Độ. Nhưng để bảo hộ hàng trong nước, nước này áp thuế nhập khẩu điều nhân 25% nên không còn container điều nào xuất khẩu sang được. Trong khi đó, Việt Nam lại chưa có sự bảo hộ sản xuất trong nước.

Trước thực tế trên, hiệp hội này khẩn cấp đề xuất nghiên cứu giải pháp áp thuế nhập khẩu điều nhân ở mức 25%, tương tự như Ấn Độ đã thực hiện với điều Việt Nam, để ngăn chặn tương lai u ám với ngành điều nội.

Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm cũng kiến nghị Chính phủ kịp thời ban hành văn bản cấm nhập khẩu các sản phẩm thịt từ các nước có sử dụng chất kích thích sinh trưởng Ractopamine, Cysteamine. Đồng thời, kiến nghị các bộ, ngành cần triển khai ngay các biện pháp phi thuế quan để bảo vệ sản xuất và sức khỏe người tiêu dùng, như xây dựng các hàng rào kỹ thuật hợp lý và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, 5 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam khoảng 4,6 triệu tấn với trị giá hơn 3,93 tỷ USD. Việt Nam nhập siêu hơn 220 nghìn tấn với thâm hụt thương mại là 480 triệu USD. Đáng kể là lượng nhập khẩu thép từ Trung Quốc vào Việt Nam đang có xu hướng gia tăng mạnh trở lại.

Vì thế, Hiệp hội này kiến nghị Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét xây dựng quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam. Theo đó, thép nhập khẩu cần phải có giấy chứng nhận tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam trước khi nhập khẩu.

“Tăng cường điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp để hạn chế sản phẩm thép cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước”, VSA kiến nghị và cho rằng, cần xây dựng và ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép tôn mạ kim loại và sơn phủ mầu.

Việt Nam ít áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hơn các nước

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho rằng: Sau khi Việt Nam gia nhập WTO và tham gia các hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương, bên cạnh việc có nhiều lợi thế khi ta có cơ hội tiếp cận thị trường xuất khẩu thì chúng ta cũng phải mở cửa cho các nước thành viên bằng việc cắt giảm sâu thuế nhập khẩu. Điều đó dẫn đến nhiều ngành hàng của Việt Nam đã phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ hàng hóa nhập khẩu. Đây là hệ quả tất yếu của hội nhập kinh tế quốc tế.

“Trong bối cảnh đó, các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) đóng vai trò quan trọng để bảo đảm nền kinh tế có thể hội nhập hiệu quả, giảm thiểu tác động tiêu cực tới các ngành hàng, doanh nghiệp. Đây là các biện pháp được WTO cho phép và đã được các nước trên thế giới, đặc biệt là các nền kinh tế lớn áp dụng thường xuyên, phổ biến trong thương mại quốc tế”, Cục PVTM chia sẻ.

Song tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam mới khởi xướng điều tra 26 vụ việc PVTM. Trong số đó, Bộ Công thương đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp PVTM với 22 vụ việc. Các mặt hàng mà Việt Nam điều tra đa dạng như thép, kính nổi, kim loại thuộc lĩnh vực hàng công nghiệp, hàng tiêu dùng và cả nông sản (các mặt hàng quan trọng với người nông dân).

Con số này ít hơn đáng kể so với các nước trong khu vực. Tính tới hết tháng 6/2022, Indonesia đã điều tra tổng cộng 182 vụ việc và áp dụng 95 biện pháp PVTM; trong đó điều tra

11 vụ việc PVTM liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Philippines điều tra tổng cộng 115 vụ việc và áp dụng 22 biện pháp PVTM, với 13 vụ điều tra liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Thailand đã điều tra tổng cộng 105 vụ việc và áp dụng 66 biện pháp PVTM. Thailand đã tiến hành điều tra 8 vụ việc liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin thương mại và công nghiệp đánh giá: Năng lực PVTM của Việt Nam vẫn yếu vì DN Việt Nam chưa quen với việc này. Hơn nữa, năng lực điều tra, khởi kiện, đưa ra biện pháp PVTM tương đối yếu. Cục Phòng vệ thương mại là đơn vị thành lập chưa lâu, mọi thứ từ con số 0. Sáu năm qua, cơ quan này bắt đầu làm được một số vụ nhưng còn rất ít. Năng lực của cơ quan quản lý nhà nước còn yếu kém, sự phối hợp giữa cơ quan nhà nước và DN còn chưa chặt chẽ.

“Bản thân DN còn yếu, nhất là DN nhỏ và vừa. Khi hàng nhập vào nhiều, các DN cũng không biết phải xử lý thế nào. Trong nhiều trường hợp, theo đuổi các vụ kiện chống bán phá giá rất tốn kém, phải thuê luật sư, chuyên gia. Chúng ta chưa đủ năng lực, trình độ, chưa có sự chuẩn bị nhiều”, ông Lê Quốc Phương nói.

Giải thích số vụ việc điều tra PVTM còn ít, lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại cho rằng: Việc khởi xướng điều tra và áp dụng biện pháp PVTM còn phụ thuộc vào sự chủ động, hồ sơ yêu cầu của các hiệp hội, ngành sản xuất trong nước. Đây là yếu tố tối quan trọng để cơ quan quản lý tiến hành các quy trình liên quan phù hợp các cam kết quốc tế.

Bên cạnh đó, Việt Nam gia nhập WTO sau một số nước ASEAN và châu Á gần 10 năm. Việt Nam bắt đầu điều tra điều tra biện pháp PVTM lần đầu từ năm 2009, tức là mới có 14 năm sử dụng các công cụ này. Trong khi các nước thành viên khác như Indonesia đã sử dụng từ năm 1996 hay Ấn Độ từ 1995. Theo thống kê của WTO, trong giai đoạn 2018 đến 2022, Việt Nam đứng thứ 12 trong số các nước thành viên khởi xướng điều tra nhiều nhất các vụ việc PVTM.

Lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại chia sẻ: Chúng ta phải xác định để áp dụng các biện pháp PVTM cần tuân thủ đầy đủ các quy định chặt chẽ của WTO và pháp luật trong nước. Theo đó, các biện pháp PVTM chỉ được áp dụng trong khoảng thời gian nhất định khi hàng hóa được nhập khẩu quá mức vào Việt Nam và gây thiệt hại ngành sản xuất trong nước. Việc áp dụng biện pháp PVTM có tác động nhiều mặt, nhiều đối tượng như đối tượng được hưởng lợi (các doanh nghiệp sản xuất trong nước) và đối tượng bị ảnh hưởng (các doanh nghiệp nhập khẩu, doanh nghiệp sử dụng hàng hóa nhập khẩu làm nguyên liệu đầu vào, người tiêu dùng…).

“Việc sử dụng biện pháp PVTM phải căn cứ trên hồ sơ đề nghị của đại diện ngành sản xuất trong nước. Tuy nhiên, do các doanh nghiệp của Việt Nam phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vì vậy mức độ nhận thức, hiểu biết về các biện pháp PVTM còn rất hạn chế cũng như mức độ sẵn sàng hợp tác để cùng kiến nghị sử dụng biện pháp PVTM còn gặp nhiều khó khăn. Đây là một trong những nguyên nhân chính làm cho việc sử dụng biện pháp PVTM ở Việt Nam còn hạn chế”, Cục Phòng vệ thương mại giải thích.