Vướng do quy trình đấu thầu thuốc?
Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đang diễn ra ở nhiều địa phương, nhiều bệnh viện, kể cả các bệnh viện tuyến cuối, làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người bệnh. Theo chia sẻ của một lãnh đạo bệnh viện tuyến Trung ương tại Hà Nội, nhiều loại thuốc hiện nay rất khó để tiến hành đấu thầu. Việc yêu cầu đấu thầu thuốc năm sau phải rẻ hơn năm trước cũng rất bất cập. Đại diện Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho hay, để theo dõi và điều trị cho hàng nghìn người bệnh sau ghép tạng, việc duy trì thuốc chống thải ghép thường xuyên rất quan trọng, nhưng không dễ mua. "Thuốc chống thải ghép phải dùng hết sức thận trọng và phải dùng thuốc chuẩn. Chúng tôi phải làm đấu thầu mua thuốc Generic vì theo quy định không thể mua được nhiều thuốc biệt dược", vị đại diện bệnh viện nói.
Tại TP Hồ Chí Minh, trong buổi làm việc với Sở Y tế thành phố gần đây, hầu hết các giám đốc bệnh viện đều khẳng định có thiếu thuốc nhưng đây là vấn đề tồn tại từ rất lâu do nhiều nguyên nhân khác nhau, chứ không phải chỉ do sợ sai nên không dám tổ chức đấu thầu hoặc đấu thầu muộn. Khẳng định tình hình thiếu một vài loại thuốc không phải vấn đề mới xuất hiện, ngành y tế thành phố cho rằng luôn bị động đối với một số thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm do không có nhà cung ứng hoặc do nhà sản xuất trong nước gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu hay các công ty trên thế giới đã ngừng sản xuất. Mới đây, cũng xuất hiện một vài loại thuốc bị gián đoạn do ảnh hưởng bởi chiến sự giữa Nga và Ukraine…
Cũng có luồng ý kiến cho rằng, do nhiều cán bộ y tế gặp sai phạm thời gian qua dẫn đến tình trạng các bệnh viện sợ không dám làm, không dám mua sắm thuốc, vật tư y tế, song nguyên nhân sâu xa là do hệ thống pháp luật vẫn còn thiếu, bất cập, không cập nhật kịp với tình hình. PGS,TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chỉ rõ, hiện Luật Đấu thầu đã có, nhưng thông tư, nghị định hướng dẫn đặc thù riêng cho ngành y tế chậm ban hành, hoặc văn bản hướng dẫn còn bất cập, khó hiểu và khó áp dụng. Điều này đã gây tâm lý e dè cho các bệnh viện trong việc mua sắm vật tư tiêu hao. Xảy ra tình trạng thiếu thuốc như hiện tại, phần lớn do quy trình đấu thầu thuốc chữa bệnh tập trung hiện nay rất phức tạp, phải tuân thủ gần 20 bước, liên quan nhiều cơ quan chức năng khác nhau, mỗi cơ quan chậm vài ba ngày, thậm chí một, hai tuần là dẫn đến kết quả đấu thầu chậm.
Liều đặc trị cho bệnh khan hiếm thuốc
Trong cuộc họp Chính phủ ngày 23/6 tại Hà Nội, khi bàn về các giải pháp cho tình trạng nói trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan tìm ra những nội dung vướng mắc, đặc biệt cần phối hợp để chủ động xây dựng, ban hành hệ thống văn bản tháo gỡ…
Giải quyết về lâu dài, các địa phương đang chủ động đưa ra phương hướng. Đơn cử Sở Y tế TP Hồ Chí Minh kiến nghị UBND thành phố hai vấn đề lớn, bao gồm hỗ trợ ngân sách cho ngành về dự trữ một số thuốc hiếm. Sớm hiện thực hóa đề án xây dựng Khu công nghệ Y-Dược kỹ thuật cao nhằm hạn chế lệ thuộc nhập khẩu một số thuốc, vật tư y tế trong cấp cứu và điều trị chuyên sâu. Bên cạnh đó, kiến nghị Bộ Y tế năm vấn đề, bao gồm rút ngắn thời gian gia hạn số đăng ký đối với các thuốc đã hết hạn số đăng ký; xem xét và rút ngắn thời gian cấp phép nhập khẩu chuyến đối với những thuốc chưa có số đăng ký. Xem xét, cấp số đăng ký đối với những thuốc thường xuyên phải xin phép nhập khẩu; chỉ đạo Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia rút ngắn thời gian đàm phán giá, đấu thầu tập trung để các bệnh viện kịp thời ký hợp đồng mua sắm với các nhà cung cấp, tránh gây gián đoạn, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, chăm sóc người bệnh. Và cuối cùng là cần có chính sách đặt hàng cho các nhà sản xuất trong nước ưu tiên sản xuất các loại thuốc cấp cứu, đặc trị (như huyết thanh kháng nọc rắn…).
Nhiều chuyên gia đề xuất, cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, giảm thủ tục hành chính trong quy trình đấu thầu thuốc tập trung. Theo quy định tại Thông tư 01/2012/TTLT-BYT-BTC, các đơn vị xây dựng giá kế hoạch phải tham khảo giá trúng thầu trong vòng 12 tháng trước của các đơn vị do Bộ Y tế cập nhật. Để an toàn, các bệnh viện sẽ chọn giá thấp nhất. Nhưng có thể giá nguyên liệu đã tăng, xăng dầu tăng nên cước phí vận chuyển cũng tăng, do lạm phát nên chi phí bảo quản và phân phối cũng tăng theo, vậy nên cơ sở y tế không thể mua được thuốc hay thiết bị máy móc với giá kế hoạch. Để khắc phục vấn đề này, cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, giảm thủ tục hành chính trong quy trình đấu thầu thuốc tập trung. Đồng thời phải quy định rõ thời gian giải quyết cho từng khâu, từ khi lập kế hoạch, nhu cầu sử dụng thuốc của các đơn vị, tổng hợp nhu cầu và trình các cơ quan chức năng xem xét, thẩm tra, thẩm định, ban hành kế hoạch đấu thầu, mời thầu, đến công bố kết quả đấu thầu.
Theo quan điểm của TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Pháp chế, Bộ Y tế, cần phải có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn Luật Tài sản công, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu… Cần có quy định riêng cho ngành y tế, vì đây là ngành kinh doanh có điều kiện, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Điều này sẽ giúp ngành y tế có cơ chế pháp lý minh bạch, có thể điều chỉnh các quan hệ nảy sinh liên quan đến vấn đề này. Đồng thời cũng tạo khung khổ pháp lý rõ ràng, minh bạch cho các đơn vị tham gia đấu thầu yên tâm thực hiện.
Cùng đó, Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành phố cần sớm công bố kết quả đấu thầu thuốc hằng năm để các bệnh viện ký hợp đồng cung ứng thuốc với đơn vị trúng thầu, chủ động nguồn thuốc, tránh tình trạng chậm như vừa qua, dẫn đến thiếu thuốc, ảnh hưởng chất lượng điều trị và quyền lợi của người bệnh.