Giảm phát thải trong nông nghiệp

Nông nghiệp là ngành phát sinh các khí gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ hai sau ngành năng lượng, chiếm tới 13,5% tổng lượng phát thải. Đây là lĩnh vực cần tiên phong triển khai thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều doanh nghiệp ngành nông nghiệp lựa chọn sản xuất theo hướng tuần hoàn. Ảnh: NAM ANH
Nhiều doanh nghiệp ngành nông nghiệp lựa chọn sản xuất theo hướng tuần hoàn. Ảnh: NAM ANH

Thách thức đi kèm cơ hội

Trang trại của bà Phạm Thị Hảo ở huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) có diện tích gần 15.000 m2 bao gồm trại nuôi lợn, ao cá và vườn cây ăn quả. Khó khăn lớn nhất với trang trại này là việc xử lý lượng chất thải thải ra từ quá trình chăn nuôi 300 con lợn. Trước đây, do chưa có phương pháp xử lý triệt để nên lượng chất thải thường xuyên bốc mùi gây ô nhiễm môi trường, thâm chí còn chảy xuống ao gây chết cá.

Từ 2 năm trở lại đây, bà Hảo đưa đệm lót an toàn sinh học vào các chuồng chăn nuôi. Lượng chất thải được xử lý tại chỗ trở thành phân bón an toàn cho vườn cây ăn quả. Từ đó, mô hình sản xuất tại trang trại của bà được quay vòng, không có thứ gì phải bỏ đi.

“Trước đây, chúng tôi chịu rất nhiều áp lực với lượng phát thải hằng ngày gây ra ô nhiễm môi trường. Từ khi áp dụng mô hình chăn nuôi an toàn, bớt đi áp lực là một chuyện lại còn có thêm nguồn phân bón hữu cơ cho vườn cây ăn quả”, bà Hảo chia sẻ.

Những mô hình sản xuất theo hướng tuần hoàn đã không còn xa lạ với ngành nông nghiệp khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp, người dân tham gia. Họ hiểu rằng thách thức cũng chính là cơ hội. Ở đâu có sự thay đổi nhanh, ở đó có sự phát triển bền vững và đón nhận tốt hơn từ thị trường.

Chẳng hạn như tại Tây Nguyên, cây cà-phê từ lâu đã gắn bó mật thiết với đời sống của bà con nông dân. Thổ nhưỡng màu mỡ, khí hậu thuận lợi, cà-phê Việt Nam có sản lượng xuất khẩu hàng đầu thế giới.

Đem lại thu nhập cho người dân nhưng canh tác cà-phê cũng là nguyên nhân cho nhiều hệ lụy về môi trường sống. Đó là sự tiêu tốn nước ngầm để tưới cho cây, sự xói mòn, bạc màu của đất, hay dư lượng thuốc bảo vệ thực vật phát sinh. Cũng bởi chính những hiện tượng này, năng suất cây cà-phê thường giảm dần theo thời gian.

Tuy nhiên, đó là câu chuyện của ngày xưa. Hiện nay, nhiều nông hộ đã biết cách xen canh cây cà-phê, sử dụng chế phẩm sinh học làm từ chính phụ phẩm cà-phê để chăm sóc cây, cân đối lượng nước tưới tiêu thích hợp. Đó là nhờ vào chương trình Nescafé Plan, một sáng kiến do Nestlé phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện từ năm 2011.

Ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc đối ngoại Nestlé Việt Nam cho biết, quy trình kinh tế tuần hoàn cho hạt cà-phê của Nestlé giúp công ty cắt giảm 13 nghìn tấn khí thải carbon mỗi năm, đồng thời tiết kiệm 40% nước và 30% năng lượng dùng cho sản xuất. Tính riêng việc sử dụng nhiên liệu sinh khối, công ty tiết kiệm được khoảng 40 - 50 tỷ đồng mỗi năm chi phí năng lượng.

Quan trọng hơn cả là phụ phẩm cà-phê được sử dụng để tạo ra giá trị, tránh xả ra môi trường. Tỷ lệ tái sử dụng nước thải cũng lên đến 65%, chủ yếu thất thoát do bay hơi.

Nhìn nhận về thách thức của ngành nông nghiệp trong việc phát thải khí nhà kính, ông Nguyễn Xuân Cường, nguyên Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bày tỏ lo ngại về hơn 100 triệu tấn phế thải từ chăn nuôi, 50 triệu tấn rơm rạ phế thải, 10 triệu tấn bùn thải từ nuôi thủy sản… và còn rất nhiều thứ nữa vẫn chưa được giải quyết hiệu quả. Ông cho rằng, những thứ tưởng như vứt đi đó nếu được đưa vào quy trình của kinh tế tuần hoàn thì sẽ biến thành tiền. Tại COP 26, chúng ta cam kết đến năm 2030 Việt Nam giảm 8% phát thải. Nếu không có kinh tế tuần hoàn thì rất khó bảo đảm được cam kết đó.

Chính sách hiệu quả cho nông nghiệp tuần hoàn

Ngành nông nghiệp đang thúc đẩy các giải pháp giảm phát thải thông qua các kế hoạch chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, đây là cách làm nông nghiệp đòi hỏi tư duy mới và đang vấp phải nhiều khó khăn, hạn chế.

Nhiều chuyên gia cho rằng, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp mới ở bước sơ khai, chủ yếu tự phát mà chưa có những định hướng bài bản bằng hành lang chính sách mang tính thúc đẩy. Bên cạnh đó, những thông tin và số liệu thực tiễn để phục vụ việc xây dựng chính sách lại chưa được đầy đủ.

TS Đặng Kim Sơn, chuyên gia nông nghiệp cho rằng, điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là phải làm thế nào đổi mới được về thể chế tổ chức cho mô hình này. Nông nghiệp Việt Nam khi áp dụng bất kỳ mô hình mới nào đều phải vượt qua được những thách thức của sự manh mún và nhỏ lẻ. Làm thế nào mà kinh tế hộ liên kết lại với nhau, đồng thời các tác nhân lớn nhỏ phải liên kết nhau trong chuỗi giá trị… để tạo nên kinh tế tuần hoàn.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cũng khuyến nghị, tư duy của chúng ta khi nhìn về phát triển kinh tế tuần hoàn cần phải quan tâm tới góc độ làm thế nào tạo được động lực về mặt kinh tế cho người dân, hộ sản xuất, doanh nghiệp. Làm thế nào để khuyến khích họ có động lực tham gia và được hưởng lợi từ kinh tế tuần hoàn. Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan từng khẳng định nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn là xu thế không thể đảo ngược.

“Chúng ta phải tư duy lại, trồng lúa không chỉ bán lúa mà bán các sản phẩm khác từ tro, trấu, rơm rạ... Nông dân và các hợp tác xã cũng phải tư duy lại và gia tăng chế biến, tận dụng phụ phẩm của lúa để làm các sản phẩm khác nhằm tăng thu nhập… Đó là xu hướng nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái thuận theo tự nhiên. Mọi sự thay đổi đều khó khăn, nhưng nếu không thay đổi sẽ khó khăn hơn”, ông Hoan nói.

Tác động từ biến đổi khí hậu, khan hiếm nguồn tài nguyên thiên nhiên, suy thoái môi trường, dịch bệnh… đang khiến các quốc gia phải thay đổi tư duy. Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp vừa là yêu cầu, đồng thời là giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững nhằm triển khai các cam kết quốc tế, nhiệm vụ quốc gia về phát triển xanh và bền vững.