Giải ngân đầu tư công vào chặng “nước rút”

“Theo tính toán, tại Việt Nam, vốn đầu tư công giải ngân tăng thêm 1% sẽ làm GDP tăng thêm 0,06%…”. Giải ngân đầu tư công nếu triển khai được đúng kế hoạch đề ra sẽ tạo nên động lực to lớn cho nền kinh tế Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Thi công dự án đường cao tốc bắc - nam. Nguồn: HÀ NỘI MỚI
Thi công dự án đường cao tốc bắc - nam. Nguồn: HÀ NỘI MỚI

Hai quý đầu năm 2023, cả nước mới chỉ giải ngân được 30% kế hoạch, nhưng ba quý đầu năm đã là 51,3% kế hoạch. Những con số này cho thấy, tốc độ giải ngân đầu tư công đang có những tín hiệu tích cực, tạo dư địa cho tăng trưởng kinh tế.

Các chuyên gia kỳ vọng, giải ngân đầu tư công này sẽ tiếp tục tăng tốc vào những tháng cuối năm, tuy nhiên trong giai đoạn nước rút rất cần sự vào cuộc tích cực để tháo gỡ những nút thắt mặt bằng, vật liệu, thủ tục,… có như vậy mới có thể về đích theo mục tiêu đề ra (đạt 95% kế hoạch).

Những chuyển biến tích cực

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, ước thanh toán đến ngày 30/9/2023 đạt khoảng 363.310 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 51,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2022 cả về số tương đối và số tuyệt đối. Đây cũng là lần đầu tiên đầu tư công 9 tháng vượt qua mức 50%.

Nhìn nhận về kết quả này, TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính cho biết, đầu tư công đã có một quá trình rất dài suốt mấy năm nay để tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Theo đó, Chính phủ cùng các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố đều rất quyết liệt thúc đẩy giải ngân. Đặc biệt, tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm cũng được đẩy nhanh trên khắp cả nước.

Cụ thể, ngay từ đầu năm 2023, Bộ Giao thông vận tải đã bắt đầu khởi công 12 dự án thành phần đường cao tốc bắc - nam phía Đông và đẩy mạnh các dự án đang dở dang. Đến thời điểm này, nhiều đoạn đường cao tốc bắc - nam đã đi vào sử dụng, bảo đảm lưu thông hàng hóa tốt hơn. Điều này cho thấy, hiệu quả đầu tư công đang được phát huy hiệu quả ngay, giúp nền kinh tế hồi phục và tăng trưởng.

“Theo tính toán, tại Việt Nam, vốn đầu tư công giải ngân tăng thêm 1% sẽ làm GDP tăng thêm 0,06%, góp phần tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, nếu đẩy mạnh giải ngân đầu tư công thì sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế; trong đó tác động đến thanh khoản với nền kinh tế, đối với các tổ chức tín dụng, đối với tiếp cận vốn của doanh nghiệp”, ông Thịnh nhìn nhận.

Giải ngân đầu tư công vào chặng “nước rút” ảnh 1

Nhiều dự án hạ tầng hiện đại được đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công. Ảnh: NGUYỆT ANH

Những rào cản được tháo gỡ

Dù khẳng định số vốn giải ngân trong 9 tháng đầu năm 2023 là khá cao, song theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM), với tổng nguồn lực đầu tư công của kế hoạch là hơn 711 nghìn tỷ đồng, thì trong quý cuối cùng, cần phải giải ngân khoảng 348 nghìn tỷ đồng. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề trong bối cảnh nhiều dự án vẫn đang đối mặt với nhiều rào cản, nút thắt.

Phân tích cụ thể, theo bà Thảo, khi triển khai đồng loạt nhiều dự án, nguồn nguyên vật liệu, máy móc thiết bị có thể bị thiếu tạm thời. Trong hoàn cảnh này, các bộ, ngành và địa phương cần có thứ tự ưu tiên, lựa chọn dự án để tập trung nguồn lực, kể cả vốn và vật liệu. Tuy vậy, trên thực tế, chúng ta không có thứ tự này dẫn đến tiến độ triển khai dự án chậm.

Ngoài ra, thời gian vừa qua, có những đơn vị tư vấn dự báo trữ lượng công suất khai thác nguyên liệu chưa phù hợp với thực tiễn, dẫn tới khi xây dựng kế hoạch không sát với quá trình thực hiện. Hay với quy trình như hiện nay, có những mỏ đất để đưa vào sử dụng từ khi đấu giá thành công đến khi khai thác phải hơn một năm, khiến ách tắc đến chính hoạt động xây dựng và ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Về giải phóng mặt bằng, đây là thách thức lớn trong các dự án, đặc biệt là dự án công trình giao thông tại tất cả các địa phương, do có những công trình giao thông đi qua khu vực dân cư có tỷ lệ đất thổ cư lớn dẫn đến giá trị bồi thường giải phóng mặt bằng chưa thỏa đáng, gây ách tắc. “Hầu hết các dự án đều phải vay vốn đầu tư và phải trả lãi ngân hàng. Nếu không có mặt bằng sạch thì không thể triển khai được dự án xây dựng. Vì vậy, có những dự án mất hai năm giải phóng mặt bằng, không chỉ lãng phí tiền của của dự án thi công mà còn khiến cho dự án chậm hoàn thành khi đưa vào sử dụng và khiến hiệu quả kinh tế xã hội kém đi”, bà Thảo nêu rõ.

Cùng một thể chế có những bộ, ngành và địa phương giải ngân tốt, có những bộ, ngành và địa phương lại chậm. Điều này cho thấy yếu tố về tổ chức thực hiện là lý do có nơi thực hiện tốt, có nơi chưa đạt yêu cầu. “Ở một số bộ, ngành và địa phương có tâm lý sợ làm sai và khi sợ làm sai đối với một công trình dự án bao giờ cũng phải xin ý kiến nhiều nơi, kéo dài thời gian thực hiện. Vì vậy, cần chấn chỉnh hơn ở cấp thực thi khi mà có những thủ tục lấy ý kiến quá nhiều, nhiều khi không cần thiết, làm kéo dài dự án đầu tư công”, bà Thảo quan ngại.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ

Với tốc độ và tiến độ như quý III vừa qua, ông Đinh Trọng Thịnh tin tưởng, hết nhiệm kỳ năm 2023 vào ngày 31/1/2024, giải ngân đầu tư công có thể về đích với 95% kế hoạch. Tuy vậy, nếu một khâu bị chậm sẽ kéo theo toàn bộ tiến độ dự án bị chậm và giảm tăng trưởng. Vì vậy, các địa phương và chủ dự án cần có sự chuẩn bị và kết hợp tốt hơn.

Cụ thể, các chủ đầu tư dự án và người đứng đầu các địa phương phải thường xuyên trao đổi với nhau, để tìm ra những rào cản và chủ động giải quyết. Nếu không giải quyết được, cần yêu cầu các đơn vị liên quan xử lý ngay, tạo điều kiện thông thoáng nhất cho quá trình thực thi dự án.

Còn chủ đầu tư phải là người “đi sâu, đi sát” kiểm tra, giám sát chất lượng của các dự án, xác định và ký kết các khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành. Từ đó, giúp cho các doanh nghiệp thi công có văn bản gửi cho cơ quan cấp tiền nhằm thực hiện nhanh hơn vòng quay vốn cho doanh nghiệp.

“Nếu có vướng mắc về điều kiện thi công như nguyên liệu, máy móc thiết bị, chính quyền địa phương là người kết hợp với chủ dự án để điều phối các nguồn lực từ các dự án khác đến các dự án đang gặp khó khăn. Lúc đó mới đáp ứng được yêu cầu vừa giải ngân được đúng tiến độ, vừa bảo đảm chất lượng của dự án”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Trong một dự án đầu tư công, hoạt động đầu tư, không phải lúc nào cũng suôn sẻ, khi có vướng mắc, nhà thầu hay doanh nghiệp hỏi ý kiến cơ quan nhà nước, trong điều kiện như vậy chúng ta phải tăng cường thời gian giải quyết cho nhà đầu tư. Từ đó, giúp cho quá trình giải ngân nhanh hơn. “Đối với các dự án đang gặp khó khăn mà bộ, ngành và địa phương không giải quyết được, người đứng đầu cần thông tin đến Tổ công tác của Thủ tướng - nơi tháo gỡ khó khăn một cách nhanh nhất”, bà Thảo khuyến nghị.

Về lâu dài, cơ quan làm luật cần phải sửa đổi các hệ thống văn bản pháp luật, cần thay đổi những quy định để thủ tục đầu tư đơn giản hơn, đặc biệt là thủ tục về điều chỉnh đầu tư cũng cần đơn giản hơn.