19 lần giảm giá liên tiếp
Theo số liệu công bố trên Steelonline, giá thép xây dựng trong nước vừa được điều chỉnh giảm lần thứ 19 liên tiếp. Hiện giá thép đã về mức thấp nhất trong ba năm qua. Một số doanh nghiệp thép trong nước vừa thông báo giảm 100.000-310.000 đồng/tấn đối với sản phẩm thép cuộn CB240, còn thép thanh vằn D10 CB300 vẫn giữ nguyên giá bán so lần điều chỉnh trước đó.
So lần điều chỉnh vào ngày 23/8 vừa qua, ở đợt giảm giá lần này, thương hiệu Thép Việt Đức có mức giảm mạnh nhất. Cụ thể, tại miền bắc, Thép Việt Đức đã giảm 310.000 đồng/tấn đối với sản phẩm thép cuộn CB240, giá bán về mức 13,43 triệu đồng/tấn. Còn sản phẩm thép này ở miền trung cũng giảm 200.000 đồng/tấn với dòng thép cuộn CB240, giá xuống mức 13,84 triệu đồng/tấn.
Tương tự, Thép Việt Ý tại miền bắc giảm 210.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240, giá còn 13,43 triệu đồng/tấn. Thép Kyoei Việt Nam tại khu vực miền bắc cũng giảm 200.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240, về mức 13,46 triệu đồng/tấn. Thương hiệu Thép Hòa Phát cũng giảm 100.000 đồng/tấn đối với sản phẩm thép cuộn CB240 ở cả ba miền. Sau điều chỉnh, giá dòng thép này ở cả ba miền hiện đang ở mức 13,43 triệu đồng/tấn... Như vậy, từ đầu năm đến nay, giá thép xây dựng trong nước đã trải qua 19 lần giảm liên tiếp, tùy thương hiệu với biên độ điều chỉnh giá khác nhau. Hiện giá thép trong nước dao động quanh mức 13-14 triệu đồng/tấn. Đây là mức thấp nhất kể từ cuối năm 2020.
Giá giảm sâu trở lại đã làm "bức tranh tài chính" của các doanh nghiệp ngành thép cũng "xám như thép". Ngoài ra, kênh trái phiếu doanh nghiệp được nhận định chưa thể hồi phục trong ngắn hạn khi niềm tin của nhà đầu tư đối với kênh dẫn vốn này chưa trở lại. Điều này sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới dòng tiền và khả năng triển khai các dự án bất động sản, từ đó ảnh hưởng tới các nhóm ngành phụ trợ như thép.
Bài toán cung-cầu chưa được giải quyết
Thực tế cho thấy, tình trạng cầu tiêu thụ yếu vẫn là khó khăn chính đối với ngành thép. Trong báo cáo mới đây về ngành thép, Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, nhu cầu tiêu thụ thép năm 2023 chịu ảnh hưởng do thị trường bất động sản gặp khó khăn, trong đó thép xây dựng là mặt hàng có mức giảm mạnh nhất. Đặc biệt, giá nguyên liệu sản xuất thép tại Trung Quốc trượt dốc do nền kinh tế đi xuống đã tác động mạnh lên giá thép toàn cầu.
Chia sẻ về vấn đề này, đại diện Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cho biết, tuy giai đoạn khó khăn, khốc liệt nhất của ngành thép đã qua, song nhiều vấn đề đáng lo ngại vẫn xuất hiện. Đầu tiên là sự suy yếu về nhu cầu tiêu thụ do thị trường bất động sản vẫn trầm lắng. Vấn đề này xuất hiện trong bối cảnh thị trường bất động sản Trung Quốc chưa hồi phục, nhu cầu xây dựng vẫn yếu, tác động xấu tới giá thép trong năm 2023. Nhu cầu tại các thị trường lớn như: Liên minh châu Âu (EU), Mỹ cũng được đánh giá kém tích cực.
Ở trong nước, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thép tại Việt Nam tiếp tục đà giảm. Nhu cầu thấp liên tục tạo áp lực khiến giá thép bắt đầu giảm mạnh từ đầu tháng 4/2023 đến nay khiến doanh nghiệp sản xuất phải hạ giá bán để đẩy nhanh việc giảm hàng tồn kho. Xu hướng này nếu tiếp diễn sẽ khiến áp lực dự phòng tăng trở lại đối với các doanh nghiệp ngành thép trong thời gian tới dù mức độ có thể không lớn như giai đoạn giữa năm 2022. Dự báo tổng nhu cầu thép trong nước vẫn sẽ tăng trưởng âm một con số trong năm 2023. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thép trong nước còn phải cạnh tranh với thép của Trung Quốc khi giá thép xuất khẩu của nước này liên tục giảm.
Trước những dự báo từ nay đến cuối năm, giá thép có thể còn nhiều đợt giảm nữa, các doanh nghiệp ngành thép đang trông đợi những tác động tích cực từ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phục hồi thị trường bất động sản của Nhà nước, để qua đó, nhu cầu vật liệu xây dựng từ đó được tăng theo.