Gia tăng căng thẳng ngoại giao giữa Israel và các nước

Tổng thống Brazil Lula da Silva vừa quyết định rút Đại sứ nước này tại Israel, ông Federico Meyer về nước, trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao giữa hai nước liên tục gia tăng những ngày qua. Trước đó, nhiều quốc gia kêu gọi các nước Hồi giáo cắt đứt quan hệ ngoại giao với Israel.
0:00 / 0:00
0:00
Đại sứ Meyer (giữa) cùng các quan chức Israel tại Khu tưởng niệm các nạn nhân Do thái. Ảnh: TIMES OF ISRAEL
Đại sứ Meyer (giữa) cùng các quan chức Israel tại Khu tưởng niệm các nạn nhân Do thái. Ảnh: TIMES OF ISRAEL

Brazil rút Đại sứ tại Israel

Căng thẳng giữa Israel và Brazil bùng phát sau khi Tổng thống Lula da Silva trong chuyến thăm tới Ethiopia đã lên tiếng cáo buộc Tel Aviv đang phạm tội ác “diệt chủng” đối với người dân tại Dải Gaza và so sánh hành động này với chiến dịch tàn sát người Do thái trước đây của chế độ Đức Quốc xã.

Sau tuyên bố trên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã triệu Đại sứ Meyer tới gặp tại Khu tưởng niệm các nạn nhân Do thái tại Tel Aviv, thay vì tiếp tại Văn phòng Thủ tướng như thông lệ ngoại giao và đưa ra tuyên bố Tổng thống Lula da Silva là nhân vật “không được hoan nghênh”.

Đáp lại, Bộ Ngoại giao Brazil đã triệu Đại sứ Israel tại quốc gia Nam Mỹ này, ông Daniel Zonshine, để làm rõ về phản ứng của Tel Aviv, trong khi Cố vấn đặc biệt của Tổng thống Brazil, Celso Amorim, khẳng định động thái của Chính phủ Israel là “vô lý”.

Quyết định rút ngay Đại sứ Meyer về nước được coi là bước đi cứng rắn và nghiêm trọng trong quan hệ giữa hai quốc gia, chỉ kém quyết định chính thức cắt đứt quan hệ ngoại giao. Theo nguồn tin nội bộ của Chính phủ Brazil, nước này không có ý định rút lại cáo buộc của Tổng thống Lula da Silva đối với Israel liên quan cuộc xung đột ở Dải Gaza.

Nhiều nước xem xét lại quan hệ với Tel Aviv

Bộ Ngoại giao Saudi Arabia cho biết đã thông báo với Mỹ về lập trường của nước này, theo đó sẽ không thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel nếu một nhà nước Palestine độc lập không được công nhận dựa trên đường biên giới năm 1967 và Israel phải ngừng các chiến dịch tại Dải Gaza. Giữa tháng 10/2023, Saudi Arabia đã đình chỉ các cuộc đàm phán bình thường hóa quan hệ với Israel, trong bối cảnh bùng phát xung đột giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza. Trước khi nổ ra cuộc xung đột này, Riyadh từng đề cập những tín hiệu khả quan trong tiến trình ngoại giao do Mỹ làm trung gian hướng tới bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và Israel.

Trong khi đó, Ai Cập cũng nêu điều kiện duy trì hiệp ước hòa bình với Israel. Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Sameh Shoukry thông báo nước này sẽ tuân thủ hiệp ước hòa bình với Israel với điều kiện là hiệp ước này vẫn mang tính có đi có lại.

Trước đó, Iran kêu gọi các nước Hồi giáo có quan hệ chính trị với Israel cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nhà nước Do thái trong một khoảng thời gian nhất định, nhằm phản đối cuộc xung đột ở Dải Gaza. Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đề nghị các nước Hồi giáo cấm vận xuất khẩu dầu và thực phẩm sang Israel, trong khi Tổng thống Iran Ebrahim Raisi kêu gọi áp đặt lệnh cấm vận trên quy mô lớn với Nhà nước Israel. Tuy nhiên, các quốc gia Hồi giáo đã không đồng ý áp đặt lệnh cấm vận với Israel theo đề nghị của Tổng thống Raisi.

Trong khi đó, xung đột tiếp tục leo thang tại Gaza gây ra thảm họa nhân đạo nghiêm trọng. Khoảng 20 tuần kể từ khi xung đột lực lượng Hamas-Israel bùng phát, vùng lãnh thổ của người Palestine ngày càng khan hiếm thực phẩm và nước uống. Các cơ quan của Liên hợp quốc (LHQ) cho biết, ít nhất 90% trẻ em dưới 5 tuổi ở Dải Gaza bị một hoặc nhiều bệnh truyền nhiễm.

Xung đột bùng phát từ tháng 10/2023, đến nay khiến hơn 29.000 người ở Dải Gaza thiệt mạng, hầu hết là phụ nữ và trẻ em. Xung đột vẫn chưa có dấu hiệu sớm kết thúc. Dù cộng đồng quốc tế ngày càng gia tăng áp lực để đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza, Israel vẫn tiếp tục chiến dịch quân sự và khẳng định mong muốn kiểm soát an ninh tại dải đất ven Địa Trung Hải của Palestine.