Mùa đại hội cổ đông năm 2023 đã bắt đầu với những thông tin tốt, xấu đan xen. Không ít doanh nghiệp đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp dự báo tiếp tục có một năm khó khăn vì chi phí vốn tăng cao, cầu tiêu dùng trong nước và thế giới đều suy giảm trong khi thanh khoản dòng tiền của nền kinh tế vẫn chưa được khơi thông.
Bức tranh đổi mầu
Hội đồng quản trị Công ty CP Licogi 166 vừa công bố nghị quyết tạm ngừng kinh doanh một năm, kể từ ngày 15/3/2023 do hoạt động kinh doanh gặp khó khăn. Từ năm 2019, doanh nghiệp này đã thiếu việc làm, ít dự án, khó khăn về tài chính và rơi vào tình trạng mất thanh khoản khi chịu tác động của đại dịch Covid-19. Trong một năm tạm ngừng hoạt động, Công ty CP Licogi 166 kỳ vọng củng cố lại tổ chức và tìm được lối ra để trở lại thương trường.
Chuyện doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh, phá sản đã không còn là hiện tượng thanh lọc của thị trường vì từ đầu năm đến nay, số lượng doanh nghiệp rời bỏ thị trường đã tăng nhanh bất thường. Lần đầu tiên trong dữ liệu đăng ký kinh doanh ghi nhận tổng số doanh nghiệp rời bỏ thị trường cao hơn so với tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Cụ thể, số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, quý I/2023, cả nước có 56.946 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay lại hoạt động, giảm 5,4% so cùng kỳ năm trước. Nhưng tổng số doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường lên tới 60.241 doanh nghiệp, tăng 17,4% so cùng kỳ, phần lớn là doanh nghiệp có thời gian hoạt động dưới 5 năm, quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, số vốn đăng ký và số lao động đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới đều sụt giảm mạnh, tương ứng với mức giảm 34,1% và giảm 12,8%. Các nhóm ngành giảm số lượng doanh nghiệp thành lập mới là bất động sản, tài chính, ngân hàng và bảo hiểm. Đây là lĩnh vực thường có nhiều doanh nghiệp quy mô vốn đăng ký lớn nên khi sụt giảm sẽ ảnh hưởng đáng kể đến nhiều ngành nghề khác trong nền kinh tế. Theo TS Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính của Quốc hội, số liệu thống kê vốn đăng ký mới của doanh nghiệp không thật sự phản ánh đầy đủ hoạt động đầu tư của khu vực tư nhân vào nền kinh tế. Tuy nhiên, sự suy giảm trên danh nghĩa như vậy cũng là một chỉ báo cho thấy động lực từ khu vực tư nhân chưa có dấu hiệu tích cực sau thời gian chịu tác động của đại dịch Covid-19. Trước khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, Chính phủ có thể cân nhắc điều chỉnh, bổ sung các chính sách hỗ trợ về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, giúp doanh nghiệp cầm cự vượt qua giai đoạn khó khăn. Nếu để doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường, tổn thất sẽ lớn hơn rất nhiều.
Lo cải cách chững lại
Từ năm 2023, nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia được gộp vào thành một nội dung trong Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ thay vì quy định riêng tại Nghị quyết số 02/NQ-CP như thông lệ (trước đó là Nghị quyết số 19/NQ-CP).
Đây là cách tiếp cận mới, phù hợp bối cảnh hiện nay nhằm tiếp tục tạo áp lực cũng như củng cố động lực cải cách trong thời gian tới. Tuy nhiên, sự thay đổi này khiến cho quá trình thực thi các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh lại có phần bị nơi lỏng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong báo cáo của các bộ, ngành, địa phương về tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, nội dung cải thiện môi trường kinh doanh được đề cập mờ nhạt, thiếu trọng tâm. Mức độ quan tâm của nhiều bộ, ngành, địa phương về nhiệm vụ này chưa tương xứng với tầm quan trọng và sự cần thiết của cải cách như Chính phủ đã chỉ đạo và cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng. Trong khi doanh nghiệp rất cần trợ lực từ những gói cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh thì mức độ quan tâm của bộ, ngành, địa phương dường như chùng xuống. Nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chưa đáp ứng yêu cầu như Chính phủ đã chỉ đạo và cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng.
Thiếu nhất quán trong quá trình thực thi các quy định của pháp luật, thủ tục hành chính về đầu tư, kinh doanh cũng là một trong những nội dung quan trọng được cộng đồng doanh nghiệp nêu ra ở phiên đối thoại với Chính phủ tại Diễn đàn doanh nghiệp thường niên năm 2023 được tổ chức mới đây. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho biết, vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, giao thông, phòng cháy, chữa cháy, môi trường, kho bạc, lao động... Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam phản ánh có doanh nghiệp thành viên bị cơ quan chức năng từ chối tiếp nhận hồ sơ cấp phép xây dựng cho dự án điện mặt trời áp mái (RTS) do chưa hiểu hết các yêu cầu, tiêu chí kỹ thuật mặc dù đó là lĩnh vực được khuyến khích đầu tư theo định hướng phát triển kinh tế xanh mà Việt Nam hướng tới. Ông Hong Sun, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, việc xin giấy phép phòng cháy, chữa cháy đang là trở ngại lớn vì khi mở rộng nhà máy, doanh nghiệp được yêu cầu phải thực hiện quy định mới đối với cả nhà máy đã xây dựng và hoạt động từ trước. Bên cạnh đó, có trường hợp áp dụng cách diễn giải không thống nhất của cơ quan phòng cháy, chữa cháy địa phương nên thời gian chờ cấp phép kéo dài hơn 50 ngày.
Phản ánh đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải (Foxconn) cho biết, phần lớn những vướng mắc của tập đoàn khi đầu tư ở Việt Nam liên quan đến thủ tục đề nghị phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (DTM), phòng cháy, chữa cháy, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ đầu tư. Đó cũng là nguyên nhân khiến doanh nghiệp tăng thêm gánh nặng chi phí.
Khôi phục niềm tin cho doanh nghiệp
Năm 2023 được dự báo sẽ có nhiều khó khăn, thách thức, tiềm lực và thể trạng của số đông doanh nghiệp đều chưa có sự phục hồi tích cực sau biến cố của đại dịch Covid-19. Đây là thời điểm cần kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn để phục hồi niềm tin, khí thế kinh doanh cho đội ngũ các doanh nhân, doanh nghiệp và tăng năng lực cạnh tranh, sức thu hút của nền kinh tế đối với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, để khôi phục lại động lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh trong giai đoạn hiện nay, trước tiên cần gia tăng áp lực, tăng cường năng lực cho các cơ quan Trung ương, trong đó có việc phục hồi lại hoạt động, tăng cường năng lực của Hội đồng quốc gia về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP về cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thúc đẩy và duy trì tính liên tục trong cải cách cải thiện môi trường kinh doanh nói chung và thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP nói riêng trên cơ sở kết nối với cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt phải hóa giải được nỗi sợ làm sai quy định của công chức trong bộ máy nhà nước.
Nhấn mạnh cải cách môi trường kinh doanh là một trong những nhiệm vụ cần ưu tiên thực hiện để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, trọng tâm chính là cải cách về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. VCCI kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục rà soát, tối ưu hóa quy trình thủ tục hành chính liên ngành, đặc biệt là nhóm các thủ tục liên quan tới đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường. Hướng tới việc tạo lập và kết nối liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước về cơ sở dữ liệu doanh nghiệp để bảo đảm công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ. Cùng với đó là giảm gánh nặng thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp…
Theo các chuyên gia kinh tế, những mục tiêu, giải pháp cụ thể về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã đề ra khá toàn diện. Vấn đề là các cấp có thẩm quyền cần hành động cụ thể, thực chất, quyết liệt để triển khai thực hiện. Dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn tiếp tục khó khăn, bất định. Những khó khăn đó cần phải được hóa giải bằng hành động mạnh mẽ hơn, kịp thời hơn, tạo nền tảng cho tăng trưởng.