Gia hạn chính sách giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp

Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ sẽ hết hiệu lực vào ngày 30/6/2024. Trước bối cảnh kinh tế khó khăn, sức cầu thị trường còn yếu đã tác động lên khả năng trả nợ của khách hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp, nên các ngân hàng kiến nghị gia hạn thêm Thông tư 02 từ 6 tháng đến 1 năm.
0:00 / 0:00
0:00
Việc giãn nợ giúp tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân và doanh nghiệp. Ảnh: NAM ANH
Việc giãn nợ giúp tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân và doanh nghiệp. Ảnh: NAM ANH

Doanh nghiệp lo áp lực

Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2024. Các khoản nợ được cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là các khoản cho vay và cho thuê tài chính.

NHNN trao quyền chủ động cho các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong việc xem xét, đánh giá khó khăn của khách hàng để quyết định việc cơ cấu lại khoản nợ vay của khách hàng. Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ do TCTD quyết định nhưng không vượt quá 12 tháng kể từ ngày đến hạn của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Bình luận về Thông tư 02, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia phân tích: Thông tư 02 đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn về nghĩa vụ tài chính cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là các khoản nợ đến hạn của doanh nghiệp, giúp người dân và doanh nghiệp dùng tiền đó vào sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng. Đồng thời, việc giãn nợ sẽ giúp bảo đảm khả năng tiếp cận vốn của người dân và doanh nghiệp, cho phép họ không phải chuyển nhóm nợ, từ đó thúc đẩy sản xuất, đầu tư, kinh doanh và tiêu dùng.

Tính đến hết năm 2023 đã có gần 188 nghìn lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, với tổng giá trị nợ gốc và lãi được cơ cấu là hơn 183,5 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, khi nhiều khách hàng là doanh nghiệp phải đối mặt với nghĩa vụ trả nợ, họ đang rơi vào tình trạng khó chồng khó.

Từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay, ngành dệt may đã phần nào bớt khó khăn khi lượng đơn hàng phục hồi nhẹ. Để sẵn sàng nhận đơn hàng, các công ty bắt đầu phải chủ động dự trữ nguyên liệu. Điều này làm nảy sinh một số khó khăn mới. Công ty TNHH Việt Thắng Jean gặp vấn đề với dòng tiền bị tồn đọng, không xoay vòng được. Trong khi đó, doanh nghiệp đang rất lo lắng vì những khoản vốn vay sắp đến thời điểm phải trả. Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết, vốn tự có thì phải đầu tư hoàn thiện dây chuyền công nghệ, nhập khẩu nguyên vật liệu, trong khi những áp lực về vốn từ ngân hàng ngày càng lớn trong bối cảnh thị trường vẫn tiềm ẩn không ít rủi ro.

Số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy, tình hình sức khỏe của khu vực doanh nghiệp chưa có nhiều cải thiện. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục thấp hơn số doanh nghiệp dời khỏi thị trường. Cụ thể, tính chung 2 tháng đầu năm 2024, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 63.000 doanh nghiệp, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước.

Theo TS Cấn Văn Lực, bức tranh kinh tế tháng 2 cho thấy, khu vực doanh nghiệp đang tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Nếu Thông tư 02 không được gia hạn, sẽ tạo áp lực rất lớn về trả nợ cho các doanh nghiệp trong bối cảnh giá trị tài sản bảo đảm sụt giảm, việc xử lý nợ xấu chậm do tính thanh khoản của thị trường bất động sản giảm sút.

Ngân hàng kiến nghị giãn, hoãn nợ cho khách hàng

Theo ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TP Bank), Thông tư 02 tác động đến ngân hàng không nhiều, số phải cơ cấu không nhiều, nhưng lại là một trợ lực rất có ý nghĩa giúp doanh nghiệp thoát khỏi giai đoạn khó khăn hiện nay. Còn ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc Ngân hàng Quân đội (MB) đánh giá, khách hàng được gia hạn thì năm nay phải tập trung trả nợ. Năm nay vừa trả nợ năm 2023 chuyển sang và trả cả nợ năm 2024 thì sẽ rất khó khăn cho nhiều doanh nghiệp. “Trong bối cảnh kinh tế chưa có nhiều tín hiệu phục hồi, doanh nghiệp vẫn còn yếu, nếu như giãn thêm một năm nữa và chia ra để trả nợ thì sẽ đỡ gánh nặng hơn rất nhiều”, ông Phạm Như Ánh chia sẻ.

Cùng chung quan điểm này, ông Trần Long, Phó Tổng giám đốc BIDV cũng cho rằng, việc Thông tư 02 hết hạn vào ngày 30/6/2024 sẽ tạo áp lực rất lớn về trả nợ cho các doanh nghiệp, trong khi đó, việc xử lý nợ xấu các doanh nghiệp của các TCTD cũng gặp khó khăn. Do đó, đại diện BIDV kiến nghị kéo dài thời hạn áp dụng Thông tư tới hết năm 2024.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024 diễn ra mới đây, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN cho rằng, cần thiết để xem xét gia hạn thêm Thông tư 02, nhưng vấn đề gia hạn thêm 6 tháng hay 1 năm thì cần được xem xét kỹ. Chúng tôi sẽ nghiên cứu kéo dài Thông tư 02 đến một thời điểm phù hợp.

Ông Tú cũng đề nghị Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cùng cơ quan thanh tra giám sát, Vụ Pháp chế, chính sách của NHNN đề xuất giải pháp và cơ chế phải được ban hành ngay trong quý I/2024.