Thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo

Là một trong những địa phương có bờ biển dài, tỉnh Bình Định đang trở thành điểm sáng trong việc phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Việc phát triển điện gió không chỉ giúp bảo đảm an ninh năng lượng mà còn góp phần bảo vệ môi trường và thúc đẩy kinh tế bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn (ngoài cùng bên phải) trao đổi ý kiến với lãnh đạo Tập đoàn PNE về địa điểm có thể thực hiện dự án.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn (ngoài cùng bên phải) trao đổi ý kiến với lãnh đạo Tập đoàn PNE về địa điểm có thể thực hiện dự án.

Thời gian qua, tỉnh Bình Định đã nỗ lực kêu gọi và thu hút các nhà đầu tư lớn có năng lực tài chính và kinh nghiệm đến nghiên cứu và khảo sát để đầu tư vào các dự án điện gió ngoài khơi.

Nhà đầu tư đã sẵn sàng

Phát triển dự án điện gió ngoài khơi đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Chi phí cho việc khảo sát, xây dựng cơ sở hạ tầng và mua sắm thiết bị hiện đại cần nguồn kinh phí khá lớn. Chưa kể, công nghệ điện gió còn mới mẻ tại Việt Nam nên dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân lực có chuyên môn cao và kinh nghiệm trong việc vận hành và bảo trì các tua-bin gió. Cùng với đó, việc kết nối các dự án điện gió với lưới điện quốc gia cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng truyền tải điện cũng là một thách thức lớn về mặt kỹ thuật và tài chính, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và nhà đầu tư…

Với hơn 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển các dự án điện gió trên bờ và ngoài khơi, PNE (CHLB Đức) đã đăng ký nghiên cứu và khảo sát đầu tư dự án Điện gió ngoài khơi tại Bình Định với quy mô công suất 2.000 MW, chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn I (dự án Hòn Trâu 1) có công suất 700 MW, giai đoạn II (dự án Hòn Trâu 2) công suất 700 MW, giai đoạn III (dự án Hòn Trâu 3) công suất 600 MW, dự kiến lần lượt đưa vào vận hành phát điện trước các năm 2030, 2032 và 2035. Với tổng mức đầu tư khoảng 4,6 tỷ USD (mỗi giai đoạn đầu tư hơn 1,5 tỷ USD), khi hoàn thành, tổng công suất của dự án sẽ đạt 2.000 MW, cung cấp khoảng 7,1 tỷ kWh điện cho hệ thống lưới điện quốc gia mỗi năm.

Ông Per Hornung Pedersen, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn PNE cho biết, Bình Định có tiềm năng phát triển điện gió rất lớn với điều kiện tự nhiên thuận lợi. Ở châu Á, tập đoàn lựa chọn Bình Định là địa phương đầu tiên để phát triển dự án điện gió ngoài khơi.

Tháo gỡ vướng mắc

Để có cơ sở cho Tập đoàn PNE triển khai đầu tư dự án, UBND tỉnh Bình Định đang kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xem xét, điều chỉnh tuyến vận tải biển. Đồng thời, sớm ban hành các văn bản hướng dẫn về khảo sát biển và chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến việc chồng lấn với phạm vi hoạt động của trạm radar để thực hiện phát triển điện gió ngoài khơi.

Ngoài ra, theo Sở Công thương tỉnh Bình Định, việc phát triển điện gió ngoài khơi trên địa bàn tỉnh do Tập đoàn PNE đăng ký đầu tư chỉ có thể thực hiện khi có các quy định mới về phát triển điện gió ngoài khơi được cấp có thẩm quyền ban hành, hoặc xin cơ chế thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi.

Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho biết, tỉnh sẽ tạo môi trường đầu tư hấp dẫn thông qua các chính sách ưu đãi, giảm thuế và hỗ trợ tài chính cho các nhà đầu tư. Việc kêu gọi các tập đoàn lớn có năng lực tài chính và kinh nghiệm sẽ giúp tỉnh vượt qua những khó khăn về vốn đầu tư. “Chúng tôi thấy được tiềm năng rất lớn của PNE. Dự án điện gió ngoài khơi mà tập đoàn PNE đầu tư tại Bình Định hoàn toàn phù hợp với quy hoạch của Bình Định. Đây là dự án quan trọng nhất của tỉnh trong thời gian tới để đưa Bình Định trở thành tỉnh phát triển khá trong cả nước”, ông Hồ Quốc Dũng cho biết.

Lãnh đạo tỉnh Bình Định cho rằng, đây là dự án năng lượng tái tạo quan trọng không chỉ ở Bình Định mà còn với cả nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, khai thác được lợi thế vị trí tự nhiên để phát triển năng lượng tái tạo trên biển, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế biển và xu thế sử dụng năng lượng sạch trên thế giới. Do vậy, Bình Định đang nỗ lực từng bước vượt qua những thách thức để trở thành trung tâm phát triển điện gió của khu vực.

Tại buổi gặp gỡ làm việc với tỉnh Bình Định, Chủ tịch Tập đoàn PNE Per Hornung Pedersen đã chia sẻ những khó khăn mà Bình Định nói riêng, Việt Nam chung phải đối mặt như sự phát triển điện gió ngoài khơi còn mới mẻ, cơ chế chính sách chưa sẵn sàng. Do đó, ông kỳ vọng có nhiều hơn nữa sự hỗ trợ tích cực từ phía chính quyền để dự án nhanh chóng được cấp chủ trương đầu tư.

Đánh giá những đề xuất của tỉnh Bình Định, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên từng bày tỏ sự ủng hộ đối với dự án điện gió ngoài khơi tại Bình Định. Ông cho biết, Bộ sẽ trả lời chính thức bằng văn bản và cam kết ủng hộ tối đa trong phạm vi thẩm quyền. Đối với những vấn đề vượt ngoài thẩm quyền, Bộ sẽ cùng tỉnh kiến nghị lên T.Ư để tìm giải pháp. Để thúc đẩy dự án, Bộ Công thương sẽ đề xuất với Chính phủ cho phép một tập đoàn nước ngoài tham gia đầu tư vào dự án điện gió ngoài khơi này. Việc này không chỉ mở ra cơ hội hợp tác quốc tế mà còn giúp tận dụng công nghệ và kinh nghiệm từ các nước tiên tiến, góp phần bảo đảm sự thành công của dự án.

Dự án điện gió ngoài khơi có thể đóng góp nguồn thu ngân sách hằng năm cho tỉnh Bình Định ước tính khoảng 1.600 tỷ đồng. Dự án cũng giúp hiện thực hóa chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030 đã được phê duyệt, đưa Bình Định trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong lĩnh vực này.