Trình bày báo cáo của đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách và pháp luật liên quan đến quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn từ 2015 - 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó trưởng đoàn giám sát Vũ Hồng Thanh cho biết, dư nợ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản tăng trưởng liên tục, chiếm từ 18 - 21% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế. Trong đó có lượng lớn đến từ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).
Trái phiếu bất động sản chuyển vốn lòng vòng
Cũng theo ông Vũ Hồng Thanh, các doanh nghiệp bất động sản là nhóm phát hành trái phiếu lớn thứ hai trên thị trường, chỉ đứng sau ngân hàng thương mại với mức lãi suất phát hành cao, có thời điểm gần gấp đôi lãi suất tiết kiệm ngân hàng để thu hút nhà đầu tư.
Theo đó, trong giai đoạn 2015 - 2023, có 330 doanh nghiệp bất động sản phát hành TPDN riêng lẻ tại thị trường nội địa, với tổng giá trị phát hành hơn 726.335 tỷ đồng. Kỳ hạn phát hành trung bình là 3,69 năm và lãi suất trung bình đạt 10,15%/năm.
Riêng trong năm 2020, lãi suất phát hành trung bình của các doanh nghiệp bất động sản là 10,67%, cao nhất lên tới 15%, trong khi lãi suất tiết kiệm kỳ hạn hơn 12 tháng tại các ngân hàng thương mại dao động từ 5,6% đến 7%.
Thậm chí, nhiều doanh nghiệp có khả năng tài chính yếu nhưng vẫn tăng cường phát hành TPDN. Trong đó, có những doanh nghiệp phát hành nhiều lần với số lượng lớn, tiềm ẩn rủi ro và có thể dẫn đến hành vi gian lận, lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản. Bên cạnh đó, thị trường lại đang thiếu tính công khai, minh bạch và chuyên nghiệp, công tác giám sát vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu cho tổ chức tín dụng với mục đích góp vốn, mua cổ phần, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác hoặc cho doanh nghiệp khác vay vốn, nhằm “lách” quy định về giới hạn cho vay/đầu tư TPDN của các tổ chức tín dụng đối với một khách hàng hoặc nhóm khách hàng.
Việc chuyển vốn huy động từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo cách "vòng quanh" giữa các doanh nghiệp tiềm ẩn rủi ro trong việc sử dụng vốn sai mục đích, có thể dẫn đến mất vốn gốc và lãi trái phiếu của nhà đầu tư. Đặc biệt, trong trường hợp các dự án đầu tư gặp khó khăn, các doanh nghiệp tham gia vào quá trình chuyển vốn có thể mất khả năng thanh toán, tạo ra hiệu ứng dây chuyền trên thị trường TPDN.
Sự thiếu bất ổn của thị trường TPDN thể hiện rất rõ qua tình hình chậm thanh toán gốc, lãi của các tổ chức phát hành. Báo cáo của Bộ Tài chính trước đó cũng cho thấy, tính đến hết năm 2023, tình hình chậm thanh toán gốc, lãi TPDN của nhóm bất động sản ghi nhận hơn 42.000 tỷ đồng, chiếm 50,7% tổng khối lượng chậm thanh toán gốc, lãi toàn thị trường. Con số này được duy trì, thậm chí tăng thêm trong 9 tháng đầu năm 2024.
Băn khoăn sự an toàn của các nhà đầu tư cá nhân
Trước những diễn biến phức tạp của thị trường TPDN trong nhiều năm qua, trung tuần tháng 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp để thảo luận về dự án sửa đổi 7 luật, trong đó có Luật Chứng khoán. Có một điểm đáng chú ý là đề xuất chỉ cho phép nhà đầu tư tổ chức tham gia thị trường trái phiếu riêng lẻ, loại trừ nhà đầu tư cá nhân, kể cả chuyên nghiệp, khỏi thị trường này.
Tuy nhiên, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, dự thảo luật sửa đổi không đề xuất sửa các nội dung liên quan đến quyền đầu tư của nhà đầu tư cá nhân trên thị trường. Điều này được giới chuyên gia đánh giá là giúp doanh nghiệp phát hành trái phiếu, đặc biệt là nhóm bất động sản “dễ thở” hơn.
Cùng với đó, để nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường, giảm rủi ro và bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư cá nhân trên thị trường TPDN riêng lẻ, Bộ Tài chính đề xuất các quy định mới nhằm nâng cao chất lượng trái phiếu.
"Về chất lượng của trái phiếu phát hành riêng lẻ, để các nhà đầu tư chuyên nghiệp, dù là cá nhân hay tổ chức đều có thể tham gia, chúng tôi đề xuất rằng, doanh nghiệp phát hành TPDN riêng lẻ phải có xếp hạng tín nhiệm, tài sản bảo đảm hoặc được tổ chức tín dụng bảo lãnh thanh toán", Thứ trưởng Tài chính nhấn mạnh.
Bên cạnh những ý kiến cho rằng, việc để các nhà đầu tư cá nhân tiếp tục tham gia thị trường TPDN là hợp lý bởi đây là một nguồn huy động dồi dào của các doanh nghiệp thì vẫn có những ý kiến ủng hộ dự thảo cũ. Bởi sự “dễ dãi” trong phát hành của kênh trái phiếu riêng lẻ có thể khiến các nhà đầu tư “mất trắng” như những sự việc đã diễn ra trong những năm trước, đến nay vẫn chưa thể khắc phục hết hậu quả.
Lo ngại này hoàn toàn có cơ sở khi mới đây, Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) đã công bố báo cáo thị trường trái phiếu, cho thấy lượng TPDN đáo hạn trong quý IV/2024 dự kiến vượt ngưỡng 87.500 tỷ đồng. Trong đó, 35% thuộc về lĩnh vực bất động sản và 15% từ ngành ngân hàng. Đặc biệt, các chuyên gia của PHS cảnh báo về rủi ro cao tại nhóm trái phiếu bất động sản trong hai tháng 10 và 11.
Tính đến cuối tháng 9/2024, tổng giá trị trái phiếu được gia hạn lên tới hơn 155.000 tỷ đồng. Mặc dù gia hạn nợ giảm áp lực thanh khoản ngắn hạn, rủi ro vỡ nợ vẫn gia tăng nếu dòng tiền không cải thiện. Theo các chuyên gia, áp lực đáo hạn cao có thể buộc nhiều doanh nghiệp phải tái phát hành trái phiếu để đảo nợ trong quý IV/2024.
Thực tế, trong vài tháng trở lại đây, thị trường liên tục chứng kiến những đợt phát hành đảo nợ từ các doanh nghiệp bất động sản. Chẳng hạn, hồi tháng 8 vừa qua, Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc - CTCP (mã chứng khoán: KBC), sau khi đã tất toán nợ trái phiếu từ giữa năm ngoái, đã phát hành lô trái phiếu trị giá 1.000 tỷ đồng với kỳ hạn 2 năm, lãi suất 10,5%/năm.
Lô trái phiếu này có tài sản bảo đảm và không phải là nợ thứ cấp của công ty phát hành. Số tiền huy động được sẽ được KBC sử dụng để tái cơ cấu nợ cho hai công ty con là Khu công nghiệp Sài Gòn - Bắc Giang (KBC sở hữu 88,6%) và Tập đoàn Đầu tư và phát triển Hưng Yên (KBC sở hữu 93,93%), với thời gian dự kiến trả nợ trong quý III - IV/2024.
Do vậy, đối với thị trường TPDN cần “mở” và “thắt” song song, nhà đầu tư cá nhân tham gia vào thị trường thông qua các quỹ đầu tư, được giám sát bởi các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng nhiều hơn để tiếp cận được với đa dạng nhà đầu tư hơn, bao gồm cả nhà đầu tư cá nhân và tổ chức.
Đoàn giám sát của Quốc hội cũng chỉ rõ, trong hoạt động phát hành TPDN, một số đơn vị đã thông qua các công ty liên quan (thường là các doanh nghiệp chưa niêm yết hoặc không phải công ty đại chúng) để huy động vốn hoặc tái cơ cấu nợ của công ty mẹ, với giá trị lớn thông qua kênh phát hành riêng lẻ.