Phát triển bền vững thị trường thương mại điện tử (kỳ 2)

Kỳ 2: Giải pháp phát triển thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam
0:00 / 0:00
0:00
Buổi bán hàng trực tuyến. Ảnh: NAM HẢI
Buổi bán hàng trực tuyến. Ảnh: NAM HẢI

(Tiếp theo và hết)

Thương mại điện tử đang là một xu hướng tất yếu trong kỷ nguyên số. Bởi thế, nhìn thẳng vào nó, tiếp nhận và có những phương án ứng xử chính xác và phù hợp trong thời kỳ kinh tế thế giới đang phát triển từng ngày về mặt công nghệ là yêu cầu chúng ta buộc phải chấp nhận. Càng nhìn rõ, thấu đáo, sẵn sàng cho một cuộc chiến trông thấy trước sẽ giúp cho chính quyền, doanh nghiệp và người tiêu dùng tránh được những thiệt hại, đồng thời biến nguy thành cơ trong quá trình xây dựng một nền kinh tế đầy tiềm năng phát triển một cách vững vàng, lành mạnh.

Cần sự điều chỉnh phù hợp

Ngày 23/10, khi được hỏi về thực trạng sàn Temu hoành hành ở Việt Nam với giá quá rẻ, người phát ngôn Bộ Công thương, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân bày tỏ “Tôi cũng giật mình vì giá của họ rẻ quá”.

Sau khi bị phát hiện chưa đăng ký tại Việt Nam, ngày 24/10, sàn TMĐT Temu mới gửi văn bản chính thức gửi Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) về việc thực hiện các yêu cầu tuân thủ pháp luật thương mại điện tử Việt Nam khi gia nhập thị trường. Được xác định là nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới có ngôn ngữ thể hiện tiếng Việt, theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, sàn này thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 52 của Chính phủ về TMĐT (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 85/2021).

Như vậy, gần một tháng qua, khi thâm nhập vào Việt Nam từ đầu tháng 10, Temu đã bán hàng rầm rộ không phép tại Việt Nam. Điều đáng nói, từ sự việc của Temu cũng lộ ra sự thật là cả loạt các tên tuổi lớn khác đã hoạt động TMĐT tại Việt Nam từ lâu nhưng vẫn chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam như Taobao, 1688, Shein (chưa thể hiện trên http://online.gov.vn - trang công khai thông tin các tên miền, website hoặc ứng dụng TMĐT đã đăng ký và được Bộ Công thương cấp phép).

Trước thực tế này, Bộ Công thương - cơ quan cấp phép vẫn chưa có động thái mạnh mẽ nào để xử lý vấn đề và vẫn giải thích “cần kết hợp các bộ, ngành khác kiểm tra, xử lý”.

Trao đổi với Thời Nay, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển TMĐT, Bộ Công thương cho hay, hai căn cứ quan trọng nhất để xử lý vi phạm hành chính với các sàn TMĐT hoạt động mà không thông báo tại Việt Nam là Nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT và Nghị định 85/2021/NĐ-CP. Hay Nghị định số 98/2020 cũng quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó, Mục 10 quy định hành vi vi phạm về TMĐT với các mức xử phạt cụ thể, có hành vi “Không thông báo website TMĐT bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định”.

Theo ông Thành, từ trước tới nay, rất nhiều trường hợp sàn TMĐT bị xử lý vì hoạt động mà không thông báo với cơ quan quản lý. Mức phạt có thể lên tới 80 triệu đồng. Riêng về băn khoăn “chưa được cấp phép vẫn rầm rộ bán hàng, vì sao không yêu cầu tạm dừng bán hàng cho đến khi được cấp phép”, ông Thành khẳng định: Bản chất của việc chưa được cấp phép mà đã bán hàng là sai. Về mặt nguyên tắc là có thể bắt các sàn này phải đóng lại. Nguyên tắc, khi chưa đăng ký với Bộ, họ chỉ được phép chạy ngầm. Tức là, chỉ chạy dưới địa chỉ IP để cập nhập, xét duyệt, hiển thị thông tin lên trang mà không được bán hàng. Cho đến khi được cấp nhãn đã đăng ký với Bộ Công thương thì mới được phép bán hàng.

Thực tế, chế tài xử phạt hiện nay là “buộc gỡ bỏ”, thế nhưng trong trường hợp doanh nghiệp không gỡ bỏ thì cơ quan quản lý nhà nước cũng không có cơ chế gì để buộc doanh nghiệp thực hiện việc này.

Điều này dẫn đến hệ lụy, các doanh nghiệp, nền tảng TMĐT đã đăng ký hoạt động đều phải nộp thuế, còn các nền tảng chưa hoặc không đăng ký thì sẽ chưa và không nộp thuế, chưa và không chịu sự kiểm soát theo quy định Việt Nam. Như vậy, việc các sàn TMĐT không đăng ký mà vẫn hoạt động sẽ tạo ra một cuộc chơi không công bằng, ông Bùi Quang Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) chỉ ra thêm một lỗ hổng về quản lý TMĐT hiện nay.

Phát triển bền vững thị trường thương mại điện tử (kỳ 2) ảnh 1

Kiểm tra hàng hóa tại kho của doanh nghiệp vận chuyển. Ảnh: NGUYỆT ANH

Cách nào “bịt” lỗ hổng?

Ông Đinh Việt Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp quốc gia cũng chung mối lo. Ông cho rằng, không kiểm soát chặt chẽ hoạt động từ sàn TMĐT có thể sẽ xảy ra nhiều hệ lụy, từ việc không bảo đảm chất lượng sản phẩm, hàng hóa, gây ảnh hưởng tới sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng, tới thất thu thuế, môi trường kinh doanh bị ảnh hưởng bởi cạnh tranh không lành mạnh…

Như vậy, rõ ràng để thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam có thể phát triển một cách lành mạnh, bền vững, có 4 yếu tố hàng đầu cần được bảo đảm. Đó là, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng; bảo vệ hàng quốc nội; tránh thất thu thuế và xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh…

Theo Bộ Công thương, hiện Bộ đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quản lý. Đó là trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo công điện về tăng cường quản lý thương mại điện tử, trong đó đề xuất xây dựng luật chuyên ngành và sửa đổi quyết định 78 về mức miễn thuế hàng hóa nhập khẩu qua dịch vụ chuyển phát nhanh. Bộ chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với Tổng cục Hải quan kiểm soát chặt hàng hóa từ các nền tảng xuyên biên giới. Cùng đó, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia đẩy mạnh công tác bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng, tăng cường tuyên truyền về rủi ro khi mua sắm trực tuyến xuyên biên giới.

Đồng thời, xây dựng báo cáo trình Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu phương án giám sát hàng hóa nhập khẩu từ các sàn thương mại điện tử chưa tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam.

Đến nay, theo đánh giá của giới doanh nghiệp, chỉ có một số nhỏ sàn TMĐT bảo đảm được các tiêu chí trên, trong đó có Amazon. Theo kinh nghiệm, để có được “cửa hàng” trên Amazon không hề đơn giản, đại diện của Tổng công ty May 10 cho hay, công ty đã phải qua một khóa đào tạo ngắn hạn từ Amazon, đạt chứng chỉ đào tạo do Amazon cấp, đáp ứng các cam kết ngặt nghèo, bảo đảm online 24/24…

Amazon là sàn TMĐT rất thịnh hành tại các thị trường Mỹ, EU, những nơi có nền kinh tế phát triển, họ thành công là nhờ bảo đảm được công bằng cho cả người mua người bán. Ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam cho hay, để được bán trên sàn Amazon, vối với hàng nông sản, thực phẩm, cần đáp ứng những yêu cầu về chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm, chứng nhận về nguồn gốc thực phẩm, chứng nhận organic theo tiêu chuẩn Mỹ. Amazon yêu cầu và hậu kiểm rất khắt khe về các tiêu chuẩn này. Để làm được điều này, kiến thức và kinh nghiệm của cả doanh nghiệp, sàn TMĐT và nhà quản lý phải có trình độ cao. Phải tổng hợp được đầy đủ dữ liệu của thị trường từ quản lý chất lượng, đến nhu cầu và đặc biệt là số hóa mạnh mẽ…

Ngành thuế buộc phải thích ứng nhanh, nếu không sẽ tụt hậu trước sức nóng của Temu. Ngày 26/10, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, sẽ yêu cầu thực hiện ngay việc rà soát thuế với sàn thương mại điện tử Temu. Hiện, Tổng cục Thuế đang kiểm tra dữ liệu và yêu cầu kê khai nộp thuế. Trường hợp không nộp sẽ tổ chức thanh tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Phó Thủ tướng cho hay, hiện có 102 đơn vị đăng ký nộp thuế, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như Google, Facebook, Microsoft… trong diện nộp thuế. Đơn cử như ở Hà Nội đã thu được 33.000 tỷ đồng tiền thuế từ các doanh nghiệp trên. Ông nói trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), chúng ta buộc phải thích ứng nhanh, nếu không sẽ tụt hậu. Với các đơn vị là tổng cục thuộc Bộ Tài chính, hiện bộ đang chỉ đạo ứng dụng trí tuệ nhân tạo để áp dụng.

Đánh giá về nguy cơ doanh nghiệp trong nước “thua ngay trên sân nhà”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc dẫn lại câu chuyện từ năm 1996, khi còn làm trưởng phòng tài chính thị xã Cửa Lò (Nghệ An), ông đã có bài viết đăng trên báo, thể hiện quan điểm về vấn đề này. Theo đó, ông cho rằng, cần phải ban hành luật về chống bán phá giá để chống phá giá và độc quyền. Cùng đó, doanh nghiệp nội buộc phải thích nghi và vươn lên.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân (Tổng cục Thuế) cho hay, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ sửa Nghị định 12, trong đó đề xuất quản lý đối với TMĐT, đó là việc các tổ chức, cá nhân, các hộ kinh doanh có thể ủy quyền cho các sàn giao dịch điện tử để các sàn này có thể xuất hóa đơn thay cho người kinh doanh thông qua sàn. Thông qua giải pháp này, tất cả các giao dịch TMĐT dù lớn hay nhỏ, giá trị bao nhiêu cũng sẽ được xuất hóa đơn đầy đủ.

Bên cạnh đó, tờ trình cũng có đề xuất bỏ quy định miễn thuế GTGT với hàng hóa nhỏ lẻ. “Không chỉ Việt Nam mà tất cả các nước trên thế giới cũng đang chú ý đến việc này và họ cũng có đề xuất như vậy”, bà Lan Anh nói.

Với diễn biến hiện nay, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường ((Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cho rằng, đây là “cảnh báo lớn” rất cần quan tâm trong lĩnh vực tiêu dùng hiện nay. Ông Cường nhấn mạnh: “Chúng ta cần có hành động ngay, không thể cấm vì đây là xu thế nhưng phải có kiểm soát về chất lượng hàng hóa bán qua sàn thương mại điện tử”.

Ông đề nghị cần tăng cường kiểm soát chất lượng hàng trên sàn TMĐT, một mặt để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, một mặt để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước trước “cơn lốc” hàng giá rẻ. Cùng lúc, cần xem xét chính sách miễn thuế nhập khẩu với hàng hóa giá trị nhỏ, dưới 1 triệu đồng, liệu có còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Ngoài ra, theo ông Cường, cần có chính sách để xây dựng sàn TMĐT trong nước có đủ cạnh tranh, bởi thị phần trong thị trường thương mại điện tử trong nước có đến hơn 95% là sàn giao dịch nước ngoài. Do đó, “Tôi cho rằng, gắn liền với kiểm soát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, cần có chính sách phát triển sàn giao dịch trong nước”.

Cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm cho hay, việc chúng ta cần làm hiện nay là hoàn thiện hệ thống luật pháp thuế để tăng cường biện pháp quản lý thuế, để hàng hóa bên ngoài bình đẳng với hàng sản xuất trong nước; cần phải quay trở lại rà soát chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nội địa, xem thật sự có hiệu quả hay không và hiệu quả đến đâu, bất cập chỗ nào để có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và hàng nội địa trên chính sân nhà.

Trung Quốc có lợi thế quy mô thị trường, giá thành rẻ và công nghệ luôn đi trước. Chúng ta không thể đòi hỏi tất cả hàng hóa của người Việt sản xuất đều cạnh tranh được. Vì thế, cần lựa chọn ngành, lĩnh vực nào có lợi thế để tập trung đầu tư thì mới có khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Vấn đề quản lý chất lượng hàng hóa vẫn được đánh giá là nan giải nhất. Theo cả giới đầu tư, doanh nghiệp và chuyên gia, chúng ta cần có quy định xử phạt thật nặng, gắn với trách nhiệm của sàn TMĐT.

Phát triển bền vững thị trường thương mại điện tử (kỳ 1)