G20 cam kết phối hợp chính sách

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa kết thúc, nhưng không thể ra tuyên bố chung. Tuy nhiên, các bên tái khẳng định cam kết phối hợp chính sách và nỗ lực đưa kinh tế toàn cầu trở lại quỹ đạo phát triển cân bằng và toàn diện.
0:00 / 0:00
0:00
Một phiên họp trong khuôn khổ Hội nghị G20 tại Bengaluru. Ảnh: PIPANEWS
Một phiên họp trong khuôn khổ Hội nghị G20 tại Bengaluru. Ảnh: PIPANEWS

Hợp tác khôi phục kinh tế toàn cầu

Cuộc gặp của các quan chức tài chính và ngân hàng G20 tại Bengaluru của Ấn Độ diễn ra trong bối cảnh có những dấu hiệu cho thấy triển vọng kinh tế toàn cầu đã được cải thiện kể từ Hội nghị cấp cao G20 hồi tháng 11/2022. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2023 lên 2,9%, từ mức 2,7% đưa ra hồi tháng 10/2022, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so mức 3,4% của năm 2022. Tuy nhiên, một loạt thách thức vẫn đặt ra, trong đó có nguy cơ khủng hoảng nợ toàn cầu, cũng như khó khăn về tài chính khí hậu.

Bản tổng kết hội nghị ở Bengaluru đánh giá rằng, triển vọng kinh tế toàn cầu được cải thiện, song tăng trưởng vẫn ở mức thấp, rủi ro suy giảm vẫn tồn tại, nhất là các yếu tố lạm phát cao, đại dịch Covid-19 chưa chấm dứt hoàn toàn, các điều kiện tài chính ngặt nghèo hơn có thể dẫn tới tình hình nợ công tiếp tục xấu đi ở nhiều nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.

Hội nghị khẳng định lại cam kết hợp tác nhằm đưa nền kinh tế toàn cầu phát triển theo hướng bền vững, cân bằng và toàn diện. Theo đó, các nước tiếp tục phối hợp chính sách vĩ mô và hỗ trợ thực hiện Chương trình nghị sự năm 2030 về phát triển bền vững của LHQ. Các ngân hàng trung ương cam kết ổn định giá, bảo đảm kiềm chế lạm phát ở mức cho phép. Bản tổng kết hội nghị nhấn mạnh cần có các chính sách tiền tệ, tài khóa và cấu trúc tài chính hợp lý để thúc đẩy phát triển và duy trì ổn định kinh tế, tài chính toàn cầu.

Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương cũng nhất trí nhanh chóng giải quyết các vấn đề nợ công ở các nước có thu nhập trung bình và thấp, đồng thời khẳng định các chủ nợ cần tăng phối hợp đa phương.

Bất đồng trong một số vấn đề

Bất đồng giữa các thành viên, đặc biệt là về cuộc xung đột ở Ukraine, khiến hội nghị ở Bengaluru không thể ra tuyên bố chung, thay vào đó là bản tổng kết hội nghị do nước chủ nhà Ấn Độ soạn thảo. Mỹ và các đồng minh trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) yêu cầu tuyên bố chung chỉ trích Nga liên quan xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc phản đối, cho rằng Mỹ và phương Tây tìm cách áp đặt lập trường đối với các nước khác và biến hội nghị về kinh tế và tài chính thành diễn đàn an ninh.

Ngoài vấn đề Ukraine, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương G20 cũng không đạt nhiều tiến triển trong đàm phán về một loạt chủ đề, từ khủng hoảng nợ toàn cầu, cải cách các ngân hàng phát triển đa phương và tài chính khí hậu, cho đến cách tiếp cận toàn cầu về tiền điện tử, hay cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số.

Đặc biệt, G20 tiếp tục bất đồng trong vấn đề tái cấu trúc nợ toàn cầu. Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho biết, chưa đạt đồng thuận về tái cơ cấu nợ cho các nền kinh tế đang gặp khó khăn về tài chính, tuy nhiên các bên cam kết tiếp tục đàm phán, giải quyết bất đồng vì lợi ích của tất cả các nước.

Trước thềm hội nghị G20 ở Bengaluru, Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) đã đưa ra khuyến nghị về giảm nợ cho 52 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Đây là những nền kinh tế được cho là dễ bị tổn thương, lại gặp khó khăn về tài chính và có nguy cơ cao rơi vào tình trạng nợ nghiêm trọng.

Theo UNDP, chiếm hơn 40% dân số nghèo nhất thế giới và phải chật vật để duy trì dịch vụ thiết yếu cho người dân, nhóm các nước này thiếu khả năng tiếp cận tài chính và phải chịu tác động nghiêm trọng từ các cuộc khủng hoảng, như đại dịch Covid-19, nạn đói nghèo và biến đổi khí hậu.