Duy trì đà tăng trưởng kinh tế

Tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam thuộc nhóm 20 nền kinh tế có mức tăng trưởng cao nhất thế giới. Năm 2024, nền kinh tế có nhiều dấu hiệu khởi sắc khi ba trụ cột chính của tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng sẽ được thúc đẩy.
0:00 / 0:00
0:00
Tiêu dùng trong nước tăng mạnh sẽ hỗ trợ nền kinh tế phục hồi nhanh. Ảnh: HẢI NAM
Tiêu dùng trong nước tăng mạnh sẽ hỗ trợ nền kinh tế phục hồi nhanh. Ảnh: HẢI NAM

Nỗ lực đáng tự hào

Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 tiếp tục xu hướng phục hồi, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực đạt được mục tiêu đề ra và tiếp tục là điểm sáng trong khu vực và trên thế giới.

Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2023 tăng 5,05% so với năm trước, cao hơn tốc độ tăng trưởng của các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011-2023. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,83%, đóng góp 8,84%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,74%, đóng góp 28,87%; khu vực dịch vụ tăng 6,82%, đóng góp 62,29%.

Đáng chú ý là tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước. Cụ thể, GDP quý IV/2023 tăng 6,72% so với cùng kỳ năm trước, trong khi quý I tăng 3,41%, quý II tăng 4,25%, quý III tăng 5,47%.

Nhận định về kết quả trên, PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cấp cao Học viện Tài chính cho rằng, đây là dấu mốc GDP đáng tự hào trong một năm kinh tế đối diện với “cơn gió ngược” liên tiếp được cảnh báo từ nhiều tổ chức kinh tế ngay từ cuối năm 2022.

Ông lý giải, trong khi nhiều nước có tăng trưởng GDP giảm sâu thì chúng ta vẫn nằm ở Top 20 nước tăng trưởng trên toàn cầu. Đó là nỗ lực của sự đoàn kết, đồng lòng, chung sức, nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động kép chưa từng có.

Năm 2023, Chính phủ đã triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân như giảm 2% thuế giá trị gia tăng, giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, giảm 10-50% với 36 khoản phí, lệ phí trong sáu tháng cuối năm… ông Thịnh nhấn mạnh, các chính sách trên đã hỗ trợ tốt cho người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn nhất.

TS Lê Xuân Nghĩa, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia đánh giá, xuất khẩu - một trong ba chân kiềng quan trọng của tăng trưởng kinh tế (là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng) đã tăng trưởng âm tới hai con số ngay từ quý đầu năm 2023 - với mức giảm tới 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Con số này đã phản ánh đúng thực trạng khó khăn của nền sản xuất trong nước - khi công nghiệp chế biến, chế tạo luôn chiếm từ 85 đến hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cũng đã suy giảm sâu từ cuối năm 2022, đầu năm 2023.

Trong khi, xuất khẩu các mặt hàng chủ lực phụ thuộc nhiều vào các thị trường lớn như Mỹ, EU, nhưng các thị trường này lại chịu tác động mạnh từ áp lực lạm phát dẫn đến thắt chặt chi tiêu, giảm tổng cầu, giảm nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng không thiết yếu. Chưa kể nhiều nước nhập khẩu đặt ra các yêu cầu cao về phát triển bền vững, sản xuất thân thiện với môi trường nên sản phẩm hàng hóa của Việt Nam ngày càng phải cạnh tranh gay gắt hơn với các nước xuất khẩu có cơ cấu hàng hóa tương đồng.

Tuy nhiên, ông cho rằng, Việt Nam không phải là nước duy nhất chịu cảnh này, mà hầu hết các nước phát triển hay đang phát triển cũng chung tình trạng. Mặt khác, đối nghịch với khó khăn về xuất khẩu thì năm qua chúng ta có động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng trong nước là giải ngân đầu tư công đạt được kết quả tốt. Cụ thể, giải ngân vốn đầu tư công tăng so với năm 2022 cả về số tuyệt đối và tương đối, góp phần khởi công và hoàn thành nhiều dự án, công trình xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng cho đất nước, trong đó có việc đưa gần 700 km đường bộ cao tốc vào sử dụng. Ước cả năm 2023, giải ngân đạt ít nhất 95%.

Ngoài ra, theo ông Nghĩa, năm qua, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư FDI, bằng chứng là vốn đăng ký mới liên tục tăng, ngưỡng 50% so với năm ngoái. Do đó, kết quả năm dù không đạt mục tiêu đề ra là 6,5% nhưng không đáng lo khi có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi.

Duy trì đà tăng trưởng kinh tế ảnh 1

Tổng sản phẩm trong nước năm 2023 tăng 5,05% so với năm trước. Ảnh: SONG ANH

Nhiều tín hiệu phục hồi trong năm 2024

Nhìn vào bức tranh xuất nhập khẩu hàng hóa cuối năm, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Thống kê cho hay, Việt Nam vẫn có một số điểm tích cực hơn so với đầu năm của cả xuất khẩu và nhập khẩu nhờ tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đã có tín hiệu tích cực trong ba tháng gần đây; xuất khẩu của một số mặt hàng nông sản mà Việt Nam có lợi thế so sánh vẫn đạt khá và xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực trong tháng 12/2023 cũng tăng trưởng dương. Tín hiệu tích cực cũng đến từ nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam khi tốc độ tăng trưởng của ba tháng trong quý IV đạt tăng trưởng dương ở cả khu vực trong nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài sau ba quý liên tiếp giảm sâu và đạt cao nhất vào tháng 12/2023.

Từ những tín hiệu tích cực của xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa, bà Hương cho rằng, chúng ta có thể kỳ vọng nhu cầu thế giới đang có dấu hiệu hồi phục, doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu có xu hướng nhập khẩu nhiều hơn, từ đó tạo đà cho xuất khẩu đạt tăng trưởng khá trong đầu năm 2024.

Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 là từ 6-6,5%, nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế nước ta và dự báo Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới...

Theo ADB tại Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng và dự kiến sẽ phục hồi nhanh trong tương lai gần nhờ tiêu dùng trong nước mạnh, được hỗ trợ bởi lạm phát ở mức vừa phải, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công và cải thiện các hoạt động thương mại, cũng như các lĩnh vực khác được dự báo tăng trưởng lành mạnh.

Lĩnh vực dịch vụ được kỳ vọng tiếp tục mở rộng nhờ sự hồi sinh của ngành du lịch và sự phục hồi của các dịch vụ liên quan. Nông nghiệp sẽ được hưởng lợi từ giá lương thực tăng và dự kiến tăng trưởng 3,2% trong năm 2023 và năm tiếp theo.

Tiêu dùng nội địa sẽ được hỗ trợ bởi lạm phát ở mức vừa phải và tiếp tục tăng trưởng trong các tháng còn lại của năm. Lĩnh vực chế biến, chế tạo sẽ vẫn là động lực chính thúc đẩy hoạt động kinh tế của đất nước và những trở ngại đối với xuất khẩu được dự báo sẽ giảm dần từ cuối năm 2023 đến năm 2024, khi nền kinh tế Mỹ và EU bắt đầu phục hồi.

Quốc hội đã thông qua các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu năm 2024, với tăng trưởng GDP khoảng 6 - 6,5%. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 - 4.730 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1 - 24,2%. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4 - 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8 - 5,3%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 69%. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm hơn 1%... Dự toán thu ngân sách nhà nước tăng khoảng 5%; bội chi ngân sách nhà nước dưới 4% GDP.

Để đạt các mục tiêu trên, Chính phủ đặt trọng tâm điều hành nền kinh tế vào việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, nhất là 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 12 nhóm giải pháp chủ yếu.

Trong đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia ngay từ đầu năm; bảo đảm tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công hơn 95% kế hoạch. Trình Quốc hội ban hành các Nghị quyết thí điểm về phân cấp trọn gói, cơ chế, chính sách phù hợp thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia cho cấp huyện. Thực hiện hiệu quả tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước; kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ trong giới hạn cho phép của Quốc hội.

Dự toán thu ngân sách nhà nước 2024 tăng khoảng 5% so với thực hiện năm 2023 để ưu tiên tăng cho đầu tư phát triển. Trình Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí; ban hành kịp thời các chính sách phù hợp, hiệu quả liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu.

Ngoài ra, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác; tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; tập trung tín dụng cho các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), các lĩnh vực ưu tiên; triển khai hiệu quả các gói tín dụng ưu đãi hiện có và nghiên cứu bổ sung các gói mới; phấn đấu tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng hơn 15%.