Duy trì các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), bức tranh doanh nghiệp năm 2023 tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế với gần 160.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, cao nhất từ trước tới nay... Tuy vậy, năm nay cũng tiếp tục ghi nhận số lượng lớn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, cho thấy những khó khăn chung của các nước lớn đã tác động đến nền kinh tế toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều doanh nghiệp đã tập trung nguồn lực để đổi mới trang thiết bị sản xuất. Ảnh: NGUYỆT ANH
Nhiều doanh nghiệp đã tập trung nguồn lực để đổi mới trang thiết bị sản xuất. Ảnh: NGUYỆT ANH

Điểm sáng trong bức tranh của doanh nghiệp

Theo số liệu từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm 2023 đạt 159.294 doanh nghiệp, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2022, lần đầu tiên chạm mức kỷ lục. Đây là con số “ấn tượng” khi gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2017-2022 và tăng 4,6% so với ước thực hiện cả năm 2023. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2023 cũng đạt hơn 58.400. Như vậy, số doanh nghiệp gia nhập và quay lại thị trường tiếp tục ở mốc hơn 200.000, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022 và gấp 1,3 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong năm qua.

Thực tế, trong quý I/2023, số lượng doanh nghiệp đăng ký có sụt giảm nhưng vẫn gấp 1,02 lần so với mức bình quân quý giai đoạn 2017-2022. Ở các quý tiếp theo, Chính phủ đã có nhiều biện pháp gỡ khó, nhờ vậy, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có đà phục hồi ấn tượng - luôn ở mức hơn 40.000, là mức cao nhất theo quý từ trước tới nay. Trong quý IV, số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt gần 43.000 đơn vị, tăng 20,2%. Các ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh so với cùng kỳ gồm: Giáo dục và đào tạo; bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô-tô, xe máy; dịch vụ việc làm; du lịch.

Tổng số vốn đăng ký mới của doanh nghiệp gia nhập thị trường có sự cải thiện qua các quý của năm. Tuy nhiên, nếu tính cả năm, tổng vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới chỉ đạt hơn 1,52 triệu tỷ đồng, giảm 4,4%. Tính chung, tổng vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế năm nay lại giảm hơn 25%, chỉ đạt hơn 3,5 triệu tỷ đồng.

“Năm 2023, nhờ các giải pháp đã được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tích cực thực hiện như: Giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất, hỗ trợ doanh nghiệp; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; công tác an sinh xã hội được quan tâm kịp thời, thiết thực. Do đó, bức tranh về tình hình đăng ký doanh nghiệp trong năm 2023 tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế Việt Nam năm 2023”, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh đánh giá.

Vẫn còn lượng lớn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Ở chiều ngược lại, năm 2023 tiếp tục ghi nhận số lượng lớn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trong tháng 12, cả nước có 14.355 doanh nghiệp rút lui, tăng hơn 26% so với năm 2022. Tính chung cả năm, con số này là 172.500 doanh nghiệp, tăng 20,5%. Đây cũng là con số cao nhất kể từ năm 2017 đến nay. Đáng lưu ý, hơn một nửa trong số này là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn. Chỉ có khoảng 10% thực hiện thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động và rời khỏi thị trường.

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cho biết, trong nhiều năm qua, ngay cả trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, doanh nghiệp luôn hoàn thành được mục tiêu tăng trưởng đề ra. Tuy vậy, từ đầu năm 2023 đến nay, Phú Thái đang loay hoay tìm giải pháp để bảo đảm ổn định đầu ra, không chỉ thị trường trong nước mà cả thị trường ngoài nước.

“Chi phí tăng nên người dân và doanh nghiệp thắt chặt chi tiêu, dẫn đến hàng tồn của doanh nghiệp rất nhiều. Trong khi, doanh nghiệp cần thời gian 3 tháng, 6 tháng hay 1 năm mới có thể giải quyết được bài toán hàng tồn”, ông Đoàn quan ngại.

Đánh giá về những khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM) cho rằng, những khó khăn của doanh nghiệp chưa bao giờ hết, như đầu ra gặp khó, giá nguyên phụ liệu tăng cao, lãi suất cao… Nhưng trong năm 2023, những khó khăn này đã và đang tác động đến hàng loạt doanh nghiệp không kể lớn hay nhỏ, kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có quy mô lớn. Trong bối cảnh đó, sau hơn hai năm phải cố gắng bươn chải duy trì hoạt động sau Covid-19, doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt thêm với yếu tố bên ngoài và giá cả tăng cao khiến sức khỏe càng trở nên suy kiệt hơn.

Theo bà Nguyễn Minh Thảo, khó khăn của nền kinh tế có thể tiếp tục kéo dài đến năm sau. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cũng cần phải nắm bắt tình hình thông tin thống kê trung thực, khách quan, chính xác, kịp thời để tìm ra những giải pháp linh hoạt phù hợp cho nền kinh tế.

Cần các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, bà Thảo cho rằng, các bộ, ngành và địa phương cần quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh, trước hết cần tháo gỡ ngay những rào cản sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác cũng phải có sự kết hợp linh hoạt, phù hợp để vừa bảo đảm hỗ trợ tăng trưởng, vừa kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phát triển của doanh nghiệp.

Còn theo chuyên gia kinh tế, PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, trong những giai đoạn khó khăn, số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, giải thể hay phá sản tăng cao là hết sức bình thường. Nhưng khi nền kinh tế phục hồi thì doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại tăng lên. Nếu không có những trợ lực kịp thời thì số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường sẽ tiếp tục tăng lên, điều này không chỉ năm nay mà tăng trưởng kinh tế những năm tiếp theo sẽ bị ảnh hưởng.

Vì vậy, để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thời gian tới, Chính phủ, bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục kết nối các ngân hàng, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp, nhằm hỗ trợ, giải quyết khó khăn về vốn của doanh nghiệp trong quá trình phục hồi và khởi nghiệp. Cùng với đó, các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm khai thác các thị trường mới, đơn hàng mới.

“Duy trì chính sách hỗ trợ trong thời gian tới, nhất là chính sách gia hạn giảm thuế giá trị gia tăng 2% như một cách thêm động lực giúp doanh nghiệp tiếp tục đà phục hồi. Ngoài ra, cần có gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động như trong thời gian dịch bệnh giúp doanh nghiệp giữ chân người lao động, hỗ trợ các nguồn tín dụng để doanh nghiệp trả lương cho người lao động…”, ông Thịnh gợi ý.

Với doanh nghiệp, ông Thịnh cho rằng, khối này cần đa dạng hóa sản phẩm, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng ở nhiều phân khúc thị trường. Bên cạnh đó, chủ động về nguồn nguyên liệu sản xuất để phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, kinh doanh của đơn vị, chủ động sắp xếp tinh gọn hoạt động sản xuất để giảm chi phí và giá thành sản phẩm.

“Cần chủ động tìm kiếm thị trường mới, tăng cường mở thị phần để hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn; tập trung nguồn lực để đổi mới trang thiết bị, công nghệ với chi phí rẻ hơn; đồng thời thúc đẩy liên kết mạng lưới cung ứng trong nước, giảm lệ thuộc vào nước ngoài”, ông Thịnh nêu rõ.