Sắc hoa thay mùi rác
Đi dọc đoạn đường sắt quen thuộc tại phường 9, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh, ngắm những bãi rác tự phát giờ là hai hàng hoa chuông vàng đẹp mắt, anh Lợi vừa làm việc vừa cười tươi. Trời vẫn rất nắng, mồ hồi vẫn đẫm trán, ướt áo, vậy mà tự dưng thấy đỡ mệt hơn. Anh kể, chỉ cách đây mấy tháng thôi, rác khắp nơi, vừa dọn lại đầy. Phần người dân quen tay vứt xuống, phần khách vãng lai đem về từ các nơi, mỗi lúc gom rác về các điểm chắn để dọn mệt bở hơi tai. Từ ngày rác được dọn sạch, cây được đem về trồng, người ta ngại nên không xả rác bừa bãi, đoạn đường sắt trở nên thơ mộng hơn. Anh Lợi hay nói đùa với đồng nghiệp, mai mốt có khi đường sắt thành công viên cây xanh, trăm hoa khoe sắc.
Không còn băn khoăn chuyện rác thải trên đường sắt, giờ đây, mỗi khi xong việc chuyên môn, anh Lợi lại ngắm nghía thật kỹ mấy hàng cây dọc hai bên rào, xem chỗ nào cành lá hơi cao hay chìa vào trong nhiều thì phát quang cho đúng chuẩn, không để ảnh hưởng an toàn khi tàu chạy. Sáng sáng nhìn người dân rủ nhau tưới nước, ngắm hoa, cười nói rộn ràng khắp tuyến đường, anh thấy vui lây. Nhờ cái cây, khóm hoa, mọi người gần nhau hơn, quan tâm đến môi trường sống chung quanh hơn. “Bà con hỗ trợ chăm cây cũng giúp mình bảo quản đường ray xe lửa. Anh em chúng tôi kiểm tra, duy tu thường xuyên trên tuyến đường này, có cây cối, hoa lá làm bạn thì thoải mái hơn nhiều”, anh Lợi tiếp tục câu chuyện vui giữa ca trực.
Dọc tuyến đường sắt đi ngang qua quận Phú Nhuận, ngoài chuông vàng còn có nhiều tường vi, hoa giấy… được trồng theo cụm, chăm sóc, tỉa cành cẩn thận, nhìn gọn gàng, đẹp mắt. Ông Trần Mạnh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường 11, quận Phú Nhuận khấp khởi nói, từ khi phát động mô hình, bà con sống chung quanh đường tàu đều chung tay, mỗi người một việc nên mọi thứ đúng tiến độ và cảnh quang đẹp hơn so với kế hoạch. Tuyến đường sắt đoạn qua đường Mai Văn Ngọc có chiều dài 580m, trước kia là “điểm nóng” về rác thải, nay thay “áo mới” với hơn 600 cây hoa các loại, đủ sắc mầu.
Mỗi tháng, bà con trong các khu phố lại cùng nhau lên lịch thu gom rác, bổ sung thêm phân, thuốc để cây cối phát triển tốt hơn. Dù quận có bố trí hệ thống tưới nước cho cây tại một số điểm nhưng hoa trồng trước khu vực nhà ai, người dân đều tự giác hỗ trợ chăm sóc. Ông Tuấn nói: “Để bảo đảm tính lâu dài của mô hình “Đường tàu - Đường hoa”, không chỉ ra quân là xong, chúng tôi đã giao các phần việc cụ thể cho từng đơn vị liên quan, từ tổ dân phố, khu phố đều chung tay. Chúng tôi có lắp đặt 7 camera dọc theo tuyến đường sắt này để quan sát tình hình vệ sinh môi trường, chăm sóc bảo vệ cây cảnh. Thời gian tới sẽ bổ sung thêm nhiều hoạt động sao cho tuyến đường này đẹp hơn”.
Cách đó không lâu, khi tuyến đường sắt đi qua phường 13, quận Bình Thạnh được vệ sinh, dọn sạch cỏ và xà bần, bổ sung thêm 1.000 chậu hoa mười giờ cùng 70 cây giáng hương, người dân sống ở khu vực này đã hớn hở khoe nhau. Nhờ được chăm sóc tốt, đến nay, hoa mười giờ vẫn khoe sắc và giáng hương bắt đầu bén rễ, tạo thêm mảng xanh dọc tuyến đường bấy lâu nay bị nhiều người lãng quên. Nhiều địa phương khác trên tuyến đường sắt đi ngang qua địa phận TP Hồ Chí Minh cũng triển khai các hoạt động kêu gọi người dân thu gom, xử lý rác và trồng cây tạo cảnh quan xanh-sạch-đẹp.
Theo ông Nguyễn Đình Đảng, Phó giám đốc Công ty cổ phần Đường sắt Sài Gòn, trước khi phát động phong trào “Đường tàu - Đường hoa” trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, công ty đã triển khai nghiên cứu tại các khu ga, cung đường, trạm chắn, hành lang dọc hai bên đường sắt để đưa ra phương án phù hợp. Trong đó, việc bảo đảm khoảng cách an toàn cho giao thông đường sắt khi trồng cây và hoa được đặt lên hàng đầu. Sau quận Bình Thạnh và quận Phú Nhuận, công ty sẽ tiếp tục triển khai mô hình tại các phường và quận huyện khác, tiến tới xây dựng các mảng xanh cho tuyến đường sắt tại khu vực TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bình Thuận.
Dân góp sức làm đẹp đường tàu
Như đã hẹn, cuối tuần qua, ông Phan Sỹ Hùng (Bí thư Chi bộ khu phố 1, phường 11, quận Phú Nhuận) lại cùng người dân đi phát cỏ, dọn rác dọc khu vực trồng hoa trên tuyến đường sắt đi qua địa bàn. Tay cầm túi gom rác, ông Hùng chỉ về dãy bồn hoa tường vi đang khoe sắc, kể lại chuyện trước đây: “Hồi đó điểm này là chỗ người ta tập trung bán gà, rác thải, nước thải rất nhiều, kinh khủng lắm. Hằng tháng phường và khu phố cũng tổ chức dọn rác nhưng tình hình không cải thiện. Hai bên đường sắt cỏ mọc đầy, thành ra một số người dân chưa có ý thức toàn ném rác thải ra đây. Quần áo thì phơi dọc bờ rào đường ray, nhìn lộn xộn vô cùng. Từ trước đến giờ cũng vận động đủ kiểu, tuy nhiên, được một thời gian lại đâu vào đó. Lúc trước cũng có trồng cây nhưng không tính toán kỹ nên chưa hiệu quả. Giờ thì mọi chuyện tốt hơn rồi”.
Đường sắt thì hai bên toàn sỏi đá, muốn trồng cây sống lâu, tươi tốt phải biết cách chọn loại phù hợp. Kỹ thuật chăm sóc, tỉa cành cũng cần bảo đảm hai yếu tố đẹp và an toàn. Với mô hình mới này, người dân được hướng dẫn về kỹ thuật, chuyên môn để hỗ trợ địa phương chăm sóc mảng xanh dọc tuyến đường sắt. Sống sát đường sắt, không chỉ tự nguyện chăm sóc mảng xanh chung, ông Vũ Văn Đại còn trồng thêm cây xanh ngay trước nhà, vừa che mát, chắn bụi, vừa làm đẹp đoạn đường. Thấy ông Đại trồng nhiều cây, hàng xóm cũng góp vui, chẳng mấy chốc đoạn đường qua khu ông sinh sống rợp bóng mát cây xanh.
Ông Đại nói, trồng, chăm sóc và bón phân cho cây là một chuyện, bên cạnh đó phải tính toán sao cho đạt chuẩn chiều cao, cành lá tỉa tót gọn gàng. Từ ngày đoạn đường đẹp lên, nhiều người đi ngang hay dừng lại ngắm nghía rồi tấm tắc khen, ông Đại cùng xóm giềng vui lắm. Bao công sức tưới nước, chăm cây, vệ sinh đường sá mỗi ngày được đền đáp bằng một tuyến đường xanh sạch, nên thơ. “Ai cũng coi phần đất trước nhà là vườn hoa của gia đình nên chăm kỹ lắm, cây cối nhờ vậy tốt tươi. Đường sạch và đẹp, vậy nên ai nhìn thấy rác cũng tự nhặt hoặc treo gọn, dần dần thành nếp. Giờ khác trước nhiều lắm. Hồi đó ai đi ngang cũng chạy nhanh, giờ thì tập trung ra đây hóng gió, trò chuyện, thể dục... Tôi thấy đây là mô hình cần nhân rộng để tạo thêm nhiều mảng xanh cho thành phố. Nhưng muốn làm tốt phải đẩy mạnh công tác vận động những gia đình ở ngay đường tàu tích cực tham gia. Không ai chăm sóc cây trồng khu đường sắt tốt bằng chính người dân sống tại đây”, ông Đại chia sẻ.
Nhà ở khu phố 2, phường 11, quận Phú Nhuận, không giáp đường sắt nhưng nghe địa phương phát động phong trào dọn dẹp vệ sinh đường ray, hỗ trợ chăm cây cảnh, bà Lê Thị Thu Hiền liền rủ bạn bè, chòm xóm tham gia. Công việc cũng đơn giản, chỉ cùng nhau đi tổng vệ sinh đường sắt, gom rác theo lịch định kỳ. Ai có thêm thời gian rảnh thì phụ tưới nước, tỉa cành, bón phân. Giai đoạn trước, cũng như nhiều người dân khác, mỗi khi đi ngang đoạn đường sắt này, bà Hiền đều vội vàng vì nhìn đâu cũng thấy rác thải. Bữa nghe tin địa phương tổ chức xây mấy cái bồn hoa bằng gạch dọc tuyến đường ray, bà tò mò ra xem.
Mới mấy tháng, vậy mà nhờ bàn tay chăm sóc của mọi người, đám tường vi giờ tươi tốt, nở thêm bông, đẹp lắm. Thi thoảng, khi không có lịch tàu qua, bà Hiền cùng bạn bè hay nán lại, trò chuyện và chụp mấy tấm hình rồi so sánh với tháng trước xem cây lớn thế nào. Chỉ cần phát hiện cụm hoa mới hay nhà ai vừa trồng thêm cây gì, bà Hiền đã thấy vui. Niềm vui lớn lên từng ngày từ những điều giản đơn như thế. Chăm một cái cây, dọn một chút rác hay tỉa vài cành lá, người dân cùng nhau làm đẹp phố phường. Bà Hiền nói, nếu cả đường sắt đều “nở hoa” thì đẹp phải biết. Khi đó, chẳng ai nỡ đổ rác, bày bừa ở đường ray.