Dự án lưu giữ lịch sử Nigeria

Lịch sử của Nigeria kể từ khi giành được độc lập vào năm 1960 sẽ được kể lại chi tiết cho các thế hệ trẻ bằng một dự án lưu trữ đầy tham vọng của công ty phi lợi nhuận có tên Archivi.ng.
0:00 / 0:00
0:00
Văn phòng của Archivi.ng ở Lagos. Ảnh: THE GUARDIAN
Văn phòng của Archivi.ng ở Lagos. Ảnh: THE GUARDIAN

Trong trụ sở văn phòng công ty ở Lekki, một vùng ngoại ô giàu có của Lagos (Nigeria), Boyega Adediran - nhân viên của Archivi.ng, thận trọng mở tờ báo PM News năm 1997 đã ố vàng và nhẹ nhàng đặt nó lên chiếc máy scan màn hình phẳng lớn. Tờ báo được phát hành bản đầu tiên vào năm 1994 nhưng đã ngừng in năm 2015. Bản quét các trang báo cũ được lưu vào máy chủ hiện chứa hơn 50.000 trang sẽ trở thành kho lưu trữ báo kỹ thuật số tương tác đầu tiên của Nigeria.

Theo The Guardian, Archivi.ng đang cố gắng số hóa mọi ấn bản của các tờ báo được xuất bản ở Nigeria kể từ ngày 1/1/1960, thời điểm nước này giành độc lập từ tay thực dân Anh. Hàng chục tình nguyện viên đã dành nhiều tháng lùng sục nhiều thư viện và gặp gỡ các nhà xuất bản để lấy bản sao những bài báo cũ.

Fu’ad Lawal, người sáng lập Archivi.ng, đã nảy ra ý tưởng số hóa lịch sử của Nigeria thông qua các tờ báo vào tháng 8/2019. Ngay khi công bố ý định này trên trang Twitter cá nhân, Lawal đã nhận được sự tán đồng của đông đảo công chúng. Lawal cho biết: “Trên mạng có rất ít tài liệu chi tiết về lịch sử Nigeria trong hơn 60 năm qua. Kho lưu trữ lớn nhất về lịch sử đó là những tờ báo cũ. Tuy nhiên, những tờ báo về lịch sử của chúng ta đang mục nát trong các thư viện và kho lưu trữ tư nhân và nhiệm vụ của chúng ta là ngăn chặn việc xóa bỏ và lưu giữ chúng trước khi chúng ta mất chúng mãi mãi”.

Bà Allegra Ayida, TS ngành Lịch sử người Nigeria tại Trường đại học Yale (Mỹ), đánh giá tích cực về ý tưởng số hóa lịch sử của Archivi.ng. “Dự án thú vị này giúp người dân có thể dễ dàng tiếp cận với khối lượng lớn thông tin lịch sử. Có một kho lưu trữ báo chí kể từ khi độc lập sẽ cho phép truy cứu lịch sử Nigeria trong suốt 60 năm, dưới thời 15 nhà lãnh đạo khác nhau, năm cuộc đảo chính quân sự, một cuộc nội chiến, một cuộc bầu cử bị bãi bỏ, một chính quyền lâm thời và một chế độ độc tài tàn bạo”, bà Ayida chia sẻ.

Kể từ khi Nigeria giành được độc lập, môn lịch sử đã nhiều lần bị xóa bỏ rồi lại được đưa lại vào chương trình giảng dạy ở trường học. Năm 2009, dưới thời cựu Tổng thống Yar’Adua, lịch sử đã bị loại khỏi chương trình giảng dạy, với lý do “không có đủ giáo viên”. Năm 2022, Tổng thống khi đó là Muhammadu Buhari lại đưa lịch sử trở thành môn học bắt buộc trong quá trình giảng dạy.

Lawal đã rất ngạc nhiên trước mức độ chi tiết về lịch sử được đăng tải trên các tờ báo cũ: “Đó là một chuỗi các sự kiện theo thời đại. Lịch sử ẩn chứa nhiều chi tiết nhỏ của thời kỳ đó mà chúng ta không biết rằng, chúng định hình nên hiện tại của chúng ta”. Vì vậy, việc lưu giữ lại lịch sử và số hóa chúng là cần thiết đối với người dân Nigeria, đặc biệt là thế hệ trẻ, để họ hiểu được những gì mà lớp người đi trước đã trải qua trong suốt hàng thập kỷ kể từ những năm 60 của thế kỷ trước.

Trước khi có lệnh phong tỏa do đại dịch Covid-19 năm 2020, các nhà nghiên cứu tình nguyện của Archivi.ng đã xác định được 97% số tờ báo cần thiết để số hóa. Hiện, Archivi.ng đã quyên góp được 15.000 USD cho kho lưu trữ, song người đứng đầu dự án cho biết, công ty này cần nhiều kinh phí hơn nữa để có thể hoàn thành dự án.

Dù vậy, theo Lawal, thách thức lớn nhất của Archivi.ng không đến từ tài chính mà là việc điều chỉnh luật sở hữu trí tuệ của Nigeria, trong đó phân loại báo chí là “tác phẩm văn học”, nghĩa là việc sao chép dưới bất kỳ hình thức nào đều cần có sự cho phép của nhà xuất bản. Trong bối cảnh nhiều tờ báo đã ngừng hoạt động xuất bản thì điều này là khá khó khăn. Do đó, Lawal và các cộng sự đang tiến hành từng bước nhằm giải quyết vấn đề này.