Dòng sông bất tận

Mùa hè năm 1975, khi Pink Floyd - một trong những ban nhạc rock nổi tiếng - đang thu âm tuyệt phẩm Shine On You Crazy Diamond tại phòng thu Abbey Road, một người đàn ông lạ mặt bước vào. Ông ta bụng phệ, đầu trọc, không có lông mày và mang gương mặt ngơ ngác. Phải một lúc sau, bốn thành viên khi đó của Pink Floyd mới nhận ra đó là Sít Ba-rét (Syd Barrett) - người thủ lĩnh tinh thần của họ.

Dòng sông bất tận

"Không bao giờ là Syd khi ở nhà!"

Mặc dù ca khúc Shine On You Crazy Diamond (tạm dịch: Tỏa sáng trên anh, mảnh kim cương điên dại), cũng như cả album Wish You Were Here (Ước rằng anh đang ở đây) là để nhớ về Syd, thì việc các thành viên không thể lập tức nhận ra cựu thủ lĩnh không phải là quá đáng. Anh đã thay đổi quá nhiều trong một thời gian chưa phải là dài.

Thành lập năm 1965, Pink Floyd gồm các thành viên: David Gilmour, Nick Mason, Richard Wright (tham gia từ 1965-1994); Roger Waters (1965-1985); Syd Barrett (1965-1968) và Bob Klose (chỉ tham gia năm 1965). Tuy trải qua nhiều biến cố về nhân sự, âm nhạc của Pink Floyd vẫn luôn giữ được sự kỳ ảo riêng biệt. Tính đến năm 2013, họ đã bán được 250 triệu đĩa nhạc trên toàn thế giới.

Sau chặng đường ngắn đi cùng Pink Floyd, Syd lang thang một mình trên con đường âm nhạc. Năm 1978, anh quyết định trở về sống với mẹ tại Kem-bri-giơ (Cambridge). Đó vẫn là căn nhà số 183 đường Những ngọn đồi (Hills Road), nơi mà nhiều năm trước có cậu bạn Rô-giơ Oa-tơ (Roger Waters, thủ lĩnh khi đó của Pink Floyd) sống ở ngay góc phố và Đê-vít Gin-mua (David Gilmour, thủ lĩnh hiện tại của Pink Floyd) sáng sáng chạy tới học ở trường học phía bên kia đường.

Bây giờ, ở đó không còn ai, thậm chí không còn cả Syd nữa. Vào năm 1978 thì ở đó chỉ có Rô-giơ Ba-rét (Roger Barrett). Trở về nhà, Barrett đã từ bỏ nghệ danh của mình. Nếu ngoài phố có ai gọi "Syd", anh không trả lời. Người hâm mộ và giới truyền thông ngày đêm đổ xô về đường Hills để tiếp cận anh, nhưng anh chỉ im lặng. Mọi người đều cho đó là sự suy tàn của một ngôi sao vụt sáng và bày tỏ lòng thương xót đối với anh. Chỉ có gia đình Barrett là hiểu rằng, chỉ đơn giản là anh đang quay về sống đúng với con người của mình.

Lịch lưu diễn liên miên cũng như những góc khuất của sự nổi tiếng khiến anh mệt mỏi. Anh chỉ muốn là Roger, bề ngoài chỉnh tề, thong thả đạp xe tới siêu thị mỗi sáng. Anh tiếp tục đam mê lớn nhất của mình là hội họa. Anh chăm sóc khu vườn, nghe nhạc Jazz, vui đùa với lũ trẻ hàng xóm. Anh không bao giờ nhắc tới Pink Floyd và ngạc nhiên không hiểu tại sao nhiều người lại quan tâm quá mức tới mình như vậy.

Chỉ có một khác biệt duy nhất giữa Roger ấy và cậu bé Roger ngày nào, là việc anh trở nên khép kín hơn. Bác sĩ cho rằng anh không bình thường, nhưng không phải là một dạng bệnh tật.

Không thể thay thế

Dù chỉ ở Pink Floyd bốn năm, nhưng ảnh hưởng của Syd Barrett bao trùm toàn bộ sự nghiệp của ban nhạc rock vĩ đại này. Thậm chí, trên các diễn đàn khắp thế giới, có những thính giả trung thành của Pink Floyd khẳng định rằng: Roger Waters hay David Gilmour đã rất cố gắng để vượt thoát khỏi cái bóng lồng lộng của anh, nhưng đều đã thất bại.

Syd đã đặt nền móng cho những khám phá âm thanh khác thường, được đặt một cách tinh tế bên cạnh từng đoạn nhạc. Những âm thanh hiện thực ấy khiến hiệu ứng của những bức tranh mà Pink Floyd vẽ lên bằng âm nhạc trở nên chân thực đến rợn người. Tiếng cú kêu trong bản Những tiếng vọng (Echoes), tiếng máy bay ném bom, tiếng người la thét hay những tiếng đập phá trong album kiệt xuất Những bức tường (The Walls)... là những điều còn hằn sâu hơn cả từng giọt đàn, hay những lời hát thủ thỉ như cầu nguyện.

Không, Pink Floyd không sở hữu một giọng ca phi phàm, như Phrét-đi Méc-cu-ry (Freddie Mercury) của ban nhạc đồng hương Queen, cũng không có một tay đàn cự phách kiểu guitar-hero quen thuộc của nhiều ban nhạc rock khác. Những sáng tác của họ không đa dạng như The Beatles, hay giàu sức bùng nổ như rất nhiều nhóm lừng lẫy sau này. Nhưng, rất nhiều lứa đàn em, đặc biệt là các ban nhạc thuộc dòng progressive rockhay art rockhiện đại đã phải cố gắng mô phỏng họ, để rồi thất bại. Không ai có thể diễn tả nỗi chán chường, sự bức bối, niềm tuyệt vọng và cả lòng căm giận giàu ám ảnh đến thế, day dứt đến thế, trong một cảm giác tan chảy ngập ngụa từ trong ra ngoài như thế.

Tính triết lý tỏa ra từ tư tưởng của Syd Barrett mang đến cho âm nhạc của Pink Floyd diện mạo ấy, và nó trở thành mặc định, thành duy nhất, thành không thể bắt chước, cũng không thể thay đổi. Album đầu tiên, khi Syd đóng vai trò thủ lĩnh, xoay quanh những băn khoăn về vấn đề "các lý trí khác" (other minds). Sau khi Syd rời khỏi nhóm, chính anh trở thành chủ đề cho nhiều album của Pink Floyd. Trong đó, đặc biệt phải nhắc tới The Dark Side of the Moon (Phía tối của Mặt trăng) - album đỉnh cao được thế giới xếp hạng "năm sao", thuộc dạng siêu phẩm "vượt không gian - thời gian". Siêu phẩm này từng trụ lại trên bảng xếp hạng Billboard 741 tuần, từ năm 1973 tới 1988 (gần 15 năm).

Dòng sông bất tận ảnh 1

Dòng sông bất tận

Syd Barrett, tên khai sinh là Roger Keith Barrett, sinh ngày 6-1-1946 tại Cambridge, Anh. Năm 1961, cha anh qua đời vì ung thư. Người mẹ, để xoa dịu nỗi đau mất cha của chàng trai 15 tuổi, đã khuyến khích Syd tham gia các hoạt động âm nhạc. Năm 1965, Syd gia nhập Pink Floyd, đem theo cả những nỗi niềm u uẩn trong sâu thẳm. Syd nhanh chóng nắm quyền thủ lĩnh, xây dựng cho Pink Floyd một đế chế Psychedelic rock (rock ảo giác) riêng biệt.

Thời kỳ đầu, có nơi còn từ chối trả tiền diễn cho Pink Floyd vì cho rằng "những âm thanh quái dị, dài lê thê không giống ai đó không phải là âm nhạc". Nhưng Syd, cùng Pink Floyd, đã nhanh chóng chứng minh rằng họ là những người tiên phong. Năm 1967, album đầu tay The Piper at the Gates of Dawn đã tạo tiếng vang lớn: Đứng vị trí thứ sáu trong bảng xếp hạng Anh, và sau này lọt vào danh sách "500 album vĩ đại nhất mọi thời đại" do tạp chí Rolling Stone bình chọn. Vào thời kỳ này, Syd là người sáng tác chính. Tuy nhiên, sau những chuyến lưu diễn dài, Syd trở nên mụ mẫm. Người ta phải xốc anh lên sân khấu. Anh đi lại như kẻ mất trí trên đó. Mùa xuân năm 1968, chiếc xe Pink Floyd không dừng lại đón Syd nữa. Nhưng, Pink Floyd vẫn tiếp tục với thứ âm nhạc mang dấu ấn của anh.

Sau 20 năm im lặng, ngày 10-11 tới, Pink Floyd sẽ phát hành album phòng thu thứ 15 của mình, mang tên The Endless River (Dòng sông bất tận), và được ví von như một kiểu "Dark Side Of Pink Floyd". Trong đoạn demo 30 giây của nó, bất cứ ai cũng có thể dễ dàng nhận ra "chất Pink Floyd" đậm đặc, như ngày còn Syd.

Syd đã qua đời do ung thư tuyến tụy năm 2006. Năm 2008, một quỹ mang tên anh được thành lập, để hỗ trợ cho những nghệ sĩ "không bình thường".