Đồng quản lý để bảo vệ thủy sản

Biển miền trung có vùng thềm lục địa, ngư trường đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản rộng lớn với nhiều khu bảo tồn biển có giá trị. Tuy nhiên hệ sinh thái biển nơi đây đứng trước nhiều nguy cơ đe dọa và rủi ro từ các hoạt động của con người.
0:00 / 0:00
0:00
Theo dõi tàu đánh bắt hải sản tại Chi cục Hải sản tỉnh Bình Định. Ảnh: NAM HẢI
Theo dõi tàu đánh bắt hải sản tại Chi cục Hải sản tỉnh Bình Định. Ảnh: NAM HẢI

Chú trọng phát triển thủy sản xanh

Theo báo cáo tại Hội thảo “Bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên”, miền Trung có 14 tỉnh, thành phố giáp biển với bờ biển, chiếm hơn 55% bờ biển của cả nước. Đây là khu vực tập trung nhiều khu kinh tế ven biển quan trọng, có nhiều bãi biển, vùng biển và đảo đẹp cùng hệ sinh thái đa dạng tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế biển, du lịch, giao thông vận tải. Biển miền Trung cũng là chỗ dựa sinh kế quan trọng cho khoảng 20 triệu người dân, góp phần quan trọng vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho cộng đồng ngư dân, bảo đảm an ninh lương thực, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Tuy nhiên, hệ sinh thái biển miền Trung đang bị đe dọa từ các hoạt động phát triển của con người như khai thác bằng các ngư cụ trái phép, ô nhiễm môi trường trong nuôi trồng thủy sản, tác động do đô thị hóa nhanh, khai thác vùng ven bờ quá mức. Việc bảo tồn đa dạng sinh học biển khu vực này còn nhiều hạn chế, đối diện với nhiều khó khăn và thách thức.

Bà Bùi Thị Thu Hiền, Quản lý chương trình Biển và Vùng bờ - Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tại Việt Nam cho biết, thế giới đã mất 14% diện tích rạn san hô kể từ năm 2009 và với áp lực ngày càng tăng từ biến đổi khí hậu, rạn san hô đang phải đối mặt với sự suy giảm ngày càng tăng. Việt Nam là một trong 168 bên tham gia Công ước đa dạng sinh học (CBD). Tại Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia CBD đã thông qua Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal (GBF), trong đó có mục tiêu 30x30 vào năm 2030. Cụ thể, 30% diện tích đất liền và biển được bảo tồn thông qua việc thành lập các khu bảo tồn và các biện pháp bảo tồn hiệu quả khác ngoài khu bảo tồn. Để đảo ngược quỹ đạo đi xuống này cần phải tăng tốc các nguồn lực và hành động ở cấp địa phương và toàn cầu.

Trước những cơ hội và thách thức, hội thảo đã tập trung vào giải pháp cho các vấn đề như chú trọng quy hoạch không gian phát triển biển dựa trên tiếp cận hệ sinh thái. Quan tâm nhiều hơn đến mục tiêu bảo vệ lãnh hải và chiến lược phát triển kinh tế biển, xem nông nghiệp - ngư nghiệp là một ngành kinh tế quan trọng. Kiên trì thực hiện đúng nguyên lý đối với các khu bảo tồn biển để phát triển kinh tế biển. Trong đó nhấn mạnh, phát triển thủy sản xanh là một xu thế tất yếu, vừa bảo đảm mục tiêu hiện đại hóa nền kinh tế, vừa phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phải cùng gánh trách nhiệm

Theo các chuyên gia, hướng đến phát triển ngành thủy sản xanh và bền vững cần dựa vào cộng đồng. Cùng với đó việc chia sẻ trách nhiệm quản lý trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa các bên nhằm quản lý, khai thác nguồn lợi thủy sản một cách có trách nhiệm, khôn khéo chính là phương thức đồng quản lý (ĐQL) trong bảo vệ, khai thác nguồn lợi thủy sản.

Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Trưởng phòng Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thuỷ sản, Cục Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết ĐQL trong khai thác, nuôi trồng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở đầm phá Tam Giang (Thừa Thiên Huế) là một trong những mô hình ĐQL có tính chất hệ thống đầu tiên và thành công ở nước ta. Ở đó không thành lập các tổ, nhóm hay câu lạc bộ của ngư dân mà là các Chi hội nghề cá thuộc Hội nghề cá tỉnh, trải dài trên các xã dọc 22 nghìn ha đầm phá. Các mô hình ĐQL bước đầu cho những kết quả nhất định như nhận thức của cộng đồng ngư dân về khai thác thủy sản bền vững, ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản, làm chủ tài nguyên, khả năng tự quản của cộng đồng được nâng cao, phương tiện khai thác hủy diệt giảm, nguồn lợi thủy sản từng bước phục hồi. Bài học rút ra để quản lý tài nguyên, nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái bền vững không chỉ trông chờ vào quản lý của Nhà nước mà phải dựa vào cộng đồng, trong đó quan trọng nhất là việc phân chia trách nhiệm, quyền lợi một cách bình đẳng, minh bạch giữa các bên. Năm 2024 cũng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định là năm tăng cường thực hiện ĐQL trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở Việt Nam, vì vậy hoạt động này đã và đang được các địa phương ven biển tích cực triển khai.

Triển khai Luật Thủy sản 2017, mô hình ĐQL đã được triển khai tại 7 tỉnh gồm Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận và Tuyên Quang. Theo đó, 19 tổ chức cộng đồng được công nhận và giao quyền tham gia ĐQL trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Riêng tỉnh Thừa Thiên Huế đã hình thành 22 chi hội nghề cá, tổ chức thực hiện ĐQL với 22 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở khu vực đầm phá và ven bờ.