1. LHP Việt Nam lần thứ 17 diễn ra tại TP Tuy Hòa - tỉnh Phú Yên từ ngày 15 - 17-12-2011. Ðây là lần đầu Phú Yên đăng cai tổ chức một sự kiện điện ảnh mang quy mô quốc gia. Lý do Phú Yên được "chọn mặt gửi vàng" bởi năm 2011 Phú Yên được chọn làm tỉnh đăng cai tổ chức Năm du lịch quốc gia duyên hải Nam Trung Bộ. Vậy là trên bản đồ Việt Nam đã có thêm một tỉnh đăng cai tổ chức LHP, lại thêm một lần LHP di dịch trên dải đất hình chữ S để làm công tác "mặt trận". Trong khi nhìn ra thế giới, những sự kiện điện ảnh lớn thường được tổ chức ở một thành phố cố định, trong một dịp nhất định trong năm. Ðơn cử như Giải Ô-xca thường được trao tại TP Lốt An-giơ-lét (Mỹ) hay LHP Can hơn 60 năm qua vẫn được tổ chức thường niên vào dịp tháng 5 tại TP Can nước Pháp... Việc tổ chức sự kiện điện ảnh tại một địa điểm và thời gian cố định trước hết là một định hình cần phải có để công chúng có thể nhớ đến sự kiện này dễ dàng và để LHP được tổ chức chuyên nghiệp hơn.
2. Lẽ dĩ nhiên, hạng mục giải thưởng được chú ý nhất tại các kỳ LHP Việt Nam chính là giải thưởng Bông sen Vàng dành cho thể loại phim truyện nhựa. Tại LHP lần này sẽ có 17 bộ phim truyện nhựa tham gia tranh giải. Con số 17 phim khớp với LHP lần thứ 17 có ý của Ban tổ chức, khi 16 phim đã trình chiếu, được thẩm định chờ bộ phim Mùi cỏ cháy gấp rút hoàn thiện để tròn 17 phim tranh tài. Ðược biết cho đến trước thời điểm chốt danh sách các phim dự thi ở các thể loại phim, Mùi cỏ cháy vẫn đang nằm trên bàn dựng, thực hiện các khâu hậu kỳ nhưng vẫn được đưa vào danh sách phim dự thi. Ðiều đó ít nhiều cho thấy, tiêu chí hay điều kiện một tác phẩm tham gia LHP Việt Nam vẫn thiếu tính chuyên nghiệp.
Với LHP Can - một trong những LHP quốc tế có uy tín hàng đầu hiện nay được tổ chức từ năm 1946, một bộ phim đủ tiêu chuẩn tham gia LHP này phải là phim mới được hoàn thành trong vòng một năm trước LHP và chỉ được chiếu ở nước sản xuất chứ chưa được tham gia một LHP quốc tế khác. Trong khi, nhiều bộ phim Việt Nam tham gia LHP lần thứ 17 như Cánh đồng bất tận, Long thành cầm giả ca... đã được trình chiếu, tham gia hàng loạt LHP khác rồi mới trở về "sân nhà". Việc xếp chung những bộ phim đã sản xuất, trình chiếu đã lâu trước đó với phim vừa mới ra lò tại LHP Việt Nam thật sự là một "khoảng trống" bất cập. Một phần vì khoảng 2, 3 năm chúng ta mới tổ chức một kỳ LHP, nhưng cũng cho thấy điều kiện phim dự thi của LHP Việt Nam vẫn còn thiếu tính chuyên nghiệp.
3. LHP không chỉ là một sự kiện văn hóa, lễ hội mà còn là dịp để các bộ phim mới "trình làng", là cơ hội gặp gỡ giữa những nhà sản xuất và phát hành phim "chào hàng", trao đổi các sản phẩm điện ảnh... Thế nên đa số các LHP ngày nay trên thế giới vẫn thường có Hội chợ phim được tổ chức như một hoạt động bên lề quan trọng. Phương thức này dường như vẫn là một điều xa lạ với các kỳ LHP Việt Nam, và LHP lần thứ 17 cũng không phải là một ngoại lệ.
4. Ðiện ảnh hay bất cứ lĩnh vực nghệ thuật nào muốn phát triển phải thu hút được công chúng. Sự đón nhận của công chúng là một phần để đánh giá sự thành công của sản phẩm điện ảnh. Trong khi các cuộc thi ca nhạc hiện nay luôn đồng hành hai hệ thống giải thưởng của ban giám khảo và giải thưởng do công chúng bình chọn, thì suốt mấy kỳ tổ chức gần đây, LHP Việt Nam vẫn chưa thực hiện được đều đặn Giải thưởng dành cho bộ phim được khán giả yêu thích nhất.