Phải thanh lý thiết bị để trả nợ ngân hàng
Trước năm 2020, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xây lắp Tiến Thịnh (trụ sở TP Hồ Chí Minh) lắp đặt thi công cho hàng chục công trình điện mặt trời lớn, nhỏ ở nhiều tỉnh, thành phía nam, với tổng doanh thu của công ty khoảng 10 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, doanh nghiệp này chỉ lắp đặt, thi công được một vài dự án điện mặt trời quy mô nhỏ ở các vùng chưa có hệ thống điện lưới. Doanh thu chỉ đạt khoảng vài trăm triệu đồng. Hàng trăm công nhân, kỹ sư lắp ráp điện mặt trời chuyển sang làm bảo trì, bảo hành cho các công trình đã lắp đặt trước đó.
“Doanh nghiệp đầu tư, phát triển điện mặt trời đang “khóc đứng khóc ngồi”, mòn mỏi chờ chính sách giá điện mặt trời mới. Nhiều doanh nghiệp hiện nay không lên lưới được buộc phải chuyển đổi kinh doanh theo hướng khác nhưng rất manh mún như sạc đầy các pin, ắc-quy lưu trữ dùng cho ban đêm, bán cho những nhà đò đi sông…”, ông Trịnh Ngọc Quyết Tiến, Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ xây lắp Tiến Thịnh cho biết.
Đáng chú ý, theo ông Tiến, nhiều doanh nghiệp phải thanh lý chính máy móc, thiết bị đã đầu tư lên tới hàng trăm tỷ đồng để có tiền trả nợ ngân hàng. “Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời đã hết hiệu lực; việc ngành điện các tỉnh ngưng tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu về đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện từ hệ thống điện mặt trời do người dân và doanh nghiệp lắp đặt sau ngày 31/1/2020.
Thêm vào đó, dịch Covid-19 bùng phát trong hai năm qua đã khiến các doanh nghiệp đầu tư, phát triển điện mặt trời, doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan”, ông Tiến cho hay.
Hồi tháng 3 vừa qua, một số doanh nghiệp đầu tư vào điện mặt trời tại Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đắk Lắk, Long An, Gia Lai cũng đã gửi thư lên Chính phủ và Bộ Công thương kiến nghị việc sớm ban hành cơ chế phát triển điện mặt trời và cho dự án đã có trong quy hoạch được tiếp tục triển khai với kế hoạch phát điện trong giai đoạn 2021-2025.
Các nhà đầu tư kiến nghị, tiếp tục thực hiện cơ chế phát triển điện mặt trời theo giá mua điện đã được Bộ Công thương đề xuất song song với việc hoàn thiện cơ chế và thí điểm việc đấu thầu, cũng như cần sớm ban hành cơ chế mới về điện mặt trời để khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam về sự an toàn, nhất quán và ổn định của môi trường đầu tư.
Không chỉ nhà đầu tư điện mặt trời kêu cứu, nhà đầu tư điện gió cũng đang “sống dở chết dở” vì đến nay chưa có hướng dẫn mới về cơ chế giá điện gió sau khi giá FIT hết hạn. Trong đơn kiến nghị lần 2 vừa được gửi tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương và các đơn vị liên quan, chủ đầu tư các dự án nhà máy điện gió Nhơn Hội, Nam Bình 1, Cầu Đất và Tân Tấn Nhật cho hay “dự án đang đứng trước nhiều khó khăn khi phải dừng hoạt động, doanh nghiệp rơi vào tình trạng bất ổn, nguy cơ phá sản cận kề”.
Cụ thể, cả bốn dự án điện gió này đều đã hoàn thành xây dựng, lắp đặt và có chứng nhận nghiệm thu hoàn thành công trình trước ngày 31/10/2021, có giấy phép hoạt động điện lực, đã hòa lưới trên hệ thống điện quốc gia và được ghi nhận trên dữ liệu điện tử của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Tuy nhiên, bốn nhà máy chưa được công nhận ngày vận hành thương mại (COD). Nguyên nhân là do diễn biến Covid-19 và thời tiết bất thường, nên chưa hoàn thành thử nghiệm trước khi được công nhận vận hành thương mại (COD).
Vì thế, từ ngày 1/11/2021 đến nay, các nhà máy đang phải dừng hoạt động, công tác bảo dưỡng không được thực hiện theo quy định của nhà sản xuất, gây hư hỏng thiết bị.
Ông Hoàng Giang, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV PE Việt Nam cho hay, không bán được điện sẽ không có đầu ra, như vậy không có tiền để trả ngân hàng. Còn nếu hạ giá thấp xuống, thấp hơn chi phí đầu tư doanh nghiệp sẽ lỗ. Đây là khó khăn mà chúng tôi đang gặp phải.
“Để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư điện gió và điện mặt trời, Chính phủ nên có sự quan tâm đến các nhà đầu tư đang đầu tư giữa chừng, giúp tháo gỡ khó khăn”, ông Giang nói.
Cần hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch
Trao đổi ý kiến với PV báo Thời Nay, ông Stuart Livesey, Giám đốc quốc gia COP tại Việt Nam, Tổng Giám đốc Dự án điện gió La Gàn cho biết, hiện nay, việc thiếu các quy định và chính sách rõ ràng là những trở ngại lớn cho sự phát triển của ngành năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió ngoài khơi, điện mặt trời tại Việt Nam.
“Chúng tôi khuyến khích và mong chờ Chính phủ nhanh chóng xây dựng một khuôn khổ pháp lý rõ ràng, minh bạch và một môi trường đầu tư thuận lợi hơn để lựa chọn và thu hút các nhà phát triển quốc tế giàu kinh nghiệm đến đầu tư và định hình thị trường ở giai đoạn đầu do đây là giai đoạn thường có nhiều rủi ro cao”, ông Stuart Livesey nói.
Theo ông Stuart Livesey, hiện nay, thị trường điện gió ở Việt Nam vẫn phải đối mặt với những thách thức về cơ sở hạ tầng, đòi hỏi phải nâng cấp hệ thống hiện có, thí dụ như công suất kết nối lưới điện và khả năng truyền tải sản lượng điện năng lớn trên khắp cả nước.
Chính phủ có thể xem xét đến việc tiếp cận mang tính hợp tác hơn bằng cách tham gia ngay từ giai đoạn sơ khởi và cho thấy sự bảo đảm hơn trong việc ban hành cơ chế, chính sách, lộ trình nâng cấp, các thỏa thuận thương mại để bảo đảm khung thời gian đã định ra, chia sẻ rủi ro và làm việc với các nhà phát triển có kinh nghiệm để hoàn thiện các lỗ hổng về pháp lý cũng như định hướng thị trường. Các công ty trong nước, các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan chính phủ có liên quan đều sẽ nhận thấy lợi ích to lớn khi tham gia phát triển ngành công nghiệp mới này.
Ngoài ra, trong một số trường hợp, các nhà phát triển có thể giúp đầu tư vào cơ sở hạ tầng cần thiết như lưới điện hoặc cảng để giúp đất nước phát triển, đồng thời điều này sẽ giúp nhà đầu tư giảm được rủi ro trong quá trình phát triển dự án.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn T&T cũng cho rằng, thách thức lớn nhất hiện nay là chính sách chưa rõ ràng. “Phải sau khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, Bộ Công thương mới tiếp tục xây dựng kế hoạch thực hiện nó, xác định quy mô công suất các dự án phân theo từng địa phương, tiếp đó mới đến công tác lựa chọn nhà đầu tư...
Khung chính sách, lộ trình xây dựng, cơ chế giá cho các dự án điện gió ngoài khơi đến nay chưa được chuẩn bị, thiếu các chỉ dẫn cụ thể và rõ ràng”, bà Bình nói và cho biết, thông thường một dự án điện gió ngoài khơi từ lúc chuẩn bị tới xây dựng, vận hành thương mại khoảng 6-9 năm, nhà đầu tư bỏ ra hàng tỷ USD nên sẽ là rủi ro lớn nếu cơ chế không rõ ràng.
“Quốc hội sẽ giám sát chặt chẽ”
“Những khó khăn của doanh nghiệp điện mặt trời vì chưa có cơ chế giá mới, Quốc hội đã biết. Trong chương trình giám sát của năm 2023 sẽ có một chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát.
Chúng tôi biết rất nhiều doanh nghiệp bức xúc vì phải ngóng cơ chế giá điện mặt trời mới. Chắc chắn chúng tôi sẽ có những chương trình làm việc rất kỹ để đánh giá toàn diện vấn đề này. Trên cơ sở đó sẽ kiến nghị Chính phủ để có những giải pháp căn cơ”, ông Trần Văn Khải, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết.