Doanh nghiệp đang cần hỗ trợ

Theo nhận định của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), doanh nghiệp đang trải qua bối cảnh đặc biệt khó khăn. Trong khi, dự báo kinh tế Việt Nam tiếp tục chịu áp lực lớn vào những tháng cuối năm, trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục đối diện với tình trạng lạm phát cao kéo dài.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Ảnh: NGUYỆT ANH
Nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Ảnh: NGUYỆT ANH

Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn

Ông Trần Tuấn Đại, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghiệp Á Mỹ (AMY GRUPO) thừa nhận rằng, đang cảm nhận được sức ép rất lớn từ gạch ốp lát Ấn Độ: Mọi nơi, mọi ngõ ngách đều có hàng Ấn Độ. Họ cử người đi bán rong, mời chào ở từng cửa hàng. Ngày xưa nói giá hàng Trung Quốc đã sợ rồi mà nay hàng Ấn Độ nhiều chủng loại còn rẻ hơn. Năm ngoái gạch ốp lát Ấn Độ nhập vào Việt Nam tăng 240% và dự kiến năm nay tăng vài lần. Họ sang chào trực tiếp cửa hàng ở các tỉnh nên hàng Ấn Độ được nhập ồ ạt vào Việt Nam.

“Ngành xây dựng đang khó khăn nên tổng cầu từ năm 2022 đến nay suy giảm. Cộng hưởng với hàng nhập khẩu từ Ấn Độ nên nhiều doanh nghiệp trong nước chỉ chạy 50% công suất”, ông Đại chia sẻ.

Với ngành dệt may, doanh thu toàn ngành dệt may trong quý I/2023 giảm hơn 18,6%. Lũy kế bốn tháng năm 2023, xuất khẩu dệt may cả nước đạt khoảng 11,7 tỷ USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước (trị giá tuyệt đối giảm gần ba tỷ USD). Như vậy, kể từ quý IV/2022, xuất khẩu dệt may liên tiếp tăng trưởng âm.

Ông Nguyễn Đức Thăng, Giám đốc điều hành Tổng công ty may Đáp Cầu (doanh nghiệp xuất khẩu hàng đi Mỹ và EU) bày tỏ, doanh số của đơn vị chỉ bằng một phần ba tháng bình thường trước đây. Trong khi đó, có những yêu cầu đặt hàng cho các sản phẩm sử dụng nguyên liệu tái tạo, hoặc phát triển mô hình sản xuất tuần hoàn,… và điều này đang là bài toán khó với doanh nghiệp. Bởi lẽ, việc sử dụng nguyên liệu tái tạo là vấn đề giờ mới đang nghiên cứu.

Báo cáo của Ban IV cho thấy, kết quả khảo sát trực tuyến vào cuối tháng 4/2023 để đánh giá bức tranh hiện trạng cùng các triển vọng kinh tế nửa cuối năm 2023 từ góc nhìn doanh nghiệp cho thấy doanh nghiệp đang trải qua bối cảnh đặc biệt khó khăn.

Trong tổng số 9.556 doanh nghiệp tham gia khảo sát, có 82,3% dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2023. Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến ngừng kinh doanh, chờ giải thể là 10,9%; dự kiến tạm ngừng kinh doanh là 12,4%; dự kiến giảm mạnh quy mô là 38,5% và 20,5% dự kiến giảm nhẹ quy mô.

Trong số các doanh nghiệp còn hoạt động năm 2023, có 71,2% dự kiến giảm quy mô lao động hơn 5%, trong đó có 22,2% dự kiến giảm hơn 50%. Có 80,7% số doanh nghiệp dự kiến giảm doanh thu hơn 5%, trong đó tỷ lệ giảm hơn 50% doanh thu là 29,4%.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy niềm tin của doanh nghiệp đối với kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành trong bối cảnh này khá thấp. Cụ thể, 81,4% số doanh nghiệp được khảo sát có đánh giá tiêu cực về triển vọng. Các đánh giá tích cực chỉ chiếm 4,2% số doanh nghiệp được khảo sát.

Theo báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT): Trong 5 tháng đầu năm 2023 có 88.040 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2022. Tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực kinh doanh bất động sản (tăng 47,1%); y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (tăng 42%); dịch vụ lưu trú và ăn uống (tăng 32,8%); vận tải kho bãi (tăng 28,6%); xây dựng (tăng 25,5%),…

Số liệu về tình hình đăng ký doanh nghiệp cho thấy kinh doanh bất động sản tiếp tục là lĩnh vực chịu áp lực và ảnh hưởng nặng nề nhất khi số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản rút lui khỏi thị trường có xu hướng tăng mạnh trong năm 2022 (tăng 42,4% so với năm 2021) và trong 5 tháng đầu năm 2023 (tăng 47,1% so với cùng kỳ năm 2022).

Dẫn số liệu từ Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Bộ này cũng lưu ý, hiện có tình trạng lao động bị giãn việc, giảm giờ làm, mất việc làm do doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, thu hẹp sản xuất. Cụ thể, số lao động nghỉ giãn việc quý I/2023 là gần 294.000 người, phần lớn ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm hơn 83%), tập trung chủ yếu ở ngành da giày (hơn 44%), dệt may (gần 19%). Số lao động mất việc là 149.000 người, tăng 39.000 người so với quý trước, tập trung hầu hết ở ngành dệt may (hơn 19%); da giày (hơn 18%), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử (17%); tập trung ở một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp - KCN, khu chế xuất - KCX (Đồng Nai khoảng gần 32.600 người; Bình Dương: gần 21.700 người; Bắc Ninh: 14.000 người, Bắc Giang: khoảng 7.700 người...).

Cần một số giải pháp

Bộ KH&ĐT dự báo, kinh tế thế giới quý II/2023 có triển vọng tích cực hơn so với quý I/2023 do khả năng phục hồi tốt ở các nền kinh tế phát triển. Một số tổ chức quốc tế đã điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng GDP thực tế quý II/2023 của hầu hết các nền kinh tế chủ chốt, ngoại trừ Nhật Bản, Canada và Hàn Quốc. Động lực chủ yếu là do mức chi tiêu và việc làm được duy trì nhờ tiết kiệm dư thừa thời kỳ đại dịch và mức cung lao động thấp, từ đó giảm rủi ro về suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, lạm phát cao kéo dài và chi phí vốn tăng sẽ gia tăng áp lực lên người tiêu dùng và doanh nghiệp, từ đó, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng cả năm 2023 (dự báo ở mức khoảng 2,5%).

Bởi vậy, áp lực vẫn rất lớn đối với kinh tế Việt Nam. Do đó, theo Bộ KH&ĐT, giải pháp trong thời gian tới là tập trung theo dõi chặt chẽ tình hình lao động, việc làm; kịp thời xử lý, giải quyết các vấn đề phát sinh (lao động bị mất việc, giãn việc, nghỉ việc, nhất là trong các ngành sử dụng nhiều lao động, tại các địa phương tập trung nhiều KCN, KCX để có phương án hỗ trợ kịp thời, hiệu quả trong trường hợp cần thiết. Tăng cường kết nối cung cầu lao động trong nước và thị trường lao động quốc tế. Thường xuyên rà soát, nắm tình hình lao động, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp; thường xuyên kết nối giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, giữa các địa phương để kịp thời cung ứng lao động theo nhu cầu của doanh nghiệp. Tiếp tục khắc phục tình trạng thiếu lao động cục bộ ở một số ngành nghề, thiếu lao động có trình độ kỹ năng nghề.

Ngoài ra, cần thực hiện tốt, kịp thời chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tiền lương; tổ chức theo dõi sát, ổn định tình hình quan hệ lao động. Ưu tiên nguồn lực xây dựng hạ tầng phục vụ nhu cầu an sinh xã hội cho người lao động (như các thiết chế nhà ở, văn hóa, y tế, giáo dục…).

Với giải pháp cụ thể, PGS, TS Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và kinh tế quốc tế cho rằng, cần hỗ trợ gấp cho doanh nghiệp khi tình trạng bán tháo tài sản đã được Bộ trưởng KH&ĐT cảnh báo. Ông phân tích: Nhiều tài sản của doanh nghiệp đã bị thế chấp để vay ngân hàng, trong khi, lãi vay ngân hàng đang cao... tạo thêm gánh nặng cho DN.

Vì thế, PGS, TS Nguyễn Thường Lạng kiến nghị, ngân hàng tiếp tục giảm mạnh lãi suất cho vay để doanh nghiệp có cơ hội sáng tạo, phục hồi. Mức lãi suất cho vay nên giảm xuống bằng hoặc thấp hơn mức trước khi tăng.

Ban IV cũng đưa ra một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, như: Giảm thuế VAT 2% đến 2025, giảm mạnh lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội, cho phép ngân hàng thương mại trong nước được mua lại các trái phiếu sắp tới hạn và xử lý như một dạng tín dụng đặc biệt, gỡ khó hoàn thuế VAT...