Nhưng, còn một ký ức sông Hàn khác trong trí nhớ của nhiều người sống theo dòng nước, ở đó họ chài lưới, ở đó xóm tạm, ở đó phận người theo phà qua sông để bán hàng rong kiếm sống.
Bài học tiếng Anh giúp tôi nhớ về mình...
Trong lớp học tiếng Anh cho người đi làm, bạn Trần Thị Sang khoe với chúng tôi: “Muốn nghe tiếng Huế nhiều nhất ở thành phố Đà Nẵng thì không ở mô bằng dưới gầm cầu Thuận Phước, nơi cửa sông Hàn. Ở đó, không những chỉ có tiếng Huế mà còn có tiếng Đà Nẵng - Huế, tiếng Anh - Huế... ”.
Sang cười, chữa thẹn vì người nước ngoài nào xuống thuyền đánh cá để mà “hê-lô-thanh kiều”! Sang chỉ vào chính cô, thanh minh rằng cô giáo dạy tiếng Anh chê Sang nói tiếng Anh kiểu... Huế. Và Sang công nhận điều đó.
Sang đã bước sang tuổi 47, quyết tâm đi học tiếng Anh để sau này đường đời thuận buồm theo hoạch định, cô sẽ qua nước ngoài thăm con cái, đi mua sắm… mà không cần phải nói vào điện thoại thông minh qua công cụ dịch.
Lớp ngoại ngữ, toàn người lớn tuổi học không những khi trong phát âm mà nhớ từ mới cũng cực nhọc.
Sang kể tiếp câu chuyện của mình: “Khi học tiếng Anh, cô giáo căn dặn phải ngó trước ngó sau, vặn vẹo mình về từ ngữ liên quan hình ảnh, mình mới khắc ghi được nó trong đầu”.
“Thí dụ trong căn nhà có phòng khách, phòng tắm, phòng vệ sinh, phòng ngủ, bếp nấu, sân, vườn... bằng tiếng Anh. Tôi nhớ lại toàn bộ quá khứ tuổi thơ của mình sống trên chiếc thuyền đánh cá rộng khoảng hơn chiếc chiếu một”.
“Cần phải nhớ, bắt buộc phải nhớ cũng là lúc quá khứ sống trôi, sống tạm, sống qua ngày trên chiếc thuyền thuở bé, hiện về. Trên chiếc thuyền đó không có chi riêng cả. Và mọi chuyện sinh hoạt tế nhị trong gia đình giống như một quy ước: làm ngơ”!
“Rồi tôi có thêm em, em tôi lại có thêm em nữa... chiếc thuyền thêm tiếng trẻ thơ, thêm phần chật chội. Trong giấc ngủ của chị em tôi có ánh điện từ thành phố hắt xuống, tiếng nước vỗ bộp boạp mạn thuyền. Rồi ba tôi mua tre, cắm cọc, làm một cái nhà bên sông. Chúng tôi có nhà nhưng vẫn chưa có phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ và phòng tắm”.
“Tôi lớn lên ở đó, coi em, đợi ba má đi thả lưới. Những buổi học tạm học nhờ từ những lớp học từ thiện mở ra quanh xóm. Năm 1992, tôi 17 tuổi, tạm biệt ba mẹ và những đứa em, tôi lấy chồng. Chồng tôi mồ côi, bán hàng rong trên phà sông Hàn. Tôi quen ảnh cũng do mình đi bán hàng rong trên phà, kiếm chút lời giúp đỡ sinh hoạt cho gia đình”.
“Chồng tôi lúc đó đăng ký vào lớp học nấu ăn, được học từ thiện. Ước mơ của ảnh mở một hàng ăn nhỏ bên bờ biển. Nhưng để thực hiện nó cần có thêm một người... Vậy là chúng tôi thương nhau”.
“Cho đến bây giờ, tôi nghĩ, tôi đúng. Nếu tôi cũng lặp lại cuộc sống như mẹ tôi, lấy một người chồng đánh cá, đẻ con trên thuyền. Tôi không biết sẽ ra sao”- Sang bày tỏ.
“Nhờ chồng có nhà nhỏ, có đất để ở. Tôi đã bước ra khỏi mái nhà mà mọi thứ thải ra đều trút xuống sông. Nhưng nghĩ về ba mẹ, những đứa em, tôi mong em tôi đến lúc trưởng thành cũng có một cuộc sống khác”- Sang cho biết.
Cuộc lột xác của sông Hàn
Sông Hàn chỉ được người đôi bờ gọi tên tính từ cầu Tiên Sơn đổ xuống biển. Phía thượng lưu cầu Tiên Sơn, hai nhánh sông đưa nước vào sông Hàn được gọi tên: Cẩm Lệ, Đô Tỏa. Ngược nguồn hai nhánh sông này, dòng chảy quanh co, nhiều đoạn sông lại đổi theo tên làng, tên huyện. Trên huyện Đông Giang (Quảng Nam) có dòng sông Côn, huyện Tây Giang (Quảng Nam) có dòng A Vương... đây là những con sông thượng nguồn đưa nước về sông Hàn.
Năm 1997, thành phố chủ trương xóa bỏ toàn bộ nhà cắm cọc (nhà chồ) ven sông Hàn và vịnh Mân Quang, cấp đất cho dân tái định cư, xây quy đổi cho mỗi hộ nhà chồ bằng một căn nhà cấp 4. Nhiều người dân xóm chồ năm đó nửa tin, nửa ngờ, nửa lo lắng với câu hỏi kiếm sống cách chi đây.
Vũ Văn Hiếu, chồng của Sang, từng xuống thuyền trò chuyện với bố mẹ vợ về chuyện lên bờ sống. Ông Trần Văn Cư, bố vợ của Hiếu, cho rằng: “Tui chỉ biết làm có mỗi nghề này. Bố mẹ tui đánh cá. Bố mẹ vợ tui cũng đánh cá. Vợ chồng tui cũng chỉ biết đánh cá. Tui định cư, tui làm chi nuôi tui, nuôi con. Anh chị hạnh phúc cứ hưởng thụ hạnh phúc”.
Hình ảnh dãy nhà chồ ven bờ sông Hàn năm đó hiện còn lưu lại trong bảo tàng Đà Nẵng. Giải tỏa nhà chồ là giải tỏa hàng chục nghìn hộ dân lao động nghèo sống tạm, cọc cắm xuống nước, phên liếp vắt vẻo bên trên, bão tung nóc, nước lũ cuốn có thể kéo cọc với nhà trôi ra biển. Năm 2019, trong một cuộc triển lãm nhà chồ sông Hàn, nhiều người đã sống trong cảnh đó đến xem triển lãm với khóe mắt ầng ậng thương mình.
Sang kể tiếp: “Khi đó tôi mới sinh con thứ hai, còn kiêng cữ đi lại, nghe chồng nói về phản ứng của ba tôi, một cảm giác so sánh ở đâu đó lại hiện về. Ngày nhỏ, tôi nhìn thấy những đứa trẻ sống trên phố, được bố mẹ cho đi ăn sáng, đưa đón đi học, đi chơi. Còn chúng tôi, những đứa trẻ làng chài, không nấu cơm cũng phải ẵm em. Và đồ chơi là những chiếc thìa ngậm mồm, đũa gõ vào bát chén”.
“Cuộc sống dưới thuyền hay trong nhà chồ giống tổ chim. Vừa là chỗ ngủ, chỗ lớn lên, chỗ chơi, chỗ... đi vệ sinh. Tất cả tấp xuống dòng nước”.
“Ngày đó, vợ chồng tôi còn nghèo, tiếng nói của chúng tôi dù phải dù lành vẫn bị đè bẹp. Nằm trên giường ôm con mà nghĩ về những đứa em, về mẹ. Em tôi đứa đã biết đi bóc vỏ tôm, đứa biết làm cá thuê, đứa lấy vợ ở riêng cũng chỉ có mỗi một cái thuyền. Đây là cơ hội tốt mà sao ba tôi không nắm lấy” - Sang nói.
Dự án giải tỏa nhà chồ vẫn được tiến hành. Dù nhiều người Đà Nẵng thời ấy, mỗi buổi sáng ngồi uống cà-phê bên bờ sông Hàn, đọc báo, đều nghĩ nó khó quá, không biết thành phố có làm được không, có giúp được người dân xóm chồ lên bờ được không? Cả người dân xóm chồ cũng vậy, băn khoăn lên bờ có kiếm được việc làm không, có sống được không.
Sau năm năm nhìn lại, đó là một cuộc cải biến sông Hàn.
Hai mươi năm sau nhìn lại thì nhận ra rằng nó hoàn toàn đúng cho một bộ mặt thành phố.
Sông Hàn không những gọn gàng thoáng đẹp mà còn là điểm du lịch thủy nội địa đẳng cấp. Bên bờ sông Hàn hôm nay có làng châu Âu, nhiều sân khấu nghệ thuật cho bài chòi, ca múa nhạc, điểm bắn pháo hoa và công viên giải trí ven sông.
Nếu đi dạo bên bờ sông Hàn thuộc đường Như Nguyệt vào một buổi chiều, nếu thấy một người già tay bám vào lan-can hàng rào bờ sông, chân đu đưa. Hãy bắt chuyện với họ, dù họ nói tiếng Huế hay tiếng Đà Nẵng bạn sẽ có câu trả lời về hành trình thay đổi phận người, hành trình lột xác đôi bờ sông Hàn.
Đến Đà Nẵng, bạn nên thả hồn dọc bờ sông Hàn. Tại đây, khi triều xuống, bạn bắt gặp những người phụ nữ luống tuổi ngâm mình dưới nước mò nghêu, bắt hến. Dưới gầm cầu Thuận Phước, nhiều chiếc thuyền chài neo đậu khiến dòng nước trong xanh bớt cô đơn. Đây là những chiếc thuyền đánh cá của nhiều gia đình người Thừa Thiên Huế, họ đã được cấp đất làm nhà nhưng vẫn duy trì nghề cá lưới vặt.
Và không có gia đình nào mang con cái lên ở trên thuyền như những năm xưa.
Giống như chuyện của Sang, ba mẹ cô cũng không còn đi đánh cá. Các em của cô cũng tìm được công việc, có một cuộc sống riêng.
Hai đứa con của Sang du học và định cư ở nước ngoài. Và làng chài, xóm chồ bên cửa sông Hàn ngày ấy chỉ còn trong ký ức. Nay, bất cứ ai đứng bên sông Hàn, ít nhiều đều có cùng cảm xúc mãn nguyện, một cảm giác giải thoát.
Rất nhiều những câu hỏi thắc mắc rằng, cầu Hàn sẽ quay ra sao? Nhiều người lấy làm tiếc nuối vì chưa được xem điều đó mà đã phải chia tay... Đà Nẵng. Khi cầu Hàn quay, trụ giữa của cầu sẽ nâng cầu lên một bậc, tạo khoảng hẫng với hai đầu cầu. Cầu quay chậm. Hết giờ quay, nó lại hạ xuống và dòng người cùng xe cộ lại chạy trên cầu.