Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển ổn định

Sau hàng loạt vụ vi phạm xảy ra trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) khiến cơ quan quản lý tăng cường kiểm soát, xử phạt, mới đây nhiều doanh nghiệp đã phải điều chỉnh giảm đối với kế hoạch gọi vốn qua kênh phát hành trái phiếu.

Kênh huy động vốn qua thị trường trái phiếu giúp giảm bớt gánh nặng cho hệ thống ngân hàng. Ảnh: NAM ANH
Kênh huy động vốn qua thị trường trái phiếu giúp giảm bớt gánh nặng cho hệ thống ngân hàng. Ảnh: NAM ANH

Hủy phát hành, tất toán trái phiếu trước hạn

Ngày 14/6, Hội đồng quản trị Công ty CP Việt Tiên Sơn địa ốc (mã cổ phiếu: AAV) thông qua phương án hủy phát hành trái phiếu riêng lẻ đã được phê duyệt. Trước đó, ngày 11/5, HĐQT công ty này đã thông qua kế hoạch phát hành trái phiếu riêng lẻ trị giá 65 tỷ đồng, có kỳ hạn ba năm, nhằm bổ sung vốn cho dự án Khu dân cư phía Đông đường Yết Kiêu, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Mới đây, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP (Becamex IDC Corp, mã BCM) công bố đã hoàn thành kế hoạch mua lại trước hạn một phần lô trái phiếu mã số BCMH2123002, với quy mô mua lại 79 tỷ đồng trên tổng số quy mô 500 tỷ đồng đã phát hành. Đây là lô trái phiếu  được BCM phát hành hôm 11/6/2021, có thời hạn hai năm, đáo hạn ngày 11/6/2023.

Tập đoàn Gelex (mã GEX) vừa công bố kết quả mua lại hai lô trái phiếu, gồm mua lại toàn bộ lô 400 triệu trái phiếu phát hành ngày 15/4/2020 và mua lại 222,3 tỷ đồng trong tổng 300 tỷ đồng trái phiếu phát hành ngày 13/5/2020. Đây đều là trái phiếu có kỳ hạn ba năm nhưng đã được doanh nghiệp mua lại gần hết sau hơn hai năm phát hành, còn lại 77,7 tỷ đồng đăng ký mua nhưng chưa mua được. Trước đó, ngày 19/5, Gelex cũng đã mua lại trước hạn 300 tỷ đồng trái phiếu phát hành ngày 19/5/2021 (đáo hạn 19/5/2024); mua lại lô 500 tỷ đồng trái phiếu phát hành ngày 31/12/2021 (đáo hạn ngày 31/12/2024). Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn từ 19/5 đến 17/6, Gelex đã mua lại 1.422,3 tỷ đồng trái phiếu trước hạn.

Một loạt doanh nghiệp khác cũng vừa báo cáo hoàn tất mua lại trái phiếu trước hạn. Công ty Đầu tư Năm Bảy Bảy (mã NBB) vừa mua lại 50 tỷ đồng trái phiếu trong đợt phát hành tháng 6/2021, thời gian mua lại từ ngày 9/5 - 12/5/2022. Công ty CP Chứng khoán VIX (mã VIX) mua lại toàn bộ 300 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn ba năm, phát hành ngày 5/4/2021. Ngân hàng TMCP Phương Đông mua trước hạn toàn bộ lô trái phiếu 200 tỷ đồng vào ngày 12/5. Công ty Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) thương lượng thành công để thanh toán trước hạn gói trái phiếu 155 tỷ đồng vào ngày 18/5. Công ty CP An Phát Finance tất toán trước hạn toàn bộ 7 lô trái phiếu có tổng giá trị 570 tỷ đồng…

Theo một chuyên gia tài chính, việc doanh nghiệp hoãn phát hành trái phiếu, mua lại trái phiếu trước hạn là một chỉ báo tốt, có thể cho thấy doanh nghiệp đó đã cải thiện được nguồn vốn nên không cần phát hành trái phiếu nữa hoặc mua lại trái phiếu sớm hơn dự kiến. “Về bản chất, việc giảm tỷ lệ vay trái phiếu giúp doanh nghiệp tiết giảm được chi phí lãi vay cao (phổ biến ở mức lãi suất 9 - 14%/năm, cao gấp 1,5 - 2,5 lần lãi suất ngân hàng). Giảm vay trái phiếu cũng giúp bản báo cáo tài chính của doanh nghiệp đẹp hơn khi hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu nhỏ đi, là một trong những chỉ báo quan trọng đánh giá mức độ an toàn tài chính của doanh nghiệp mà nhà đầu tư cần quan tâm”, vị chuyên gia nói.

Trên thực tế, chi phí lãi vay đang trở thành gánh nặng đối với nhiều doanh nghiệp hiện nay. Thí dụ như Becamex IDC Corp. Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022 của BCM, tổng nợ vay của Tổng công ty tại thời điểm ngày 31/3/2022 là gần 15.753 tỷ đồng, trong đó 11.130 tỷ đồng (tương ứng 71% cơ cấu nợ) là nợ vay từ trái phiếu. Hệ quả là, tuy lãi gộp của BCM trong quý I/2022 tăng đến 41% so cùng kỳ năm ngoái nhưng do gánh nặng chi phí, trong đó chi phí lãi vay tăng đến 74%, nên lãi ròng cả kỳ của doanh nghiệp vẫn giảm 7%.

Trong một diễn biến liên quan, Becamex IDC Corp là một trong 20 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất năm 2021, theo Bộ Tài chính. Theo đó, doanh nghiệp này đã phát hành tới 6.000 tỷ đồng trái phiếu trong năm 2021, đứng thứ 6 trong danh sách 20 doanh nghiệp bất động sản bị Bộ Tài chính “điểm tên”.

Nỗ lực lành mạnh hóa thị trường

Tuy nhiên, bên cạnh lý do lạc quan như vừa phân tích, việc doanh nghiệp đang phát hành nhiều trái phiếu doanh nghiệp bỗng hủy kế hoạch phát hành, mua lại trái phiếu trước hạn cũng có thể là một chỉ báo tiêu cực đối với doanh nghiệp và nền kinh tế. Lý do phổ biến nhất là doanh nghiệp thiếu dự án đầu tư hoặc có dự án cần đến nguồn vốn nhưng bỗng “chùn chân” với kế hoạch gọi vốn bằng trái phiếu do bối cảnh không thuận lợi.

Đơn cử, tại Công ty Đầu tư Năm Bảy Bảy, tính tới ngày 31/3/2022, NBB chỉ sở hữu 80,3 tỷ đồng tiền mặt, chiếm 1,4% tổng tài sản. Việc mua lại trái phiếu trước hạn làm giảm nợ vay của doanh nghiệp nhưng đồng thời làm quỹ tiền mặt của công ty thêm eo hẹp. Trong khi đó, NBB đang triển khai hàng loạt dự án bất động sản lớn với quy mô vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng như Khu dân cư Sơn Tịnh - Quảng Ngãi (quy mô đầu tư 506,3 tỷ đồng); Khu nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp khu dân cư Delagi (402,9 tỷ đồng dự án); NBB Garden III (815,1 tỷ đồng); NBB II (774,4 tỷ đồng)…

Theo báo cáo thị trường trái phiếu Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ hôm 7/4, tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành năm 2021 đạt gần 640 nghìn tỷ đồng, tăng 38,8% so với con số gần 467 nghìn tỷ đồng của năm 2020. Trong đó, phần lớn là trái phiếu được phát hành riêng lẻ, với hơn 605 nghìn tỷ đồng, cũng tăng khoảng 38,8% so năm 2020. Quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đến cuối năm 2021 tương đương 18,2% GDP, tăng tới 42,4 so cuối năm 2020.

Thế nhưng, sau hàng loạt sai phạm diễn ra trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua (điển hình là vụ việc Tập đoàn Tân Hoàng Minh), cơ quan quản lý đã tăng cường nhiều biện pháp quản lý nhằm tăng cường thanh kiểm tra, xử phạt, kiểm soát hoạt động của thị trường khiến nhiều nhà đầu tư e ngại rủi ro, nhiều doanh nghiệp dè dặt hơn trên “đường đua” trái phiếu.

Theo một báo cáo của Trung tâm nghiên cứu Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), trong quý I/2022, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt 61.900 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ 2021; trong đó, tập trung ở các doanh nghiệp bất động sản, với 38.200 tỷ đồng (tương đương 62%).

Tuy nhiên, bước sang tháng 4/2022, khối lượng trái phiếu phát hành sụt giảm mạnh, các doanh nghiệp bất động sản chỉ phát hành 820 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với bình quân 26.000 tỷ đồng/tháng của năm 2021. 

Ngược lại, chỉ bốn tháng đầu năm 2022, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn là 24.700 tỷ đồng, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, giá trị mua lại trái phiếu trước hạn của tháng 4/2022 tăng đột biến tới 11.900 tỷ đồng, gần bằng tổng giá trị mua lại trong ba tháng đầu năm nay.

SSI Research cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần được xây dựng như là sản phẩm của thị trường vốn, dù đặc thù có tính trung, dài hạn. Mục tiêu của Chính phủ vẫn đang định hướng phát triển thị trường vốn, giảm sự phụ thuộc của doanh nghiệp vào tín dụng ngân hàng, do vậy việc phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là cần thiết.

“Các động thái gần đây của Chính phủ nên được nhìn nhận là cách để có thể thanh lọc thị trường tốt hơn, hạn chế sự tham gia của các doanh nghiệp yếu kém, chống gian lận và tạo môi trường tích cực cho các doanh nghiệp tốt tham gia thị trường”, SSI Research nhận định.

Tại diễn đàn kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XV vừa diễn ra, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cũng gửi tới các đại biểu Quốc hội thông điệp của ngành tài chính là ổn định, lành mạnh hóa thị trường vốn để thị trường này phát triển bền vững, bảo vệ lợi ích hợp pháp của các bên tham gia. Hiện, Chính phủ và Bộ Tài chính không có chủ trương siết chặt hay thắt chặt hoạt động của thị trường này.