Ngược thượng nguồn

Đầu sông, giữa dòng là kênh

Sông Trà còn được gọi là kênh Chợ Gạo, bắt nguồn từ sông Tiền thuộc địa bàn Tân Mỹ Chánh (Mỹ Tho, Tiền Giang) rồi đổ vào sông Vàm Cỏ tại xã Thuận Mỹ (Châu Thành, Long An).
0:00 / 0:00
0:00
Dân công khơi dòng kênh Chợ Gạo. Ảnh tư liệu
Dân công khơi dòng kênh Chợ Gạo. Ảnh tư liệu

Sông Trà có ba đoạn khác biệt nhau, đoạn đầu tiếp nối với các dòng sông lớn là sông Tiền, đoạn cuối hòa vào sông nhỏ Vàm Cỏ và đều có độ cong đôi bờ, khúc giữa thẳng băng như một con đường cao tốc trên bộ - đây là đoạn được khơi dòng thông hai đầu sông.

Trù mật vườn bên sông

Tôi về bên sông Trà vào thời điểm mùa mưa nhưng may thay lúc này trời nắng. Ngồi sau chiếc xe thồ (xe ôm) của anh Huỳnh Văn Trung, chúng tôi cầu mong cho trời đừng mưa, để được chiêm ngưỡng con kênh, mà đọc những trang văn của cụ Vương Hồng Sển kể về những chuyến cụ đi tàu thủy từ Mỹ Thơ (Mỹ Tho) lên Sài Gòn. Lòng cũng mong có một tuyến tàu thủy như vậy để mình đi cho biết. Và cũng mong có một tuyến cao tốc đường thủy trên sông chạy từ Sài Gòn về tận Cà Mau, Rạch Giá thay cho tuyến tàu hỏa Sài Gòn - Cần Thơ đang manh nha hình thành trên đất miền Tây kênh rạch chằng chịt như dây tơ hồng, mà người ta râm ran bàn tán mấy năm nay.

Qua phà Xuân Đông nối thành phố Mỹ Tho với một phần huyện chợ Gạo, tôi và anh Trung đi dọc đường đê Tây Phú Ngữ thuộc ấp Tân Thạnh, xã Xuân Đông (Chợ Gạo). Đây cũng là tuyến đường dọc bờ sông Trà. Anh Trung giảng giải, trước kia, con đường chỉ đổ đá sỏi, đá mạt, mưa trôi, lội sình. Nay thì khác, Nhà nước cho tiền, người dân góp đất làm đường, nên đi lại dễ dàng, đỡ hại xe, không mệt chân tay người ngợm. Anh Trung nhấn mạnh: “Tui thấy phong trào xây dựng nông thôn mới cũng có ích lợi bởi ấp thôn, xã, huyện đều có cuộc đua”.

Như đã nói chuyện với anh Trung hồi sáng, khi chúng tôi cùng ngồi uống cà-phê, qua đây thăm hỏi chuyện canh tác của các nhà vườn. Chỗ nào thấy vườn đẹp, anh cho tôi vô. Anh Trung đáp: Dễ ợt. Nhưng đi đường, anh hỏi tới hỏi lui từ người chăn bò đến người đi câu cá. Cuối cùng chúng tôi vào vườn nhà ông Phan Văn Tiệm trong ấp Tân Thạnh (Xuân Đông, Chợ Gạo). Ông Tiệm kể, ông có ba sào trồng dừa, có lúc bán dừa không đủ tiền trả công thuê bứt dừa. Ông Tiệm cười tươi nhưng lại nói chuyện nỗi niềm: “Mấy năm trước dừa rẻ rề, muốn chặt phứt đi cho rộng vườn, quang đất...”.

“Nhưng rồi, những năm 2008-2009, thấy nhiều người bàn tán trồng cây ca-cao dưới gốc cây dừa, đưa lại thu nhập tốt hơn. Thấy người ta nói vậy, mình cũng quyết chí đầu tư trồng trọt. Chứ thuê người chặt dừa cũng tốn tiền, để nó lại dù rẻ cũng có chút tiền chợ, gạo muối qua ngày”, ông Tiệm kết luận.

Rồi, ông Tiệm, anh Trung thay nhau giảng giải cho tôi, cây ca-cao bản chất không cần nhiều ánh nắng, bản chất cây dừa thân vươn cao, thành thử, hai cây này ở với nhau trên cùng thửa đất, hợp nhau tới mức ra trái quanh năm.

Tạm biệt người nông dân chí thú làm ăn, yêu đất, chăm vườn có một cuộc sống êm đềm, chúng tôi xuôi theo dòng kênh về phía chợ Gạo. Trời bắt đầu lất phất mưa, trên đường nhỏ của thôn ấp thỉnh thoảng vẫn bắt gặp người dắt vài con bò và phân bò cũng làm lầy lội đường thôn. Lại nghĩ chuyện xóa đói, giảm nghèo bằng một hai con bò cho mỗi hộ, chưa tính đến công lênh chăn dắt ở vùng đồng bằng - đó còn là một bước đi đầy thử thách về mặt thời gian.

Đầu sông, giữa dòng là kênh ảnh 1

Thuyền vận tải đi trên dòng kênh Chợ Gạo. Ảnh: KIM THOA

Đi chợ Gạo, ước tuyến tàu khách trên sông

Đi nhiều chợ tỉnh, chợ huyện, chợ quê thì chợ Gạo đứng hàng thứ chợ huyện. Trước mặt chợ là con lộ chạy song song với dòng sông Trà. Đây là khúc sông được đào vét trên nền một con rạch nhỏ và thông tuyến giao thông thủy nội địa từ sông Tiền về sông Vàm Cỏ và ngược lên Sài Gòn.

Kênh Chợ Gạo có chiều dài 12km, theo nhiều nhà nghiên cứu Nam Bộ - miền Tây, trong các cuốn sách họ đã viết, có nói đến kênh Chợ Gạo do Pháp chỉ đạo và đào khoảng các năm 1885, 1886 hoặc 1887. Kênh được đào trong hai tháng, rút ngắn khoảng cách vận tải đường thủy đi vòng ra biển hoặc đi theo con sông khác nằm gần phía biển nhưng đôi ba đoạn lòng sông có dòng hẹp, bãi bồi, thuyền bè mắc cạn. Kênh Chợ Gạo khơi thông là một giải pháp giao thông đường thủy nhằm vận chuyển hàng hóa từ Sài Gòn về miền Tây Nam Bộ và lúa từ miền Tây Nam Bộ chở lên Sài Gòn, xay xát tại chợ Lớn và xuất đi các vùng khác, nước khác.

Chợ Gạo bây giờ là chợ Gạo mới. Chợ cũ ở chỗ khác gần đây, do làm cầu, làm đường nên chợ phải di chuyển. Hàng bán gạo ở đây khá nhiều, các loại gạo được tiểu thương đựng trong bao bì mở nắp, trên cắm thanh tre kẹp tờ bìa cứng viết tên và giá gạo. Người bán ngồi thành hai dãy đối diện với nhau, không thấy người mua nên chúng tôi nghĩ chợ đã trưa. Tuy vậy, phía ngoài chợ, hàng rau củ quả vẫn nhộn nhịp hoạt động, bốc lên, dỡ xuống, phân loại như không màng đến thời gian.

Chuyện về chợ Gạo theo nhiều người sống gần chợ kể lại, trước nó ở trong thôn Bình Phan, gần con rạch nhỏ và cũng là trung tâm mua bán gạo thời bấy giờ. Hiện tại, thông tin kinh tế về giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang cao hơn Ấn Độ, Thailand. Thương hiệu gạo Việt Nam dần khẳng định vị thế. Điều này, tôi đọc báo mà thấy vui thay.

Chị Vũ Thị Thìn, một tiểu thương bán gạo trong chợ, mỉm cười, cho biết: “Người mua gạo về ăn giờ cũng không tới chợ nữa, họ ra hàng tạp hóa là có đủ các loại gạo đóng bao hoặc bán theo ký. Chúng tôi ở đây bán sỉ gạo cho các tạp hóa đại lý trong thôn, hoặc bán cho thương lái đem đi các vùng khác”.

À ra vậy, thị trường đã phân khúc mà mình như người ngồi ghế nóng lo cho những bao gạo kia mốc ẩm vì ở gần dòng sông.

Phía bờ kênh của chợ Gạo, nhiều quán cà-phê, quán giải khát, quán ăn sát mép nước. Ngồi nghỉ ngơi trong quán cà-phê, gọi hai dĩa cơm, ngắm dòng kênh. Dưới sông, nhộn nhịp nhất vẫn là những chiếc sà-lan chở vật liệu xây dựng là cát và đá. Thấy họ chở cũng hơi quá tải, nước sông theo sóng nhẹ tràn vào khoang chứa hàng. Họ dùng ván mỏng chắn nước tràn vào khoang đựng vật liệu và có một máy bơm liên tục hút nước dưới lòng khoang đổ ra sông.

Thấy tôi chăm chú nhìn, sau bữa ăn trưa, đến chầu cà-phê, anh Trung giải thích: “Cát đó, họ đưa từ Long An tới. Còn đá họ đưa từ Đồng Nai về các tỉnh đồng bằng như Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long hoặc ngược lên Sa Đéc...”.

Ngược chiều với những con thuyền chở vật liệu xây dựng, là thuyền đưa gạo, trái cây dưới các tỉnh đi lên Sài Gòn. Cứ ngồi nghĩ lại thấy mình bao đồng, trên sông, trong lạch biết đâu là bến đậu, chỗ đỗ khi ngược, lúc xuôi? Hẳn là mình đang lo thừa, lo bò trắng răng.

Ngồi mãi, ngắm mãi vẫn không thấy con thuyền nào chở khách xuôi ngược theo dòng sông như lời cụ Vương Hồng Sển từng viết năm xưa. Lại nuối tiếc một thời, giá như nó trở lại cho tôi, cho những người thong thả như tôi được đi từ đầu sông đến cuối sông trên chuyến tàu thủy.