Đạo luật chi tiêu quốc phòng của Mỹ năm 2019

Ngày 13-8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký duyệt Đạo luật chi tiêu quốc phòng (NDAA) tài khóa 2019 (bắt đầu từ ngày 1-10 tới), theo đó sẽ cung cấp 716 tỷ USD cho chi tiêu quốc phòng. Đạo luật này yêu cầu Bộ Quốc phòng Mỹ nghiên cứu khả năng bố trí thêm các thành phần của hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu để đối phó với điều mà Mỹ cho là những vi phạm của Nga đối với Hiệp ước về thủ tiêu tên lửa tầm ngắn và tầm trung.

Tàu chiến Mỹ thử nghiệm hệ thống tên lửa đánh chặn của MDA. Ảnh: NAVYLIVE
Tàu chiến Mỹ thử nghiệm hệ thống tên lửa đánh chặn của MDA. Ảnh: NAVYLIVE

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ diễn ra ở căn cứ Fort Drum ở New York, Tổng thống Trump đánh giá đây là “thương vụ đầu tư quan trọng nhất” đối với quân đội Mỹ trong lịch sử hiện đại. Cũng trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Trump cũng đề cập việc thành lập “Lực lượng vũ trụ” nhằm giành ưu thế trước các đối thủ. Luật mới cũng quy định sự kiểm soát của Quốc hội đối với các hợp đồng mà Chính phủ Mỹ ký với các tập đoàn công nghệ ZTE và Huawei của Trung Quốc.

Ngoài ra, NDAA cũng cho phép chi 7,6 tỷ USD để mua 77 máy bay chiến đấu tiến công hỗn hợp F-35 do Công ty Lockheed Martin sản xuất, đồng thời cấm chuyển giao máy bay chiến đấu tiên tiến cho Thổ Nhĩ Kỳ nếu Ankara mua hệ thống phòng không S-400 của Nga. NDAA còn đưa ra các biện pháp hạn chế khả năng giảm số quân Mỹ (khoảng 28.500 binh sĩ) đang đồn trú tại Hàn Quốc. Theo NDAA, có gần 10 tỷ USD được chi cho Cơ quan phòng thủ tên lửa (MDA) để trang trải các chi phí mở rộng các hệ thống tên lửa đủ khả năng ngăn chặn bất cứ vụ tiến công nào từ Iran hay CHDCND Triều Tiên.

Về yêu cầu kể trên của NDAA, người phụ trách kỹ thuật của MDA Keith Englander cho biết, quân đội Mỹ đã nghiên cứu khả năng lắp đặt thêm một tầng phòng thủ vào hệ thống đánh chặn tên lửa hiện hành của Mỹ. Giám đốc MDA, Tướng Samuel Greaves cũng đưa ra khả năng kết hợp Hệ thống tác chiến Aegis vào hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo (ICBM) của Mỹ hiện nay.

Việc Tổng thống Mỹ ký ban hành NDAA tài khóa 2019 đã vấp phải sự chỉ trích của Nga và Trung Quốc. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nêu rõ, kế hoạch của Mỹ tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu được đề cập trong NDAA mới sẽ phá vỡ an ninh quốc tế và gây quan ngại. Ông Ryabkov nhấn mạnh, theo NDAA mới, Mỹ đã vi phạm các yêu cầu của Hiệp định về tiếp tục cắt giảm và hạn chế vũ khí tiến công chiến lược khi có kế hoạch hiện đại hóa vũ khí. Thứ trưởng Ngoại giao Nga cũng khẳng định, Moscow sẵn sàng đối thoại với Mỹ về ổn định chiến lược. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nêu rõ: “Trung Quốc đã liên tục nêu rõ quan điểm của mình và trao công hàm phản đối chính thức tới Mỹ”, đồng thời Bắc Kinh kêu gọi Washington từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh.