Đổi thay trên đất A Xan

Câu chuyện khó, khổ, nhọc nhằn của xã biên giới A Xan (Tây Giang, Quảng Nam), đã lùi vào quá khứ. Đường mới mở ra, cơ hội cũng mở ra. Người Cơ Tu ở A Xan giờ đây luôn thường trực nụ cười.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều hộ dân ở A Xan có thu nhập ổn định nhờ trồng cây dược liệu sả chanh.
Nhiều hộ dân ở A Xan có thu nhập ổn định nhờ trồng cây dược liệu sả chanh.

Lối đi rõ ràng

A Xan là xã miền núi, dân cư chủ yếu là người Cơ Tu. Trước đây, vùng đất này đường sá khó khăn, thời tiết khắc nghiệt. Mùa mưa bão thường xuyên xảy ra lụt lội, lở đất, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Sống lâu ở A Xan mới hiểu rõ được rừng núi, con người nơi đây. Ông Trần Văn Cảnh, một cán bộ từng công tác tại A Xan, nay về hưu, sống tại thị xã Điện Bàn (Quảng Nam), cho biết: “Các khó khăn đến từ nhiều phía, nhưng có một phần không thể bỏ qua đó là yếu tố con người”.

“Một số cán bộ thôn, xã chưa chủ động, sáng tạo và sâu sát tình hình thực tế, dẫn đến việc cụ thể hóa các phương hướng tháo gỡ của địa phương còn chậm, thiếu cụ thể, dẫn đến hiệu quả thấp. Các mô hình sản xuất liên kết chưa được triển khai nhân rộng, đời sống bà con chưa cải thiện nhiều”, ông Cảnh nhớ lại.

Ai cũng muốn nói hay, bao biện cho những hạn chế của chính mình, tìm lời nói thật, nói ra khuyết điểm kể cả nhược điểm để khắc phục mới khó. Bí thư Đảng ủy xã A Xan Hồ Văn Nhia, cho biết: “Nhận thức của người dân còn chậm, chưa đồng đều, công tác phát triển sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chưa áp dụng được khoa học kỹ thuật, vẫn sống tự cung, tự cấp”.

Gỡ khó khăn cho A Xan phải căn cơ từng bước, làm sao đưa A Xan gần hơn với những địa bàn khác, giao thông vào A Xan được đặt lên hàng đầu. Hiện nay, đường bê-tông vào A Xan đã được xây dựng tới các thôn, Nhà nước đang tiếp tục đầu tư vào các cụm dân cư cũng như mở rộng đường vào khu sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất đối với A Xan và các xã biên giới vùng Tây Giang là cần đầu tư vào các mô hình trồng cây có giá trị kinh tế cao và chăn nuôi hiệu quả, và những mô hình này phải phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu.

Cái dễ của A Xan là giống như một tiểu vùng khí hậu. Nằm ở độ cao 1.200 mét so với mặt biển, nhiệt độ trong năm 20-30oC, xã A Xan còn được ví như Sa Pa của miền trung. Xã có hơn 100 ha lúa nước, sản xuất được 2 vụ lúa. Tuy nhiên, xét về thổ nhưỡng khí hậu, ở đây phù hợp trồng cây dược liệu như đẳng sâm, nhân sâm, cây ăn quả như cam Vinh cho rất nhiều quả. Anh Alăng Kết là một trong 30 hộ dân trồng cam, cho biết: “Được xã cung cấp giống và hướng dẫn cách trồng, cách chăm bón. Chúng tôi làm theo, rồi thấy nó lớn lên, nó ra trái như những điều cán bộ đã phổ biến”.

Cái khó của A Xan vẫn là thiếu những kỹ sư canh nông. Để đạt được điều này, cần phải có sự tham gia của các đơn vị và cá nhân am hiểu khoa học và thực tiễn sản xuất nông nghiệp. Quan trọng nhất, các cán bộ và kỹ sư cần “chung sống” tại chỗ, bám trụ lâu dài với các dự án và mô hình này. Việc này giúp truyền đạt kiến thức và kỹ thuật cho bà con ở biên giới, giúp họ biết cách làm và đạt hiệu quả kinh tế rõ ràng. Đây mới là sự thành công thật sự của các dự án và mô hình, tạo điều kiện cho dân làm theo và phát triển bền vững.

Đổi thay trên đất A Xan ảnh 1

Nhờ đầu tư của Nhà nước, xã A Xan đã có diện mạo mới khang trang.

Rừng có xanh, dân mới ấm

A Xan ngày nay đã có nhiều đổi mới. Thôn Ki’nonh, một làng cổ của người Cơ Tu ở Tây Giang, đã trở thành hình mẫu của cộng đồng miền núi. Bí thư thôn Ki’nonh Bling Nôi, cho biết: “Thôn đang tập trung phát triển kinh tế từ sản vật địa phương, hướng đến mục tiêu xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Các mô hình trồng lúa rẫy được chuyển sang trồng lúa nước và trồng cây dược liệu dưới tán rừng để làm hàng hóa giao thương”.

“Thôn đã giảm tỷ lệ hộ nghèo 10% so với năm trước. Cuộc sống của bà con ổn định, từng bước tự giác phấn đấu xóa đói, giảm nghèo. Thôn đã đạt 5/10 tiêu chí, bao gồm đường, điện, trường, môi trường, quốc phòng an ninh. Chi bộ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, như Nghị quyết về nhà ở và Nghị quyết 35 về kinh tế vườn và các tiêu chí thôn kiểu mẫu”, Trưởng thôn Bling Nôi cho hay.

Gia đình chị Bling Thị Nhanh và các hộ gia đình khác ở thôn Ki’nonh đã có thêm niềm vui từ mô hình trồng sả. Cuộc sống cải thiện, người dân hăng hái lao động, sản xuất và chia sẻ kinh nghiệm. Diện tích mô hình mở rộng, đời sống ổn định và nâng cao. Người dân tự giác phấn đấu, xóa đói, giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 giảm 10% so với năm trước. Chị Bling Thị Nhanh chia sẻ: “Tôi đã trồng sả chanh được một năm, hiệu quả, và sẽ cố gắng phát triển kinh tế để thoát nghèo, giúp bà con học hỏi kinh nghiệm”.

Các thôn, bản trong xã A Xan tích cực quán triệt và cụ thể hóa nhiều nội dung quan trọng trong phát triển kinh tế gắn với sản vật đặc trưng vùng. Nhiều mô hình nông nghiệp bền vững được triển khai, kết hợp giữa nhân dân và lực lượng biên phòng, các tổ chức đoàn thể. Nhờ đó, nhiều Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực, được nhân dân đồng tình.

Phó Bí thư chi bộ thôn Ariing, ông Hốih Tèo, cho biết: “Chi bộ, đoàn thể luôn coi trọng xóa đói, giảm nghèo, xây dựng quỹ vốn cho nhân dân. Đời sống nhân dân cải thiện rõ nét. Vận động nhân dân tích cực sản xuất có năng suất cao, phát triển nông- lâm kết hợp bền vững, chú trọng hàng hóa và dịch vụ, sử dụng hiệu quả đất đai, khoa học kỹ thuật”.

Công cuộc vươn lên của A Xan có sự chung tay của nhiều lực lượng, cấp ngành. Là xã nằm trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào, ở A Xan, các chiến sĩ biên phòng cũng đóng góp tích cực vào xây dựng chính quyền cơ sở, hướng dẫn nhân dân sản xuất. Thiếu tá Lê Văn Thu, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tr’hy, huyện Tây Giang cho biết, đơn vị có nhiều mô hình phối hợp giúp dân phát triển kinh tế- xã hội, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Các cấp ủy đảng, chính quyền từ xã đến thôn, bản đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị, đạt nhiều kết quả tích cực. Đến nay, 11/19 tiêu chí đạt nông thôn mới đã hoàn thành. Xã A Xan xây dựng được 3 thôn nông thôn mới kiểu mẫu.

Bí thư Đảng ủy xã A Xan Hồ Văn Nhia chia sẻ: “Chúng tôi triển khai thực hiện mỗi chi bộ đăng ký phấn đấu mô hình 4 tốt, phân công các đồng chí Ban Thường vụ, Ban Chấp hành phụ trách chi bộ, giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo, trực tiếp sinh hoạt với các chi bộ để phát triển giảm nghèo bền vững”.

Bí thư Huyện ủy Tây Giang Bling Mia cho biết: “A Xan là xã vùng cao đại diện cho huyện Tây Giang, hướng tới năm 2035 trở thành trung tâm thị tứ của vùng cao. Trước hết phải hoàn thiện quy hoạch về hạ tầng, kinh tế - xã hội, đào tạo đội ngũ cán bộ vững mạnh. A Xan cũng sẽ là xã trung tâm kết nối công tác đối ngoại giữa nhân dân các cụm bản biên giới Việt Nam - Lào”.

Đường mới mở ra, cơ hội mới cũng mở ra, những năm gần đây A Xan đã đón những đoàn khách du lịch bằng sự mộc mạc trong căn nhà của mình, bằng niềm tự hào văn hóa của mình. Người Cơ Tu ở A Xan luôn thường trực nụ cười. Và du khách sẽ được tận hưởng không khí trong lành, dạo chơi vườn cam, thả hồn trong những cánh rừng trong hương thơm của những cây dược liệu.