Nhân lên những “mô hình xanh” (kỳ 2)

Kỳ 2: Mỗi người một tay để cùng xanh-sạch-đẹp
0:00 / 0:00
0:00
Nhân lên những “mô hình xanh” (kỳ 2)

(Tiếp theo và hết)

Hiện nay đang có thêm những đơn vị và tổ chức ứng dụng mô hình sống xanh để cải thiện chất lượng cuộc sống. Mỗi hành động nhỏ hay sáng kiến tưởng đơn giản, khi nhận được sự hưởng ứng từ mọi người sẽ góp phần làm trong lành, xanh mát hơn môi trường trong thời tiết khắc nghiệt.

Hưởng lợi từ “xanh hóa” không gian chung

Đúng với tên gọi, đình làng Cống Vị (phường Cống Vị, Ba Đình) vẫn giữ được nét đặc trưng của làng quê bởi không gian xanh mát, trong lành hiếm nơi có được giữa lòng Hà Nội. Cách cổng làng không xa là đình Cống Vị, nơi được xem là “trái tim xanh” của làng. Trước sân đình, những cây cao xanh tốt, tán lá xòe rộng che rợp cả khuôn viên đình lẫn khu vực chung quanh, do luôn được ban quản lý đình chăm sóc kỹ lưỡng. Hội phụ nữ phường còn tận dụng khoảng đất trống, trước đây bị chiếm dụng làm nơi đỗ xe ô-tô để trồng nhiều cây hoa mẫu đơn, cây lan ý, cây cảnh… tạo nên “Đường nở hoa”, làm thay đổi diện mạo cho con đường dẫn vào làng. Từ khi có “Đường nở hoa”, mỗi ngày Hội phụ nữ đều phân chia quét dọn, tưới nước, thường xuyên tỉa lá cho cây. Qua bàn tay khéo léo, cẩn thận của các chị em, đường cây luôn được xanh tươi, nở hoa thơm ngát.

Bà Hoàng Xuân, Phó Chi hội phụ nữ làng Cống Vị tự hào nói: “Để có được một khuôn viên như thế này là nhờ ý thức của người dân, các đoàn thể, chi hội phụ nữ và chi hội cựu chiến binh cùng nhau tạo nên. Sống tại đây là một điều hạnh phúc đối với tôi bởi vừa được sống cạnh đất đình, vừa có khoảng không gian tươi mát và ý thức người dân lại vô cùng tốt”.

Sân chơi chung của địa bàn được xây dựng trong không gian xanh để người dân thuận lợi tổ chức nhiều hoạt động nâng cao chất lượng sức khỏe. Ngoài không gian sinh hoạt chung được phủ xanh, nhiều gia đình còn trồng cây xanh trước cổng, cửa nhà dọc theo các con đường, ngõ hẻm. Cách giao nhiệm vụ cụ thể tới từng đơn vị, cá nhân và phát động nhiều phong trào, tích cực vận động người dân tham gia của phường Cống Vị đã giúp không gian chung luôn xanh mát, trong lành, đường làng luôn sạch sẽ, ý thức người dân không ngừng được nâng cao. Ông Nguyễn Văn Thuy, người dân làng Cống Vị chia sẻ: “Ở đây mọi người đã cùng nhau tạo nên một không gian xanh, trong lành và còn rất đẹp. Có cây xanh, ao cá, vườn hoa tạo nên không gian chung thoáng đãng. Trẻ em có chỗ vui chơi, người dân có không gian để thư giãn và tập thể dục. Sống trong một không gian xanh-sạch-đẹp, bản thân mỗi người đều phải có ý thức tự giác, luôn nhắc nhở nhau giữ gìn vệ sinh chung”.

Đến gợi mở “dịch vụ xanh”

Không chỉ tạo không gian xanh cho nơi sinh sống, mà nhiều điểm kinh doanh đã có những thay đổi tích cực trong cách thiết kế không gian hàng quán, cải tiến, thay đổi vật dụng kinh doanh để tạo nên không gian “dịch vụ xanh”, giảm nắng nóng và hạn chế rác thải nhựa ra môi trường. Tiêu biểu như Tree Ami Garden - hiện có 3 cơ sở tại Hà Nội - là quán cafe có thiết kế độc lạ, khác hẳn những quán cà-phê thông thường. Những người xây dựng quán đã lấy cảm hứng từ cuộc sống gần gũi thiên nhiên của người dân tại đảo Jeju (Hàn Quốc) để sử dụng hoàn toàn gỗ bạch đàn và gỗ Pallet, rồi phủ xanh quán bằng các loại cây leo, cây hoa sử quân tử và cây tràng cỏ. Nhờ đó đã tạo nên một không gian thoáng mát, hài hòa với thiên nhiên.

Ngoài ra không gian quán còn được thiết kế thông nhau, không có vách ngăn để gió tự nhiên có thể lùa vào khắp mọi ngóc ngách. Giữa quán là hồ nước nhân tạo giúp điều hòa không khí chung quanh. Các vật dụng tại quán như ly nước, ống hút đều được làm hoàn toàn bằng giấy. Ông Đặng Bình, chủ chuỗi cafe TreeAmi Garden chia sẻ: “Tôi mong muốn xây dựng quán cà-phê sử dụng vật liệu gần gũi với thiên nhiên, tránh xa mô hình bê-tông, nhà kính mà lại dễ dàng kết cấu, không phụ thuộc vào tay nghề thợ để giảm chi phí đầu tư. Nên TreeAmi Garden được thiết kế hoàn toàn từ thân cây gỗ tròn và để cây leo quấn trên thân gỗ, sẽ giúp cây gỗ tái sinh. Cả hệ sinh thái được hòa lẫn vào nhau tạo nên một môi trường xanh mát”.

Tuy nhiên, quán cà-phê được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ cây nên khó tránh khỏi tình trạng sâu mọt. Chính vì thế, sau 2 năm, quán lại được thay đổi diện mạo với thiết kế khác nhau. Nhờ đó không chỉ chống lại nắng nóng hiệu quả mà còn đem đến trải nghiệm mới mẻ cho khách hàng.

Nhân lên những “mô hình xanh” (kỳ 2) ảnh 1

Một góc không gian xanh tại quán cafe Tree Ami Garden.

Và tuyên truyền nâng cao nhận thức

Nhằm nâng cao mối quan tâm của người dân trong việc phòng, chống lại ô nhiễm, thời tiết cực đoan, thời gian qua, một nhóm sinh viên Trường đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh đã tổ chức cuộc thi ảnh “Những mảnh ghép làm nên điều phi thường” với thông điệp “Một vật dụng cá nhân, giảm trăm rác thải nhựa”.

Xuất phát từ kết quả quan sát của nhóm cho thấy, việc sử dụng đồ nhựa một lần đã làm gia tăng lượng lớn rác thải ra môi trường. Tình trạng này diễn ra phổ biến ở cộng đồng sinh viên. Nhóm đã phát động cuộc thi trên không gian mạng xã hội Facebook, kêu gọi mọi người sử dụng vật dụng cá nhân thay cho đồ nhựa dùng một lần. Với chủ đề thân thuộc, gần gũi với đời sống sinh viên, cuộc thi đã nhanh chóng thu hút nhiều bạn trẻ tham gia chia sẻ câu chuyện của cá nhân mang thông điệp ý nghĩa về bảo vệ môi trường. Chương trình đã có hơn 400 người theo dõi, hơn 2.200 lượt tương tác trên tổng số bài viết. Nhiều bài dự thi được đăng tải, chia sẻ rộng rãi trên không gian mạng đã tuyên truyền hiệu quả đến cộng đồng, tạo nên sự thay đổi tích cực trong nhận thức, từ đó giảm rác thải nhựa ra môi trường.

Anh Trần Chiều Phụng, Phó Bí thư Đoàn Trường đại học Văn hóa Hà Nội cho biết: “Bên cạnh “Ngày chủ nhật xanh”, Đoàn trường còn tuyên truyền để tiết kiệm điện, tăng cường xây dựng nhiều mô hình hay, thiết thực để bảo vệ môi trường và chống lại nắng nóng. Sắp tới, Đoàn trường sẽ đẩy mạnh liên kết với các đơn vị, địa phương để việc triển khai được hiệu quả hơn”.

Bạn Lê Thanh Phú, Trưởng ban tổ chức cuộc thi hào hứng chia sẻ: “Nhóm chúng mình rất vui khi dự án thành công ngoài mong đợi và lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng sinh viên, thu hút được rất nhiều lượt tương tác và ủng hộ từ mọi lứa tuổi. Chúng mình hy vọng mỗi lượt đăng tải, chia sẻ bài viết là một mảnh ghép nhỏ, từ nhiều mảnh ghép nhỏ đó sẽ tạo nên điều phi thường giúp bảo môi trường sống khỏi sự xâm chiếm của rác thải nhựa”.

Hưởng ứng phong trào do Thành đoàn Hà Nội phát động, Đoàn Thanh niên Trường đại học Văn hóa Hà Nội cũng đã tích cực triển khai “Ngày chủ nhật xanh” với nhiều hoạt động làm sạch không gian trường học, các địa điểm công cộng. “Ngày chủ nhật xanh” không chỉ dừng lại ở việc hưởng ứng phong trào mà được duy trì và trở thành hoạt động thường xuyên của Đoàn trường. Thời gian qua, đều đặn 2 tuần 1 lần, “Ngày chủ nhật xanh” lại diễn ra hăng hái, sôi nổi với nhiều hoạt động như: Dọn dẹp, vệ sinh khuôn viên trường học, làm sạch rác trên đường phố, tại các địa điểm công cộng, chăm sóc cây xanh, làm sạch tờ rơi dính trên tường, cột điện…

Hiện nay đang có thêm những đơn vị và tổ chức ứng dụng mô hình sống xanh để cải thiện chất lượng cuộc sống như: Kiến trúc sư Chu Kim Đức cùng các đồng nghiệp thực hiện nhiều dự án biến bãi rác tự phát thành khu vui chơi cho trẻ; quán cà-phê Không Gian Kết Nối Xanh được trang trí bằng rất nhiều cây xanh và sử dụng các vật dụng tái chế thân thiện với môi trường; tổ chức bảo vệ môi trường phi lợi nhuận Green Life thường xuyên triển khai các sự kiện thu gom rác đổi lấy quà và phân loại để chuyển đến đơn vị xử lý, tái chế rác thải… Mỗi hành động nhỏ hay sáng kiến tưởng đơn giản khi nhận được sự hưởng ứng từ mọi người sẽ góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống.

Nhân lên những “mô hình xanh” (kỳ 1)