Trở lại Bình Sơn sau cơn đại hồng thủy

Trở lại hai bản Bình Sơn 1 và 2 trong những ngày hè rát bỏng gió Lào, từ xa đã nhìn thấy những ngôi nhà mái xanh đỏ khang trang. Nhìn bản làng đã trở lại bình yên bên thung núi, lại nhớ những ngày trong cơn đại hồng thủy làm cho bản làng tan hoang, tiêu điều xơ xác bị chia cắt, cô lập. Bình Sơn (xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) ngày đó dù chỉ cách quốc lộ 7A chừng hơn dăm cây số mà sao thấy vời vợi cách xa muôn trùng. Bình Sơn bây giờ đã tươi mới và không còn nghe lời Tơm buồn!
0:00 / 0:00
0:00
Tuyến đường vào bản Bình Sơn 2 mới được tu sửa sau lũ quét.
Tuyến đường vào bản Bình Sơn 2 mới được tu sửa sau lũ quét.

Ký ức lời Tơm buồn nơi lưng chừng núi!

Ngày 2/10/2022, người dân Khơ Mú, H’Mông, Thái... ven khe suối xã Tà Cạ và thị trấn Mường Xén, huyện rẻo cao Kỳ Sơn (Nghệ An) kinh hoàng bởi sự tàn phá khủng khiếp của trận lũ quét. Bản Bình Sơn 1 và Bình Sơn 2, xã Tà Cạ là nơi đầu nguồn lũ. Mưa lớn từ đầu nguồn khe Huồi Giảng, một thác nước khổng lồ bất ngờ đổ xuống kéo theo cơ man nào là đất, đá, cây cối và cuốn phăng, vùi lấp nhiều nhà cửa, tài sản của người dân. Không chỉ Bình Sơn, các bản ven khe Huồi Giảng dưới đó Hòa Sơn, Mường Xén... cũng cùng chung số phận khiến nhiều người trắng tay. Theo thống kê của huyện Kỳ Sơn, lũ quét đã cuốn trôi 56 nhà dân, hàng trăm ngôi nhà khác bị hư hại. Nhiều công trình, trụ sở cơ quan nhà nước bị hư hỏng, ngập lụt...

Ông Moong Văn Thi nhớ lại đêm kinh hoàng nhất của bà con dân tộc Khơ Mú bản Bình Sơn. Đêm 2/10/2022, đêm mưa xối xả, trời đất tối sầm. Bỗng chốc một cột nước từ trên cao kéo theo đất đá, cây cối đổ ập vùi lấp, cuốn trôi nhà cửa, trâu bò.... Nhà ông có 12 người, gồm cha mẹ, vợ chồng ông bà và tám người con kịp chạy thoát lên gò cao rồi chia nhau đi tìm ở nhờ bà con gần đó nên may mắn thoát nạn. Lũ quét đêm đó cũng đã cuốn trôi toàn bộ ngôi nhà cùng tài sản của gia đình ông Moong Như Bình. Phó bản Bình Sơn 1 Cụt Văn Thuận cho biết, bản có 112 hộ dân tộc Khơ Mú, trong trận lũ quét năm 2022 có bảy nhà bị trôi, ba nhà bị sập hư hỏng nặng và nhiều nhà bị hư hại. Những ngày đó, đêm xuống tối đen như mực vì mất điện, trẻ con khóc đói, rét và đâu đó nơi lưng chừng núi vẳng lại lời Tơm buồn (“Tơm” là một làn điệu dân ca Khơ Mú).

Bản Bình Sơn 1 và 2, xã Tà Cạ, huyện miền núi biên giới Kỳ Sơn thuộc diện 30A của tỉnh Nghệ An chủ yếu là đồng bào người Khơ Mú. Bao đời nay, nơi lưng chừng núi này người Khơ Mú quen với tập tục canh tác lạc hậu, tự cung tự cấp nên vẫn chưa thoát ra được vòng đói nghèo. Được sự chung tay của các nhà hảo tâm bà con chín bản mười mường và hỗ trợ của Nhà nước đã nhanh chóng giúp cho Bình Sơn, Sơn Hà, Mường Xén rũ bùn đứng dậy, vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống. Đặc biệt, gần đây ngoài giúp đỡ xây dựng lại bản làng, hệ thống trường học, giao thông..., bà con còn được tuyên truyền vận động tìm cách thoát nghèo bằng vay vốn từ nguồn tín dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước để khôi phục, phát triển kinh tế.

Trở lại Bình Sơn sau cơn đại hồng thủy ảnh 1

Bản Bình Sơn trong cơn lũ quét lịch sử năm 2022.

“Bây chừ chỉ có lời Tơm vui!”

Dưới ánh điện sáng lung linh, trong căn nhà sàn ba gian kiên cố, xinh xắn trên nền đất cao ráo, nền lát gạch hoa sáng bóng, rất đông bà con dân bản đến quây quần bên chóe rượu cần chúc mừng anh Cụt Văn Phách ở bản Bình Sơn 2 vừa mới hết hạn hợp đồng lao động ở nước ngoài trở về. Anh Phách chia sẻ, trước đây, ngày ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà cơm vẫn không đủ ăn, áo không đủ mặc, cuộc sống của gia đình mãi không thoát khỏi vòng luẩn quẩn cuộc sống nghèo khó. Khi được tuyên truyền có chủ trương được vay vốn từ nguồn tín dụng chính sách ưu đãi, năm 2022, anh Phách mạnh dạn xin vay đi xuất khẩu lao động nước ngoài. Sau hơn 2 năm làm việc chăm chỉ, anh đã tích góp gửi về cho gia đình đều đặn hơn 10 triệu đồng mỗi tháng. Sau khi xây dựng được nhà, hiện anh Phách còn tiết kiệm được nguồn vốn 300 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình.

Gia đình ông Lữ Văn Kèo cùng bản với anh Phách, nhà đông con lại không có việc làm ổn định, trước đây 7 nhân khẩu phải chui rúc trong căn nhà tranh lụp xụp, tạm bợ. Tương tự như anh Phách, ông Kèo mạnh dạn đứng ra vay vốn cho anh con trai cả đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Đến nay, con trai ông đã gửi tiền về cho gia đình xây dựng được một ngôi nhà sàn kiên cố và còn dư giả một ít vốn làm ăn. Vít cần rượu trong ngôi nhà sàn khang trang, ông không giấu được niềm vui: “Ngày trước nhà tui nghèo lắm, nhờ được vay vốn tín dụng chính sách ưu đãi, con trai cả đi xuất khẩu lao động gửi tiền về cho gia đình đã làm được nhà sàn to rồi, không còn phải chen chúc, chui rúc nữa. Bây chừ người Khơ Mú ở Bình Sơn chỉ có lời Tơm vui thôi!”.

Thấy được hiệu quả kinh tế, người trước đi kéo theo người đi sau, nhiều thanh niên bản Bình Sơn 1 và 2 cũng học tập theo. Số lượng người đi xuất khẩu lao động ngày một tăng. Phó Chủ tịch UBND xã Tà Cạ La Thị Hồng Văn cho biết, Bình Sơn 2 có số lao động đi làm việc ở nước ngoài nhiều nhất. Trong thời gian tới, chính quyền sẽ tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ và giới thiệu các đơn hàng có thu nhập cao, ổn định cho người dân có nhu cầu. Hiện, xã đã có hơn 100 người đi xuất khẩu lao động, một số gia đình cả hai vợ chồng cùng đi lao động ở nước ngoài. Bình quân mỗi tháng gửi về qua ngân hàng từ 10 - 20 triệu đồng. Từ nguồn thu nhập này, nhiều hộ đã có cuộc sống ổn định, từng bước thoát nghèo.

Được biết, hiện nay, lao động người dân tộc thiểu số ở Nghệ An đang nhận được hỗ trợ từ Tiểu dự án 3, thuộc Dự án 4, Chương trình Mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững năm 2023 và Tiểu dự án 3, thuộc Dự án 5 CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Người lao động được tiếp cận với thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm. Hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tìm kiếm được việc làm phù hợp với khả năng, nguyện vọng. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An, số người đi xuất khẩu lao động chiếm tỷ lệ lớn vẫn là lao động ở các huyện đồng bằng, thành thị. Lao động ở các huyện miền núi, đặc biệt là người dân tộc thiểu số tỷ lệ xuất khẩu lao động còn thấp. Được sự đồng ý của Quốc hội, UBND tỉnh Nghệ An mới đây ban hành văn bản cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn các CTMTQG và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của năm 2023 sang năm 2024. Nhờ chính sách tháo gỡ quan trọng này, người dân các huyện miền tây Nghệ An, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số có thêm cơ hội được thụ hưởng sự hỗ trợ của Nhà nước trong tìm kiếm việc làm, xuất khẩu lao động.

Thực tế từ bản Bình Sơn, xã Tà Cạ, huyện rẻo cao Kỳ Sơn, nhiều người đi xuất khẩu lao động trở về không chỉ có cuộc sống kinh tế khá giả hơn, mà còn tiếp thu thêm nhiều kỹ năng, kiến thức nhiều mặt. Vui với diện mạo bản Bình Sơn đã trở nên tươi mới và không còn lời Tơm buồn nơi lưng chừng núi...

Từ tiếp cận nguồn thông tin, nhiều người dân ở bản Bình Sơn đã lựa chọn đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài để xóa đói giảm nghèo. Nhờ con em việc làm ổn định, thu nhập cao ở nước ngoài, nhiều gia đình đã xây dựng được nhà kiên cố khang trang, tích cóp được vốn phát triển kinh tế làm cho bản làng ngày càng trở nên trù phú hơn trước.