Chuyện từ cây mắc khén Phổng Lập

Năm 2024, Đảng ủy xã Phổng Lập (huyện Thuận Châu, Sơn La) lựa chọn nội dung xây dựng mô hình “Quả mắc khén đạt OCOP” là một trong hai khâu đột phá của phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bước đi này có thể xem như kết quả của một quá trình đưa cây mắc khén từ tự nhiên thành sản phẩm nông nghiệp chủ đạo ở xã vùng cao này.
0:00 / 0:00
0:00
Ngoài mắc khén, chè là loại cây mang lại giá trị kinh tế cao.
Ngoài mắc khén, chè là loại cây mang lại giá trị kinh tế cao.

Cây xen kẽ thành sản phẩm OCOP

Đưa chúng tôi đi thăm khu vực trồng mắc khén của gia đình, anh Quàng Văn Liên, bản Ban Liềm (xã Phổng Lập, Thuận Châu, Sơn La) vui vẻ tính, gia đình anh đang có khoảng 30-35 cây mắc khén: “So các cây trồng khác thì cây mắc khén không cần chăm sóc vì nó là tự nhiên. So cây chè và cây cà-phê thì cây mắc khén thu được lợi nhuận dễ hơn và làm dễ dàng hơn các cây khác. Không bón phân, không phun thuốc, cứ đến mùa là mình đi thu về bán thôi, giá trị cao hơn so với các cây khác. Gia đình chúng tôi mong muốn sau này sẽ được nhân rộng và có thu nhập cao hơn”.

Anh Liên kể trước kia, khi làm nương, mắc khén cứ mọc tự nhiên. Tầm ba bốn năm anh thu hái một lần, coi như một cây phụ. Vài năm trước, mắc khén cũng không được giá nên gia đình anh cũng không mấy chủ tâm. Kể từ khi xác định trồng cây theo hướng sản phẩm OCOP, anh nói có hy vọng hơn nhiều. “Cây mắc khén không dễ nhân giống, nên có thương hiệu, có sản phẩm OCOP mới mong có đầu ra tốt hơn, có thu nhập ổn định hơn”, anh Liên bày tỏ.

Khu vực trồng mắc khén nhà anh Liên vẫn có thể trồng xen lẫn chè, cà-phê, “Nhưng tuyệt đối không được phun thuốc hóa học”, anh Liên bổ sung. Điều này vừa dễ lại vừa khó cho mỗi hộ dân. Dễ vì bà con không cần chăm sóc quá nhiều, cứ đến kỳ là hái quả. Nhưng khó là bởi trong quá trình chăm sóc các cây xen khác cũng không thể bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, hướng đi của cây mắc khén lại rất phù hợp với các tiêu chuẩn cây trồng hiện nay, nhất là trong tiến trình mục tiêu đưa hàng nông sản Việt đi muôn nơi. Từ năm 2015, nhiều hộ ở Phổng Lập đã bắt đầu trồng cây mắc khén xen với cà-phê, chè. Chính đặc thù và giá trị kinh tế của mắc khén khiến từ loại cây “trồng xen” hiện đã được chọn trở thành cây nông sản OCOP để xây dựng thương hiệu trong tương lai. Như nhà anh Liên, do mắc khén cho giá trị lợi nhuận gấp 3 lần cây trà, cà phê, khiến doanh thu từ mắc khén mấy năm trở lại đây cũng trở thành một nguồn đáng kể cho gia đình. Đầu ra của cây hiện nay cũng khá ổn định. “Thời gian tới, khi trở thành sản phẩm OCOP thì giá mắc khén còn cao hơn, ông Lò Văn Là, Trưởng bản Ban Liềm tự tin. Hiện, riêng bản Ban Liềm có 10 ha cây mắc khén mọc tự nhiên, cho sản lượng 10 tấn quả tươi mỗi năm, giá thành dao động từ 35 nghìn đến 60 nghìn đồng/kg.

Theo ông Quàng Văn Chinh, Bí thư Đảng ủy xã Phổng Lập thì Phổng Lập thuộc xã vùng ba của huyện Thuận Châu, xã gồm có hơn 5.000 tổng diện tích tự nhiên. Trong 1.200 hộ thì Phổng Lập có 34% là hộ nghèo. Cơ sở hạ tầng hạn chế, đi lại khó khăn. Đường vào các bản chủ yếu là đường đất, chỉ có trục chính mới có đường bê-tông. Nhiều năm qua, mô hình cơ bản ở Phổng Lập là cây lúa, cây chè, cây cà-phê. Tuy nhiên, để đa dạng hóa nông sản, việc phát triển các loại cây có giá trị kinh tế cao cũng là bài toán không hề đơn giản ở Phổng Lập. Bởi vậy, phát triển cây mắc khén có thể coi như một con đường đầy hứa hẹn không chỉ cho một thương hiệu nông sản mới mà còn là kỳ vọng xóa đói, giảm nghèo ở xã xa xôi này. Hiện, mắc khén chủ yếu được trồng tại các nương canh tác của người dân. Cả xã Phổng Lập có khoảng 30 ha mắc khén, với khoảng 5.000 cây từ nhỏ tới cây có thể thu hái.

Chuyện từ cây mắc khén Phổng Lập ảnh 1

Người dân có thể trồng đan xen cây mắc khén và một số cây trồng khác.

Thương hiệu mắc khén tương lai

Cây mắc khén ở Tây Bắc nổi tiếng từ lâu, mà tại Phổng Lập lại càng không lạ. Mắc khén Phổng Lập có mùi thơm hơn nhiều nơi, lại phù hợp khí hậu, những cây đã có đều rất sai quả, cây phát triển tốt. Ở đây có nhiều cây mắc khén đã thành cổ thụ. Mắc khén cứ tự nhiên mọc, không cần người trồng, không cần chăm, bao đời nay, cũng chưa ai nghĩ nó có thể trở thành một loại cây chủ đạo phát triển kinh tế. Lý do là dù cứ tự nhiên mà lớn thì loại cây gia vị này lại khá kén tay, không thể chịu được những loại thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật. Cũng chưa từng có mô hình nào mở rộng trồng mắc khén hiệu quả, mặc dù cây cho giá trị kinh tế cao.

Việc đưa cây mắc khén vào sản phẩm nông nghiệp địa phương có thể xem như một bước đi đặc biệt ở Phổng Lập. Cách đây hơn hai tháng, vào ngày 26/4, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Phổng Lập cũng đã được thành lập. Ông Chinh lý giải cho việc chọn mắc khén làm sản phẩm chủ đạo: “Trên thực tế khi đến mùa thu hái, ra sản phẩm thì người dân tiêu thụ quả mắc khén này rất là tốt. Giá cũng rất ổn định. Nhiều địa phương ở huyện khác, xã khác cũng đến mua”.

Hành trình cùng cây mắc khén cũng phải trải qua nhiều thăng trầm. “Chúng tôi phải cử người đi tập huấn, gồm cán bộ HTX, Giám đốc, Phó giám đốc, rồi Ban Quản trị HTX và người dân, những người đang trồng cây mắc khén, rồi phối hợp với HTX, đưa quả mắc khén đi trưng bày ở các gian hàng của huyện, trưng bày ở tỉnh và các địa phương trên cả nước như Hà Nội, Quảng Ninh, TP Sơn La…”, ông Lỗ Trường Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Phổng Lập kể lại. Việc đưa mắc khén vào chương trình sản phẩm OCOP huyện cũng nằm trong kế hoạch tạo dựng thương hiệu mắc khén Phổng Lập. Hơn thế nữa, đó cũng là bước đầu để xây dựng một vùng nguyên liệu và từ đó có quy trình sản xuất đóng gói chuyên nghiệp. “Để đưa được sản phẩm quả mắc khén ra thị trường và để có được một thương hiệu riêng, thì chúng tôi cũng đưa vào những sản phẩm OCOP của huyện. Thứ nhất là để tạo ra một sản phẩm có thương hiệu riêng, có giá trị cạnh tranh trên thị trường. Thứ hai nữa là để mang lại nguồn lợi cho bà con. Thời gian tới, phải có một vùng nguyên liệu. Sau đó là đưa ra quy trình sản xuất, đóng gói bao bì sản phẩm. Sản phẩm sẽ được đưa ra thị trường để kết nối với thị trường, tạo ra thương hiệu riêng cho sản phẩm mắc kén của Phổng Lập”, ông Lò Văn Hoan, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phổng Lập nói.

Theo ông Thào A Súa, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thuận Châu thì: “Hằng năm, Đảng bộ huyện Thuận Châu đều nghiên cứu và lựa chọn mô hình nông nghiệp để trở thành khâu đột phá của địa phương. Năm 2024, mô hình sản phẩm mắc khén của xã Phổng Lập được quan tâm, chú trọng thực hiện và dự kiến sản phẩm mắc khén tới tháng 11 năm nay sẽ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình OCOP năm 2024”.